Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu đồ gỗ ngày càng khó
23 | 06 | 2008
Nhật, EU chuẩn bị đề xuất đạo luật “thu mua xanh” đối với đồ nội thất và các sản phẩm gỗ đã chế biến. Mỹ chuẩn bị thông qua đạo luật “chống khai thác gỗ lậu”... “Không phải tự nhiên mà hội nghị lần này tổ chức tại VN. Ngành xuất khẩu sản phẩm gỗ và trang trí nội thất VN tăng trưởng nhanh với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2008 đạt 1 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước”. Ông Peter King, Chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu Gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC), đã cho biết như vậy tại hội nghị gỗ cứng lần thứ 13 khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức ngày 19 và 20-6 tại TPHCM, có 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Chính sách “mua sắm xanh”

Các chuyên gia quốc tế đưa ra đánh giá mới nhất, xác định gỗ là nguyên liệu xanh, có giá trị ưu việt hơn các các sản phẩm xây dựng khác. Ông Michael S Snow, Giám đốc điều hành AHEC, phân tích: Người tiêu dùng toàn cầu rất quan tâm đến tính năng cũng như độ an toàn của nguyên vật liệu. Ưu điểm lớn nhất của gỗ là không chỉ có khả năng tái chế như sắt, thép, nhôm... mà còn có khả năng tái sinh. Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, có 21.000 tỉ m3 gỗ gia tăng sau một thập niên. Gỗ hấp thu được CO2, ngay cả khi đã được chế biến thành phẩm thì khả năng hấp thu CO2 vẫn đạt 50% so với lúc còn trên cây. Mức năng lượng để sấy gỗ thấp hơn 100 lần so với năng lượng để xử lý các nguyên liệu khác và gỗ có khả năng cách điện tốt hơn bê tông, tạo độ an toàn cao cho người sử dụng...

Một số quốc gia phát triển, như Nhật, Mỹ, các nước EU... đã tuyên truyền chính sách “mua sắm xanh”, nội thất gỗ hiện là sự lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng, cứ bốn người tiêu dùng thì có đến hai người chọn sử dụng nội thất gỗ. Thông tin này mở ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm gỗ, trang trí nội thất tại khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội lớn cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các DN xuất khẩu nội thất gỗ thông qua chính sách môi trường gắn với thương mại. Theo đó, Nhật, EU chuẩn bị đề xuất đạo luật “thu mua xanh” đối với đồ nội thất và các sản phẩm gỗ đã chế biến. Mỹ chuẩn bị thông qua đạo luật “chống khai thác gỗ lậu”... “Đây cũng là điều mà các DN xuất khẩu của VN nên lưu ý” - ông Kevin Ketchum, Giám đốc đối ngoại Hiệp hội Khai thác gỗ cứng, nói.

Lưu ý nhu cầu các thị trường

Các chuyên gia trong lĩnh vực gỗ đánh giá VN là một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gỗ và cũng là thị trường tiềm năng trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu (đạt 1 tỉ USD trong năm 2007). Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số DN chưa thật sự quan tâm đến tính hợp pháp của nguồn gỗ. Như vậy rất nguy hiểm, vì chỉ cần một đơn vị tiêu thụ gỗ không rõ nguồn gốc mà bị đối tác phát hiện sẽ ảnh hưởng xấu đối với ngành xuất khẩu hàng nội thất của quốc gia, có nguy cơ bị áp dụng chính sách thu mua rủi ro như các DN ở Nam Mỹ và châu Phi. Cũng theo ông Michael S Snow, giá thành của nội thất gỗ giảm 16% so với giá trị thực vì gỗ nguyên liệu bất hợp pháp. Nếu các DN tẩy chay gỗ nguyên liệu bất hợp pháp thì chính họ tự nâng giá sản phẩm và dĩ nhiên DN cũng có mức lợi nhuận cao hơn.

Đại diện các chuyên gia nghiên cứu thị trường cũng đưa ra những nhu cầu mới của từng khu vực để các DN tham khảo. Hiện nay, thị trường châu Âu đang ưa chuộng đồ trang trí nội thất có thiết kế kết nối, thiết kế chịu lực bằng gỗ cứng (trước đây chủ yếu bằng gỗ mềm, giá rẻ). Nếu các DN VN có những đơn hàng đáp ứng nhu cầu này thì lợi nhuận sẽ rất cao. Còn thị trường Mỹ lại ưa thích những sản phẩm sản xuất từ gỗ anh đào. Thị trường Nhật linh hoạt về kiểu dáng nhưng quan trọng là DN xuất khẩu phải chứng minh tính hợp pháp của nguồn khai thác và thành phẩm.

Có thể đầu tư trồng rừng tại Mỹ

Trả lời thắc mắc của các DN VN liên quan đến việc có được đầu tư trồng và khai thác rừng lấy gỗ nguyên liệu tại Mỹ hay không?, Chủ tịch AHEC Peter King khẳng định: Hoàn toàn có thể. Vì 71% đất rừng của Mỹ giao cho tư nhân đảm nhận việc trồng và khai thác rừng, cung ứng 90% gỗ xẻ cho các ngành sản xuất gỗ nguyên liệu tại nước này. Hiện nay, rất nhiều DN nước ngoài ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật đầu tư vào lĩnh vực trồng và khai thác rừng tại phía Đông nước Mỹ. Tuy nhiên, trước khi xúc tiến, các DN VN nên nắm rõ các đạo luật liên quan đến lĩnh vực này.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường