“Đi làm thuê còn lỗ”
Những ngày đầu tháng 12, càphê chín đỏ cây nhưng gia đình ông Lê Nam - xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai - không buồn thu hoạch. Theo ông Nam, năng suất càphê năm nay ước chừng 2 tấn/ha, với giá hiện nay bán được 68 triệu đồng, mà “ăn hết” 60 triệu chi phí đầu tư. “Trồng càphê bây giờ là tự giải quyết việc làm cho mình thôi, trừ phí tổn vật tư chỉ còn lại 8 triệu, làm sao đủ tiền công chăm sóc cả năm trời, đi làm thuê còn lỗ vốn là vậy đó” - ông Nam giải thích.
Tại Đắc Lắc, không khí ảm đạm đã len vào từng nông hộ, khi toan tính găm hàng chờ giá suốt cả năm 2015 chẳng đem lại kết quả, lượng hàng vụ trước còn tồn khá lớn. Năm nay giá càphê quá thấp nên các hộ không mướn thuê nhân công, người nhà tự hái cả tháng trời, có thể ảnh hưởng đến chất lượng càphê.
Theo quy luật, nếu càphê năm nay được mùa, năm sau thường mất mùa và ngược lại. Nhưng niên vụ 2014 - 2015 năng suất càphê ở Tây Nguyên đã giảm 20%, năm nay lại mất thêm 20% nữa, cộng với rớt giá thê thảm khiến ngành cà phê chồng chất khó khăn. Với công nhân, hộ liên kết tại các Cty càphê còn khốn hơn. Bởi đây là những nông dân không tư liệu sản xuất, phải nhận khoán vườn cây, nộp hàng chục khoản phí. Ông Trần Văn Cảnh - trú xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắc Lắc - nhận khoán gần 2ha của Cty TNHH MTV càphê Ea K’tur, thu được 4 tấn càphê nhân, nhưng phải nộp cho Cty gần 1 tấn. “Bán 3 tấn còn lại được 102 triệu, trong khi chúng tôi phải tự đầu tư 100% chi phí nuôi 2ha thì lấy gì mà ăn, coi như làm không công” - ông Cảnh ngao ngán nói.
Cũng tại huyện Cư Kuin, Cty TNHH MTV càphê Chư Quynh đang “thu tô” tới 16 khoản với gần 2,7 tấn quả tươi/ha đối với vườn cây do Cty trồng, vườn cây dân tự trồng cũng thu hơn 2,2 tấn tươi/ha. Vin “lá bùa” của Cty mẹ, Giám đốc Hồ Phúc Long giải thích: “Có người phản ánh là thu cao, nhưng chúng tôi xây dựng phương án khoán theo hướng dẫn, được TCty Càphê VN phê duyệt đàng hoàng”. Riêng Giám đốc Cty TNHH MTV càphê Ea H’nin Dương Quang Cường nhăn nhó: “Hiện Cty đang nợ 23 tỉ đồng không có nguồn trả, thậm chí thiếu tiền trả lương cán bộ. Giờ chúng tôi chủ yếu kinh doanh lĩnh vực khác, nhưng nợ quá hạn nhiều, không vay được nên rất khó khăn”.
|
Nông dân Tây Nguyên đang thu hoạch càphê trong nỗi buồn mất mùa, rớt giá. Ảnh Trung Kiên |
Theo ông Cường, nguyên nhân thảm trạng là do giá càphê nhiều năm liền quá thấp, người nhận khoán không nộp sản đầy đủ”. Xung đột giữa người lao động và các Cty càphê ở Tây Nguyên xung quanh phương án giao khoán vốn đã căng thẳng lâu nay, giờ đang lên đỉnh điểm khi giá cà phê chạm đáy.
Doanh nghiệp xuất khẩu “ngồi trên lửa”
Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng đầu ở Đắc Lắc, giá càphê lao dốc đang đẩy họ vào tình thế “như ngồi trên lửa”. Hầu hết các DN đều xuất khẩu càphê theo hợp đồng giao sau, chốt giá tại thời điểm giao hàng, căn cứ vào giá trên sàn giao dịch London, cộng (hoặc trừ) tùy theo chất lượng càphê.
Ông Lê Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắc Lắc, Simexco - cho biết: “Phương thức này có một số rủi ro, như hiện nay giá London quá thấp ngoài dự báo, khiến nông dân không bán, các DN không có hàng để giao cho đối tác. Thậm chí, chúng tôi phải mua cao hơn giá xuất khẩu để có hàng giao, dẫn đến thua lỗ. Chẳng hạn giá thu mua ngày 7.12 tại Đắc Lắc là 34 - 34,5 triệu đồng/tấn, cao hơn giá xuất khẩu rồi”. Mặc dù vậy, phương thức này phổ biến đến 99%, vì nếu chốt giá ngay sẽ không có người mua.
Cũng theo ông Hùng, trong bối cảnh giá càphê xuống thấp, càphê Việt Nam còn đối mặt với vấn đề chất lượng. Theo khảo sát của Cty, càphê loại 1 chiếm tỉ lệ thấp hơn nhiều so với năm trước, các loại hạt tốt khác cũng thấp, do vậy thành phẩm trong quả càphê giảm, một số vùng giảm rất lớn.
Nhiều DN khác cho rằng, giá càphê diễn biến rất khó lường. Nhưng việc nông dân găm hàng chờ giá như hiện nay, nhất là từ khi dự báo sản lượng càphê Việt Nam sụt giảm tiếp 20% trong vụ này, có thể là một sai lầm lớn, khiến lượng hàng tồn tăng lên. Bởi dù Việt Nam đã vượt qua Brazil, đứng đầu thế giới về sản lượng càphê, nhưng chúng ta lại không có khả năng chi phối thị trường.