Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất càphê đối mặt nhiều thách thức
12 | 04 | 2010
Không chỉ khốn đốn vì càphê rớt giá, người trồng càphê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt với những khó khăn do giá vật tư leo thang, biến đổi khí hậu làm tăng thêm chi phí, giảm năng suất.

Đã vậy, không ít nông dân trồng càphê còn tự làm nghèo mình bằng những khoản đầu tư lãng phí, những bất hợp lý trong sản xuất.

Khó khăn ngoài “lý thuyết”

Đầu tháng 4.2010, nhiều vùng chuyên canh càphê ở Tây Nguyên đã bước vào đợt tưới thứ năm, trong khi cùng kỳ nhiều năm chỉ mới tưới 3 đợt.

Ông Nguyễn Đình Long - ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc - cho biết: “Thuê dịch vụ tưới mỗi giờ hết 40.000 đồng, mỗi hécta phải tưới 30 giờ, vị chi là 1,2 triệu đồng. Tôi có 3ha càphê, riêng 2 đợt tưới vừa rồi đã làm tăng chi phí thêm 7,2 triệu đồng”.

Những người có máy bơm thì với giá dầu xấp xỉ 15.000 đồng/lít, chi phí trong 2 đợt tưới phát sinh cũng không dưới 1 triệu đồng/ha.

Đáng lo ngại hơn là các đợt tưới tiếp theo sẽ không còn nguồn nước tại chỗ, buộc nông dân phải chở nước từ xa về rất tốn kém. Trong khi đó, trên “lý thuyết” tính toán giá thành, mỗi hécta càphê thường chỉ tưới 3 – 4 đợt trong năm.

Tại huyện Ea Kar, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa – cán bộ Phòng NNPTNT – nói: “2,3 tấn/ha là năng suất càphê bình quân toàn vùng Tây Nguyên, còn ở huyện Ea Kar này chỉ có 1,45 tấn/ha. Trong đó, hơn 1.000ha của 4 DN thành viên TCty Càphê Việt Nam được 1,8 – 2 tấn, 4.000ha của dân chỉ được 1,2 – 1,5 tấn”.

Hỏi vì sao năng suất thấp, chị Hoa cho biết: “Chỉ những người trồng càphê ở một số vùng như Cư M’gar, Buôn Ma Thuột, Krông Búc mới giàu có nhờ đất tốt. Ở Ea Kar thì tầng canh tác dưới 80cm, lại mưa phùn vào lúc càphê ra hoa, nên dù thâm canh cũng không thể cải thiện năng suất”.

Về tình hình khô hạn, đến thời điểm này vẫn chưa có hạt mưa nào, trong khi mùa mưa thường bắt đầu khoảng giữa tháng 4. Trên thực tế, không chỉ riêng Ea Kar mà rất nhiều huyện ở Tây Nguyên cũng có những bất lợi tương tự cho sản xuất càphê. Nông dân đã vậy, các DN trồng càphê còn khốn đốn hơn do phải chịu nhiều chi phí.

Sẽ lãi thêm chút ít, nếu...

Hiệp hội Càphê – Cacao Việt Nam và các DN tính toán, với giá sàn thu mua tạm trữ 23 triệu đồng/tấn (đưa ra cách đây 1 tháng) thì người trồng càphê có lãi 30%. Nếu lấy năng suất bình quân 2,3 tấn/ha, thì nông dân lãi được 15,9 triệu đồng/ha.

Nhưng trên thực tế, hàng trăm nghìn hộ trồng càphê ở Ea Kar và nhiều vùng tương tự, mức lãi chỉ ... 3,3 triệu đồng/ha. Chưa kể, một bộ phận lớn nông dân do thiếu vốn, thâm canh kém nên năng suất còn thấp hơn.

Giải pháp vốn, phương thức mua bán, điều hành xuất khẩu là việc của Nhà nước, ngân hàng, hiệp hội và DN... Với người trồng càphê, theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắc Lắc Nguyễn Văn Sinh và Viện trưởng Viện KH – KT nông - lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu, thì nếu thực hiện triệt để một số giải pháp thì có thể tăng lãi chút ít.

Trước hết, phải áp dụng mô hình tưới tiết kiệm (450 lít nước/gốc thay vì 650 lít/gốc như hiện nay) và trồng cây che bóng (20% diện tích càphê của Đắc Lắc được che bóng chỉ cần tưới 3 đợt/năm). Với 180.000ha càphê, các giải pháp này sẽ giúp Đắc Lắc tiết kiệm khoảng 300 triệu mét khối nước mỗi năm - tương đương 15 hồ chứa dung tích lớn.

Bên cạnh đó, cây che bóng còn cho thêm thu nhập khoảng 25% từ quả (sầu riêng, bơ), chưa kể khai thác gỗ (mít, muồng) và tiết kiệm nhân công tưới nước. Các nhà khoa học cũng cho rằng người trồng càphê Việt Nam phải cắt giảm 10 – 23% lượng phân bón (tuỳ nơi), bởi đây là tỉ lệ thừa làm tăng chi phí sản xuất.

Với những diện tích càphê già cỗi hoặc kém hiệu quả do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp thì kiên quyết chuyển đổi cây trồng. Đây cũng là những nội dung cơ bản của chương trình sản xuất càphê bền vững, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân.



Theo Lao Động Onine
Báo cáo phân tích thị trường