Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá càphê thấp nhất trong vòng 3 năm qua: Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu
18 | 03 | 2010
Sản lượng càphê niên vụ 2009 - 2010 sụt giảm gần 30%, chất lượng tốt hơn, nhưng giá lại xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
 

Ngoài nguyên nhân các nhà đầu cơ, quỹ đầu cơ trên thị trường Ice New Work và Nyse liffe London bắt tay ghìm giá như suy đoán lâu nay của các chuyên gia trong nước, thì điều dễ thấy là hầu hết các DN xuất khẩu càphê Việt Nam đang thiếu vốn trầm trọng.

Luẩn quẩn níu chân nhau

Theo lãnh đạo Chi nhánh NHNN Đắc Lắc, các DN ở tỉnh này thu mua khoảng 600.000 tấn càphê/vụ (gồm 400.000 tấn của Đắc Lắc và 200.000 tấn ở các tỉnh lân cận). Với giá càphê hiện nay, nhu cầu vốn khoảng 15.000 tỉ đồng, nếu quay được hai vòng thì ít ra cũng phải có 7.000 tỉ. Số vốn đó không phải chuyện lớn với ngân hàng trong các năm trước, nhưng năm nay thì ... đặc biệt khó khăn.

Do thiếu vốn, hiện các DN xuất khẩu càphê chỉ dám thu mua cầm chừng. Ông Lê Đức Thống – GĐ Cty TNHH 1 thành viên XNK 2/9 – cho biết, hiện công ty mới mua được 43 ngàn tấn càphê, tương đương 70% cùng kỳ năm 2009. Ông Vũ Đức Tiến – GĐ Công ty CP XNK càphê Tây Nguyên – cho biết, cũng chỉ mới mua được 60.000 tấn, bằng 50% cùng kỳ. “DN không có vốn để mua, càphê tồn đọng trong dân rất lớn thì làm sao đẩy giá lên được” – ông Tiến nói.

Theo Bộ NNPTNT, lượng càphê còn tồn trong cả nước tính đến thời điểm này khoảng 600.000 tấn. Sau hơn 3 tháng chờ giá, hiện nông dân đã bắt đầu bán tháo do áp lực nợ vay, do cần vốn đầu tư cho vụ mới. Theo tính toán, nông dân phải bán được giá 25 triệu đồng/tấn thì mới có lãi, nhưng hiện các DN xuất khẩu chỉ có thể mua với giá 22,5 triệu đồng thì mới không bị lỗ.

Vậy là cái vòng luẩn quẩn, níu chân lẫn nhau đã lặp lại: DN trong nước không xuất khẩu được, nông dân phải bán giá rẻ mạt, lợi nhuận cuối cùng rơi vào tay các DN nước ngoài vốn rất mạnh về tài chính. “Đến một lúc nào đó, các tổ chức nước ngoài thu mua đủ, họ sẽ tìm cách đẩy giá lên” – lãnh đạo một DN xuất khẩu càphê ở Đắc Lắc bức xúc nói.

Sẽ hỗ trợ vốn cho xuất khẩu càphê

Tại cuộc họp tìm cách tháo gỡ đầu năm 2010, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Đắc Lắc đã nói thẳng với lãnh đạo UBND tỉnh: Huy động vốn khó khăn, tăng trưởng tín dụng bị khống chế ở mức 25%/năm nên khả năng giúp các DN xuất khẩu và qua đó giúp người trồng càphê từ phía họ là rất thấp. Chỉ có NHNN và các ngân hàng thương mại trung ương mới có khả năng tháo gỡ, chẳng hạn linh động xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ vốn cho các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Đắc Lắc do huy động vốn tại chỗ thấp.

Theo đề nghị của UBND tỉnh Đắc Lắc, hiện Thống đốc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình tín dụng cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu càphê để có biện pháp hỗ trợ. Một tín hiệu khác cũng được kỳ vọng là chủ trương thu mua tạm trữ 200.000 tấn càphê để ngăn đà rớt giá do Hiệp hội Càphê - cacao Việt Nam đề xuất. Nếu được Chính phủ và các bộ hữu quan thông qua, các DN sẽ có thêm một kênh tiếp cận nguồn vốn cho xuất khẩu càphê.

Thành lập trung tâm đào tạo cho nông dân trồng càphê

Ngày 16.3, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – thành viên của nhóm ngân hàng thế giới - vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác với Cty TNHH thương phẩm Atlantic VN, thuộc Tập đoàn Ecom (chuyên kinh doanh càphê, cung cấp nguyên liệu thô cho các tập đoàn: Nestle, Hershey, Mars và Starbucks) – để thành lập trung tâm đào tạo đầu tiên tại VN cho nông dân trồng càphê.

Trung tâm này sẽ hỗ trợ nông dân trồng càphê đạt được các chứng chỉ quốc tế về càphê bền vững, cũng như cải thiện năng suất và sự phát triển bền vững của cây càphê, nhờ đó giúp tăng thu nhập cho họ. Trung tâm đào tạo tại VN là một trong những trung tâm đào tạo nông dân ở các nước phát triển.
 
Các trung tâm này sẽ được nhận khoản vay 55 triệu USD cho các hoạt động. Trung tâm tại VN có kế hoạch trong 3 năm thu hút đào tạo 4.000 nông dân và giúp các hộ trồng càphê này đạt được các chứng chỉ càphê bền vững như Utz, Rainforest, hay 4C...  C.H
 

Ông Trần Việt Hùng – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
 
Các tỉnh Tây Nguyên chiếm 90% diện tích - sản lượng càphê của cả nước. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị Chính phủ giao NHNN và các bộ liên quan nghiên cứu, áp dụng chính sách tín dụng tổng thể đối với nông dân và các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu càphê. Khi giá càphê biến động bất lợi, có thể điều hành xuất khẩu càphê như điều hành xuất khẩu gạo. Làm được điều đó sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị vùng Tây Nguyên.



Theo Lao Động Online
Báo cáo phân tích thị trường