Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá càphê thấp nhất 3 năm qua: Nông dân đối mặt với nhiều áp lực
23 | 03 | 2010
Những tháng gần đây, càphê xuống giá mức thấp nhất trong 3 năm qua. Áp lực thiếu vốn không chỉ đè nặng vai DN xuất khẩu, mà còn đưa hàng ngàn hộ nông dân ở Tây Nguyên vào cơn bĩ cực.

Khó khăn chạm đáy

Tại huyện Ia Grai, một trong những vùng nguyên liệu càphê tập trung nhất ở Tây Nguyên, người nông dân đang đối mặt với nhiều áp lực đồng thời: Giá thấp kéo dài và đã đến lúc không thể cầm cự, đành phải bán để thu hồi vốn tái đầu tư. Khó khăn này diễn ra trong bối cảnh giá thuê nhân công thu hái, giá vật tư đầu vào leo thang.

Nếu vụ mùa năm ngoái mức giá bình quân trên 25.000 đồng/ ký thì từ Tết Nguyên đán đến nay chỉ dao động ở mức 22.000 - 23.000 đồng/ ký, người trồng càphê phải chịu lỗ nặng trên thực tế mà những tính toán từ ngân hàng chưa bao quát hết được; nhất là trong bối cảnh sản lượng toàn vùng tụt giảm đến 30% so với năm trước.

Anh Mai Xuân Ngọc- thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai - cho biết: “Cuối tháng 12 năm rồi, các ngân hàng đều chốt nợ; nếu không phải chịu mức lãi phạt lên tới 150% lãi suất. Tôi vay 120 triệu đồng, mức phạt sẽ là 2,3 triệu đồng/tháng. Càphê rẻ vậy, chứ rẻ nữa cũng phải bán để trả nợ”.

Và những khó khăn... ngoài báo cáo

Trong thực tế, các ngân hàng vốn kỹ tính, chỉ cho vay đối với những hộ nông dân có tài sản thế chấp đảm bảo; trong khi phần nhiều nông dân càphê ở Tây Nguyên chưa có “bìa đỏ” cho vườn cây của mình. Vì vậy mà bài toán vốn của họ phải giải quyết bằng nhiều cách khác nhau.

Một trong những công ty “cọ xát” nhiều nhất với thị trường càphê tại đây là Cty CP đầu tư và XNK càphê Tây Nguyên có trụ sở tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc); từng nhiều năm là “lối thoát” cho nông dân thiếu bìa đỏ, trong bối cảnh giá thấp, giờ cũng đồng hành với nông dân trong vai trò là nạn nhân của giá và vốn.

Ông Nguyễn Minh Đường - Phó TGĐ Cty kiêm GĐ Chi nhánh Gia Lai - cho biết: “Riêng chi nhánh Gia Lai hiện đang tồn kho 140.000 tấn càphê, tương đương thời giá là 2.500 tỉ đồng. Trong đó có đến 2.000 tỉ đồng đã ứng trước cho nông dân từ sản phẩm ký kho. Đây là nguồn vốn vay ngắn hạn (3 tháng) từ các ngân hàng nhằm ứng trước (70% giá thời điểm) cho nông dân gỡ khó; công ty không thu tiền phí lưu kho và các khoản khác. Tuy vậy, khó khăn nhất là ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn, trong khi nông dân ký gửi sản phẩm (và ứng tiền) thường không dưới 6 tháng, chờ được giá mới cắt bán.

Với giá thấp kéo dài như hiện nay thì công ty phải chịu hai áp lực cùng lúc: Trả nợ vay ngân hàng và thiếu nguồn để “nuôi” nông dân vượt qua cơn bão giá”. Cty gặp khó đương nhiên “nông dân không bìa đỏ” cũng gặp khó theo. Mặt khác và vì thế mà tại đây đã hình thành những đường dây “tín dụng đen” với lãi suất thường ở mức 3%/tháng dành cho những nông dân lâm vào bước ngặt.

Được biết, Hiệp hội Càphê-Cacao VN mới đệ trình lên Thủ tướng xin mua tạm trữ 200.000 tấn càphê trong hạn 6 tháng, với việc bù lãi suất 0,5%/tháng... nhằm gỡ bớt khó khăn cho nông dân. Tuy vậy, đây cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, bởi thực tế nguồn lực trong dân còn quá mỏng và bấp bênh. Nếu tín dụng thương mại tiếp tục thắt chặt, nguy cơ bỏ vãi vườn cây là điều có thể xảy ra, như đã từng xảy ra.



Theo Lao Động Online
Báo cáo phân tích thị trường