Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu gỗ nguyên liệu, nhưng khó trồng rừng
06 | 05 | 2008
Mỗi năm, doanh nghiệp trong ngành gỗ phải bỏ ra 1 tỉ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Việc trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu vẫn ngoài tầm tay doanh nghiệp.
Dự kiến, năm 2008, để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD ngành gỗ sẽ phải bỏ ra 1,2 – 1,4 tỉ USD để nhập khẩu trên 6 triệu mét khối gỗ.

Muốn nhưng không được…

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ cho biết, hiện nay họ không còn theo đuổi việc trồng rừng là do diện tích đất không còn đủ để họ đầu tư sản xuất quy mô hàng hoá. Còn nếu có đất để trồng, chi phí cũng sẽ cao hơn nhập khẩu hoặc là mua lại các nguồn gỗ khác.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, tổng giám đốc Scan Pacific, bởi quy mô doanh nghiệp nhỏ, đất đai, vốn liếng không đủ để đầu tư dài hạn cho việc trồng rừng.

Ông Nguyễn Văn Thiện, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi cũng muốn động viên các doanh nghiệp trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu nhưng hiện nay diện tích rừng của tỉnh đã hết, chưa kể diện tích trên mỗi khoảnh quá nhỏ, từ 3 – 5ha nên cũng khó. Mặt khác, vì đất hiện nay quá xấu, năng suất trồng thấp nên họ không muốn đầu tư”.

Theo tính toán của các chuyên viên chi cục Lâm nghiệp (trực thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai), không kể tiền thuế đất, tổng chi phí cho 1ha rừng kinh doanh (trồng bạch đàn, keo lá tràm...) khoảng từ 13 – 15 triệu đồng/ha trong suốt chu kỳ là 7 năm, kể từ ngày đặt cây giống. “Nguồn vốn trên không phải là quá lớn nhưng vấn đề là không đủ diện tích cũng như chất lượng gỗ không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nếu nhập gỗ từ nước ngoài, dù lượng hàng không ổn định nhưng bù lại chúng tôi yên tâm sản xuất vì gỗ đạt tiêu chuẩn”, một doanh nghiệp chế biến gỗ tại Bình Định nói.

Giải pháp nào?

Ông Nguyễn Văn Sự, tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, cũng thừa nhận khó khăn trong việc trồng rừng. Giải pháp của công ty là trồng cây cao su lấy mủ và lấy gỗ, cách làm này nhằm giảm thiểu chi phí trồng rừng. Trong chiến lược trồng rừng của công ty từ năm 2007 đến 2012, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng được 20.000ha rừng cao su xen với cây tràm. Theo tính toán của ông Sự, việc trồng rừng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp so với nhập khẩu gỗ nguyên liệu về chế biến, có thể giảm gần 30% chi phí so với việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Để giải quyết vấn đề vốn, tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã tìm cách kêu gọi những nhà đầu tư chiến lược, thống nhất thông qua những chương trình kinh doanh dài hạn. Một trong số đó là dự án trồng rừng trị giá 20 triệu đô la trong 10 năm với quy mô 50.000ha ở tỉnh Dăk Lăk.

Các doanh nghiệp ở hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đã có những dự án trồng rừng ở Campuchia và Lào. Diện tích rộng, cộng với thời hạn thuê đất lên tới 70 năm nên các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

“Nếu đủ đất cho chúng tôi đầu tư trồng rừng chắc không có doanh nghiệp nào từ chối. Vẫn hiểu trồng rừng là hướng tới phát triển bền vững, lâu dài nhưng chẳng dễ chút nào”, đại diện công ty Quốc Thắng nói như vậy.

Hiện nhà nước chỉ chủ yếu giao đất cho các công ty lâm nghiệp, nông trường trồng rừng. Ông Sự thừa nhận, những doanh nghiệp quy mô nhỏ của Việt Nam chắc chắn không đủ thời gian, chi phí dài hơi để trồng rừng, nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước. Giải pháp mà ông Sự đưa ra là, muốn chiến lược trồng rừng thành công, nhà nước nên giao cho tư nhân. Ông Sự cũng nói, vì lợi ích dài hạn các doanh nghiệp nhỏ cần liên kết lại với nhau, chung vốn liếng, công sức để trồng rừng.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường