Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tập trung đầu tư chiều sâu
20 | 09 | 2007
Theo dự báo, xuất khẩu lâm sản, trong đó chủ yếu là đồ gỗ, sẽ có nhiều thuận lợi trong những năm tới, nhất là đối với các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản. Đặc biệt, các nhà nhập khẩu này đã chuyển hướng sang đa dạng hóa thị trường nhập khẩu đồ gỗ thay thế cho việc chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường như trước đây.
Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch cũng đã khuyến cáo rằng, cần hết sức thận trọng trong việc phát triển công nghiệp chế biến, tránh phát triển ồ ạt, nhỏ lẻ. Theo đề xuất mới đây của ngành, đối với ván nhân tạo, từ nay đến năm 2015, chỉ nên đầu tư sản xuất ván dăm và ván sợi (MDF) sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng, với tổng sản lượng ván nhân tạo dự kiến 800.000 m3 sản phẩm/năm, trong đó 60% là ván dăm.

Các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản hiện có (khoảng 1.200 cơ sở) được đề xuất tập trung đầu tư chiều sâu ở những nơi có điều kiện để sản xuất các đồ mộc cao cấp phục vụ xuất khẩu bằng các nguồn vốn tự có, vốn huy động trong dân, vốn liên doanh... Đối với các cơ sở mới, chỉ nên tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất ván dăm, ván sợi ép và đồ mộc từ ván gỗ ép.

Theo các chuyên gia, cần quan tâm tới các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng nhiều lao động, ít nguyên liệu, song đạt giá trị cao; duy trì và phát triển các cơ sở chế biến lâm đặc sản, cánh kiến, quế, hồi...

Để tạo sự phát triển bền vững, nhiều ý kiến khẳng định, việc tạo dựng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản gắn với thị trường và lợi thế mỗi vùng là vô cùng quan trọng. Theo phân tích ban đầu của các chuyên gia ngành lâm nghiệp, trong những năm tới, vùng trung du miền núi phía Bắc có nhiều khả năng cho phát triển các vùng rừng nguyên liệu công nghiệp gỗ trụ mỏ, phát triển công nghiệp chế biến giấy, bột giấy, đồ gỗ chuyên dùng... Công nghiệp chế biến bột giấy cũng được khuyến nghị xem xét phát triển ở các vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, gắn với việc trồng mới rừng nguyên liệu giấy, tre...

Chế biến đồ gỗ xuất khẩu được khuyến cáo phát triển ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, cần có thông tin cũng như phân tích thị trường về thị hiếu người tiêu dùng, yêu cầu về chất lượng và các quy định liên quan đến phát triển lâm nghiệp bền vững... đối với các thị trường chính để định hướng cho sản xuất, chế biến, kinh doanh, đồng thời thắt chặt quan hệ giữa người trồng rừng và người chế biến lâm sản.

Đặc biệt, cùng với cơ chế chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng nguyên liệu cho chế biến lâm sản, cần có chính sách khuyến khích các cơ sở chế biến sử dụng nhiều nguyên liệu gỗ rừng trồng để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm chế biến. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm đồ gỗ và lâm sản chế biến. Được biết, Bộ Thương mại đang khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo Bộ Thương mại, xuất khẩu đồ gỗ sang Nhật Bản trong năm nay có thể đạt 150 - 175 triệu USD và có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2010. Hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường này cũng được dự đoán đạt khoảng 70 - 75 triệu USD trong năm nay.



Theo VIR
Báo cáo phân tích thị trường