Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam cần một lộ trình để xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ tại chỗ
03 | 07 | 2008
Với sự hạn hẹp của nguồn nguyên liệu gỗ trong nước, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện tại, nguồn gỗ không thiếu, điều quan trọng là làm sao các doanh nghiệp có đủ điều kiện tiếp cận được các nguồn nguyên liệu mới.

Thông tin từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa), nguồn gỗ nguyên liệu lớn của Việt Nam đang tập trung ở 10 thị trường gồm Malaysia, Trung Quốc, Mỹ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Brazil, New Zealand và Đài Loan.

Trong 5 tháng 2008, Việt Nam đã nhập 73 triệu USD từ Malaysia, 52 triệu USD từ Lào, và 46 triệu USD từ Mỹ.

Tính đến cuối tháng 5, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam là 456 triệu USD, tăng 28% so với cùng kì 2007, tính riêng tháng 5 đã nhập 97 triệu USD gỗ nguyên liệu.
Dự kiến, năm 2008, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu khoảng 1,4 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với 2007.

Ông Moray, trưởng đại diện Indochinawood tại Việt Nam nhận định ngành chế biến gỗ Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, với mức tăng trưởng 35%/năm trong vài năm trở lại đây. Song do nguồn gỗ nguyên liệu trong nước còn hạn chế nên 80% nguyên liệu sản xuất của ngành phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trước nhu cầu nguyên liệu sản xuất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi cách nhìn về việc sử dụng gỗ nguyên liệu từ gỗ tự nhiên sang gỗ rừng trồng. Đây là cách thích ứng với tình hình thực tế.

Việc tiếp cận các nguồn nguyên liệu gỗ không khó. Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã xây dựng quan hệ với các nguồn gỗ nguyên liệu trên khắp các châu lục.

Mới đây, Hội đồng Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm đối tác nhập khẩu gỗ cứng nguyên liệu tại thị trường Việt Nam. Phát biểu tại các hội thảo xúc tiến, Chủ tịch AHEC, ông Peter King cũng khẳng định, diện tích rừng tại Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi so trong 50 năm qua, lên hơn 204 triệu ha. 90% gỗ nguyên liệu khai thác hàng năm là từ các cánh rừng do tư nhân quản lí.

Tại đất nước này có đến 11 triệu người đang sở hữu 70% diện tích đất rừng. Mỗi năm, hoạt động giao thương của ngành sản xuất gỗ cứng Hoa Kỳ đang chiếm 20% sản lượng gỗ tròn và 70% sản lượng gỗ cứng trên thị trường thế giới.

Ngoài các thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu quen thuộc, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận các nguồn cung mới. Trước kia doanh nghiệp gỗ Việt Nam không hề quan tâm đến các loại gỗ từ rừng ở khu vực châu Phi nhưng năm 2007 các doanh nghiệp đã nhập khẩu gỗ từ thị trường châu Phi với khối lượng lớn.

Mặc dù nguồn nguyên liệu gỗ không thiếu nhưng vì giá cả gỗ ở từng thị trường từng khu vực khác nhau, vì thiếu vốn và không thể kham nổi giá nguyên liệu quá cao nên hoạt động nhập khẩu gỗ nguyên liệu chưa được sôi động lắm.

Tiếp đó, khác với các mặt hàng khác. Gỗ là mặt hàng cồng kềnh nên chi phí vận chuyển khá tốn kém cần xem xét về yếu tố khoảng cách địa lí. Trong khi ấy, hiện tại và trong tương lai, chi phí vận chuyển đang và sẽ tiếp tục tăng cao. Vả lại, tình hình sản xuất ngày càng khó khăn, nhưng doanh nghiệp lại rất khó điều chỉnh tăng giá bán.

Mặc khác, họat động mua bán gỗ nguyên liệu giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các thị trường lớn trên thế giới còn hạn chế như thị trường châu Âu là do chịu sự chi phối của sự chênh lệnh giữa đồng USD và đồng Euro còn khá cao.

Nhu cầu gỗ nguyên liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Tuy nhiên Việt Nam cần một lộ trình để xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Đó là, đẩy mạnh công tác quản lí rừng tự nhiên. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng rừng để đạt đến mức tăng trưởng diện tích rừng khoảng 30%-40%/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải từ cảng biển đến đường bộ để thu hút các nhà cung cấp nguyên liệu gỗ trên thế giới đưa nguồn hàng vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, việc xây dựng mối liên kết giữa các nhà: nhà cung cấp - nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm tạo hệ thống thông tin liên lạc xuyên suốt giữa các bên, tạo điều kiện tiếp cận kịp thời và kịp thời đổi mới theo sự thay đổi về nhu cầu của thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt Nam trong năm tháng qua đã đạt 1,2 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kì 2007. Các thị trường lớn tập trung là Mỹ chiếm 41%, Nhật Bản là 13% và thị trường Anh là 9%.

Hy vọng với chính sách nhập khẩu nguyên liệu gỗ, các doanh nghiệp lại có điều kiện để tăng nhanh mặt hàng gỗ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm...


Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam
Báo cáo phân tích thị trường