Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dấu hiệu phục hồi cho ngành gỗ
12 | 11 | 2009
Tám tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 1,63 tỉ đô la Mỹ, giảm 9,24% so với cùng kỳ năm 2008. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tăng trưởng xuất khẩu gỗ giảm tới gần 10% sau một thời gian dài luôn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nếu tính từng tháng thì kể từ tháng 5 vừa qua, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đã có những dấu hiệu phục hồi.

Những yếu tố ảnh hưởng tới xuất khẩu đồ gỗ

Hiện nay, hơn 80% nguyên liệu chế biến đồ gỗ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu, nguồn cung ứng trong nước chỉ đáp ứng chưa đầy 20%. Và chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ nước ta.

Năm 2007 và 2008, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 3,5 triệu mét khối gỗ, trong đó chủ yếu là gỗ xẻ với 2,28 triệu mét khối, chiếm 65% tổng lượng nhập khẩu. Tính ra, mỗi năm Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1 tỉ đô la gỗ nguyên liệu để phục vụ chủ yếu cho hoạt động xuất khẩu.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của thế giới, đặc biệt các thị trường chính như Mỹ, Nhật, Đức... là yếu tố quan trọng nhất tác động tới kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Kể từ năm 2000, mỗi khi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường này tăng lên thì kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng có những biến động tích cực.

Năm tháng đầu năm 2009, khi cả ba thị trường này giảm nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2008 thì xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. So với cùng kỳ năm 2008, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ giảm 37,23%, Đức giảm 18,3% và Nhật giảm 17,17%.

Xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn về yếu tố mùa vụ. Đặc điểm này do việc chế biến gỗ thường phải trải qua nhiều công đoạn. Mua gỗ nguyên liệu nhập khẩu và chế biến theo đơn đặt hàng cần có thời gian khoảng 3-4 tháng. Các đơn hàng thường được đặt trong tám tháng đầu năm nên bốn tháng cuối năm là những tháng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất.

Số liệu xuất khẩu hai năm 2007 và 2008 cho thấy bốn tháng cuối năm 2007, kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng 12,57% so với bốn tháng trước đó và tăng 17,81% so với bốn tháng đầu năm.

Năm 2008, mặc dù càng vào thời điểm cuối năm, xuất khẩu càng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng giá trị xuất khẩu bốn tháng cuối năm vẫn tăng 11,6% so với bốn tháng trước đó và tăng tới 21,07% so với bốn tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, các chính sách điều hành xuất nhập khẩu của cả Việt Nam lẫn các nước nhập khẩu đồ gỗ cũng đều có ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Chẳng hạn, tháng 6-2008, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Farm Bill quy định chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm gỗ nhập khẩu của Mỹ.

Tháng 4-2009, Đạo luật Lacey được đưa vào áp dụng nhằm kiểm soát nguồn gốc hợp pháp các loại gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Mỹ. Đây là những rào cản gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gỗ vì hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu gỗ từ Myanmar, Lào, Campuchia... nhưng thường không có nguồn gốc rõ ràng.

Về chính sách trong nước, ngày 23-9-2008, Bộ Tài chính ra Công văn số 11270/BTC-CST yêu cầu việc hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định. Theo công văn này, các sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng phải chịu thuế. Trước đó, thuế suất cho các loại sản phẩm này là 0%. Sau khi chịu thuế xuất khẩu 10%, các doanh nghiệp gỗ phải đối mặt rất nhiều khó khăn do bốn tháng cuối năm là thời gian xuất khẩu chính.

Tuy nhiên, may mắn là nhận thấy tình hình khó khăn của ngành gỗ nên ngày 21-1-2009, Bộ Tài chính đã ra Công văn 965/BTC-CST hoàn thuế đối với các doanh nghiệp gỗ đã đóng thuế nhập khẩu và bãi bỏ thuế xuất khẩu 10% đối với các sản phẩm có nguyên liệu nhập khẩu. Quyết định này đã tháo gỡ khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp và tạo động lực cho tình hình xuất khẩu đồ gỗ.

Những dấu hiệu phục hồi

Theo báo cáo quí 3 của ngành hàng gỗ Việt Nam, hai yếu tố tác động quan trọng nhất đến tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam là nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nhu cầu từ những thị trường chính.

Tháng 3-2009, giá gỗ thế giới có xu hướng tăng nhẹ và việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của Việt Nam đang bắt đầu tăng lên do đơn hàng xuất khẩu tăng dần. Cùng khoảng thời gian đó, vấn đề căng thẳng ngoại hối được giải quyết nên các doanh nghiệp ngành gỗ không còn lo lắng về việc thiếu ngoại tệ để nhập khẩu gỗ. Tháng 5-2009, kinh tế Mỹ có những dấu hiệu phục hồi, thị trường bất động sản ấm lên. Qua tháng 7 và tháng 8-2009, những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật và châu Âu đang từng bước vượt qua khủng hoảng cũng bắt đầu xuất hiện.

Tín hiệu tích cực từ các thị trường chính giúp ngành gỗ Việt Nam có những bước tăng trưởng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ liên tục tăng lên kể từ tháng 5 tới nay. Hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ đang có khá nhiều đơn hàng xuất khẩu cho bốn tháng cuối năm. Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành gỗ Việt Nam đang dần dần phục hồi.

Dựa vào những yếu tố nói trên, Trung tâm Thông tin và Phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO) dự báo giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2009 sẽ theo xu hướng chung của giá thế giới, giảm hơn so với mức trung bình của năm 2008 khoảng 11,94%. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gỗ từ các thị trường chính đang dần khôi phục kết hợp với việc ngành gỗ đã bước vào mùa xuất khẩu chính nên rất có thể kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt mức 2,8 tỉ đô la Mỹ của năm 2008.

Bài viết đã được đăng trên TBKTSG Online



- Nguyễn Quốc Chinh/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường