Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến và sản xuất gỗ của tỉnh Đồng Nai đến năm 2010
30 | 06 | 2008
Chế biến lâm sản là một trong những ngành nghề truyền thống của Đồng Nai, thị trường xuất khẩu tương đối ổn định, nguồn lao động có kỹ thuật và giá nhân công rẻ, sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Với 80% sản phẩm sản xuất phục vụ xuất khẩu, chủ yếu xuất qua các thị trường Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật, Singapore, Malaysia... và các nước Châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Hà Lan... Ngành công nghiệp chế biến gỗ, hàng mộc là một trong những ngành tăng nhanh trong thời gian qua, do có thị trường tiêu thụ và sự chuyển dịch từ một số quốc gia trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 1996-2005 là 26,4%/năm, trong đó giai đoạn 1996-2000 là 9,9% và giai đoạn 2001-2005 là 45,3%. Cơ cấu của ngành tăng từ 2,1% năm 2000 lên 5,8% năm 2005.

Lao động của ngành đến năm 2005 có 38.275 người, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1996 – 2005 là 21,1%/năm. Cơ cấu lao động so với toàn ngành có xu hướng tăng từ 7,2% năm 1995 lên 8,2% năm 2000 và 11,8% năm 2005. Đây cũng là ngành thu hút nhiều lao động.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất gỗ của Đồng Nai đưa ra mục tiêu từ 2006-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân là 19,5%/năm, cơ cấu của ngành ổn định mức khoảng 5%-6% so với toàn ngành.

Định hướng phát triển ngành thời gian tới tập trung:

*Phát huy năng lực chế biến của ngành, tiếp tục phát triển ngành chế biến hàng mộc và sản xuất đồ gỗ, phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế, tận dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng, đẩy mạnh xuất khẩu.

*Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở sản xuất, chế biến hàng mộc ở các khu vực nông thôn, các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Các dự án thu hút đầu tư từ nay đến năm 2010:

*Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất các sản phẩm bàn ghế xuất khẩu và các đồ dùng sinh hoạt khác (giường, tủ, kệ, dụng cụ nhà bếp...)

*Sản xuất chế biến các sản phẩm gỗ mỹ nghệ xuất khẩu (tàu thuyền, máy bay, xe máy, giá đỡ sản phẩm...)

*Các dự án sản xuất sản phẩm đồ mộc gia dụng phục vụ xuất khẩu (giường, tủ, bàn ghế, kệ, dụng cụ nhà bếp, đồ trang trí nội, ngoại thất...)

*Các dự án sản xuất trang thiết bị văn phòng (bàn ghế, tủ...)

* Đầu tư sản xuất các sản phẩm bằng gỗ khác phục vụ trong nước và xuất khẩu (dụng cụ âm nhạc, trang thiết bị trường học...)

*Các dự án sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu tre, nứa... (đũa, ván gép thanh, hàng đan lát thủ công mỹ nghệ...)




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường