Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng trưởng cao
16 | 06 | 2007
Theo Bộ Thương mại, với đà tăng trưởng của ngành xuất khẩu gỗ những năm qua, dự báo năm 2007, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã tăng gần 10 lần, từ 219 triệu USD năm 2000 lên 1,57 tỷ USD năm 2005 và năm 2006 là 2 tỷ USD.

Sản phẩm gỗ có thị trường xuất khẩu khá đa dạng và không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nhất định. EU, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ cũng đứng trước nhiều khó khăn để có thể phát triển được một cách bền vững. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, điểm yếu nhất của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay là việc phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Do không chủ động về nguồn hàng nên các doanh nghiệp này đều phải tuân theo sự tăng giảm giá của thị trường.

Một sự hạn chế lớn khác của ngành gỗ Việt Nam là do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa hộ còn thiếu thiếu sự hợp tác, vì vậy họ thường gặp khó khăn trong việc tìm mua nguyên liệu và ký những hợp đồng đặt hàng lớn, nhất là khi Việt Nam là thành viên WTO, thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng.

Cũng theo ông Quyền, chất lượng sản phẩm cũng là một vấn đề lớn đốI với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ. Thị trường WTO rộng mở, song các hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình quản lý chất lượng. Hiện nay, trong số 200 doanh nghiệp gỗ toàn quốc, mới chỉ có trên 10% doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

Mục tiêu đề ra năm 2020, nguồn gỗ trong nước sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu ngành chế biến, với sản lượng khoảng 22 triệu m3 gỗ /năm và đạt kim ngạch xuất khẩu là là 8 tỷ USD.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng một cách bền vững, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đang cùng các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm hướng xây dựng nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ cho ngành gỗ Việt Nam.

Theo chiến lược phát triển ngành gỗ đang được xây dựng, trong giai đoạn 2005-2010 đồ gỗ nội thất và ngoại thất chiếm tỷ trọng cao trong các mặt hàng gỗ xuất khẩu và đến giai đoạn 2010-2020 ván nhân tạo sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Tin từ Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trước mắt sẽ có 3 trung tâm giao dịch gỗ tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam được thành lập. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghịêp đặt mua nguyên liệu và hợp tác tìm kiếm, chia xẻ hợp đồng xuất khẩu sản phẩm

Cũng trong năm nay, Hiệp HộI sẽ chủ trì thực hiện 7 chương trình xúc tiến thương mại vớI kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đồng thời, Hiệp hội sẽ xúc tiến xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin về thị trường, nguyên liệu, công nghệ, phương hướng xuất nhập khẩu của các các quốc gia cho các doanh nghiệp; thành lập Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, nhằm gắn kết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tập trung, hạn chế rủi ro trong các quy trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu./.



Nguồn tin: TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường