Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm cách phát triển ngành gỗ bền vững
26 | 04 | 2008
Các nhà quản lý trong nước cùng Hiệp hội gỗ Việt Nam (Vifores) sẽ hợp tác với Ủy ban châu Âu (EC) để phát triển công nghiệp đồ gỗ một cách bền vững.
EC đã khởi xướng và chủ trì một chương trình mang tên “Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại gỗ” (gọi tắt là chương trình FLEGT) ở nhiều quốc gia châu Âu, một số quốc gia châu Á và Đông Nam Á. EC đang trong quá trình hợp tác và đàm phán với Việt Nam để triển khai chương trình FLEGHT tại Việt Nam.

Trong hội nghị bàn tròn giữa EC và Việt Nam về nhu cầu thị trường các sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững hôm 18-4 tại Hà Nội, ông William Vandenberghe, trưởng ban hợp tác phát triển của EC tại Hà Nội, nhận định: “Vấn đề quan trọng để chống khai thác bất hợp pháp, giảm thiểu vi phạm lâm luật là xây dựng thị trường cho các sản phẩm gỗ bền vững và hợp pháp”.

Một phần quan trọng trong chương trình là xây dựng một hệ thống chứng nhận cho sản phẩm gỗ hợp pháp. Hệ thống này sẽ được ra đời dựa trên các hiệp định đối tác tình nguyện (VPA) giữa EU và các nước xuất khẩu gỗ.

Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm 2007 đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ và dự kiến sẽ tăng lên 3 tỉ đô la trong năm nay. Tuy nhiên, nguồn gỗ nguyên liệu của nước ta chưa ổn định và đang hy vọng có 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới (FSC) vào năm 2020.

Hạn chế nguồn gỗ nội địa cho thấy ngành công nghiệp gỗ phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam (Vifores), cho biết, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu gỗ đảm bảo sản xuất năm nay dự kiến 1 tỉ đô la Mỹ. Việc đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của nguồn cung cấp là một thách thức rất lớn.

Tham gia VPA giúp Việt Nam có thêm hành lang pháp lý và gia tăng cơ hội xuất khẩu cho các hợp đồng lớn tới thị trường EU và Mỹ (hiện chiếm 80% lượng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam). Tuy nhiên, vì là nước nhập khẩu và chế biến gỗ, tiến trình đàm phán VPA của Việt Nam sẽ khác các nước đang thực hiện đàm phán VPA với trọng tâm là xuất khẩu gỗ. Song bất kể đàm phán theo hình thức nào, đích đến cuối cùng của các tổ chức nước ngoài và các nhà quản lý trong nước là đi sâu vào vấn đề bảo vệ môi trường cân bằng với việc phát triển thương mại như các quốc gia trên thế giới. Ông Quyền cho rằng không nên quá lo ngại về việc tổ chức môi trường của Anh EIA và tổ chức phi chính phủ Telapak (Indonesia) mới đây đã đưa ra các kết quả điều tra độc lập nói rằng Việt Nam là quốc gia sử dụng gỗ bất hợp pháp. Các doanh nghiệp sản xuất gỗ thông qua Vifores và Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ gửi văn bản phản đối tới hai tổ chức nói trên với các minh chứng rằng các đơn hàng xuất khẩu gỗ vào Mỹ và EU đều phải trải qua các quy định ngặt nghèo về xuất xứ chất lượng hàng hoá gồm các chứng chỉ từ các nguồn gỗ do FSC cấp, chứng nhận xử lý an toàn về vệ sinh môi trường và các chứng chỉ ISO khác về quản lý chất lượng. Thậm chí các nhà nhập khẩu còn sang Việt Nam để xem việc tổ chức sản xuất cụ thể như thế nào từ điều kiện ánh sáng, môi trường làm việc… Nếu không đảm bảo những tiêu chí như hợp đồng xuất hàng vào EU và Mỹ, các đơn hàng có thể bị từ chối.

Tuy nhiên, ông Quyền khẳng định rằng những năm gần đây và kể cả sau khi hai tổ chức phi chính phủ nói trên đưa ra kết quả điều tra độc lập về xuất xứ gỗ Việt Nam là nguồn gỗ bất hợp pháp, chưa có doanh nghiệp nào bị từ chối hợp đồng. Các hợp đồng bị từ chối đã được ghi rõ do không đảm bảo xử lý an toàn về vệ sinh, môi trường.

Chuyên gia Thomas Osborn, đến từ chương trình TRAFFIC của EC, đưa ra 8 nguyên tắc về gỗ hợp pháp: từ quyền sử dụng, tiếp cận và sở hữu đất, khai thác gỗ, vận chuyển lâm sản, chế biến, xuất nhập khẩu lâm sản, quy định về môi trường và bảo tồn, quy định về xã hội và thuế như một gợi ý cho các nhà sản xuất.

Nhưng ông Rene de Kok, Giám đốc thương mại của tập đoàn ScanCom, không đồng tình: “Có quá nhiều chương trình chứng nhận rừng bền vững khác nhau dẫn đến có nhiều tiêu chí chấp nhận khác nhau làm lúng túng các nhà sản xuất và thị trường”.

EC cũng giúp Việt Nam hai dự án nâng cao năng lực quản lý nguồn gỗ hợp pháp trong chương trình FLEGHT nhưng thực chất, các doanh nghiệp đều phải tự tìm lấy các biện pháp “tự vệ” đối với các hợp đồng xuất khẩu.

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTFC), thừa nhận: “Từ năm 1993 đến năm 2000, TTFC chỉ chế biến sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên của Việt Nam. Trong quá trình thu mua có thể đã có một phần gỗ bất hợp pháp được đưa vào nhà máy".

Tháng 2-2007, TTFC đã có chương trình đầu tư giai đoạn 1 trồng 50.000 héc ta rừng có chứng nhận FSC để góp phần ổn định nguồn nguyên liệu, tham gia vào mục tiêu có 30% rừng của Việt Nam đạt chứng nhận này tới năm 2020. Đây là cách tốt nhất để giảm thiểu những cáo buộc của một vài tổ chức về việc sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp tại Việt Nam.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường