Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê rớt giá: doanh nghiệp chần chừ, nông dân lãnh đủ
16 | 03 | 2010
Giá cà phê ở Tây nguyên hiện ở mức dưới 23 triệu đồng/tấn, thấp nhất so với từ đầu năm 2009 đến nay. Người trồng cà phê đã hết kiên nhẫn đợi chờ và bắt đầu bán tháo, chấp nhận thua lỗ.

Giá cà phê rớt thấp trong suốt thời gian dài là ngoài dự báo, khiến người trồng gặp khó khăn vì đã cạn vốn để tái đầu tư, trong khi hầu hết  đại lý cà phê đều thay đổi phương án kinh doanh, thu mua cầm chừng và tạm ngừng ứng vốn cho nông dân.

Chị Võ Thị Sen, một hộ trồng cà phê ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chua chát: "Bí vốn đầu tư, hết tiền trang trải nên dù biết lỗ cũng đành bóp bụng bán đại chứ biết làm sao!"

Ông Nguyễn Ngọc Chánh, ở huyện Di Linh (Lâm Đồng), cho biết "Theo tính toán, giá cà phê phải đạt ở mức 28.000-30.000 đồng/kg mới có lãi. Việc bán cà phê với giá thấp như thế này cũng đau xót lắm, nhưng vì các doanh nghiệp và người trồng cà phê như chúng tôi chưa tìm ra được hướng đi chung.

Chính sách cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê là điều hết sức cần thiết và phải sớm được triển khai.

Trong khi đó, theo ông Dương Thanh Tương, chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp trẻ tỉnh Đắk Lắk, tình trạng giá thấp kéo dài và chưa biết bao giờ chạm đáy đã khiến toàn ngành cà phê lo lắng.

Hiệp hội Cà phê - ca cao và Tổng công ty Cà phê VN đã kiến nghị hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhằm ngăn tình trạng này. Tuy nhiên, cũng vì chưa biết giá cà phê bao giờ chạm đáy nên nếu có hỗ trợ vốn, gắn với điều kiện phải mua tạm trữ cà phê vào thời điểm này, cũng chưa chắc đã được các doanh nghiệp hồ hởi đón nhận.

Tây nguyên là khu vực sản xuất cà phê lớn nhất nước, hiện có khoảng 430.000 ha cà phê, chiếm trên 80% tổng diện tích và sản lượng cà phê cả nước.

Trước tình trạng suy thoái giá, doanh nghiệp chần chừ, người trồng cà phê thì lại rất cần vốn. Việc bán cà phê vào thời điểm giá rẻ như hiện nay với nông dân chỉ là điều bất đắc dĩ. Đồng thời bởi thiếu vốn đầu tư là nguyên nhân khiến cho Đắk Lắk - vùng sản xuất cà phê lớn nhất nước, bị giảm về sản lượng lẫn chất lượng.

Chỉ tính ba vụ gần đây, sản lượng chỉ đạt  60 - 80% so với bình quân chung và tỉ lệ hạt nhỏ, kém chất lượng lại tăng hơn 20%.

Theo ông Phạm Văn Án, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng: “Nếu có nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thì chắc chắn việc tạm trữ cà phê sẽ được tiến hành suôn sẻ và triệt để hơn".



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường