Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng Nai: ngành chế biến gỗ trước thách thức hội nhập
07 | 08 | 2007
TTXVN-03/11/2006) - Theo Hiệp Hội chế biến lâm sản Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 162 doanh nghiệp (DN) chế biến, kinh doanh gỗ, trong đó 1/3 số DN làm hàng xuất khẩu, thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi tại địa phương. Số cơ sở kinh doanh và chế biến gỗ tập trung phần lớn ở thành phố Biên Hòa với hơn 400 DN.

Các sản phẩm gỗ ở Đồng Nai xuất khẩu thời gian qua tập trung vào các thị trường chính là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Nếu năm 2000, kim ngạch xuất khẩu gỗ của các DN đạt gần 20 triệu USD thì đến năm nay, dự kiến là 80 triệu USD, tăng 4 lần. Đấy là chưa kể hàng năm, các DN còn làm ra khối lượng hàng hóa trị giá hàng chục tỷ đồng phục vụ tiêu dùng trong nước. Trong khi, nguồn gỗ nguyên liệu phải nhập tới 80%.

Ông Lại Như Minh, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Tuấn Lộc- một DN xuất khẩu hàng đầu ở Đồng Nai với kim ngạch 5 triệu USD/ năm cho biết: càng mở rộng thị trường xuất khẩu, càng đòi hỏi sức cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, nhất là những nước công nghiệp phát triển, trong khi đó các DN ở Đồng Nai chủ yếu làm theo đơn đặt hàng mà ít có tính sáng tạo, chính điều này đã làm cho các DN bỏ lỡ nhiều cơ hội làm ăn lớn. Một hạn chế khác không kém phần quan trọng là năng lực còn hạn chế và thiếu nguồn vốn nên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc tổ chức liên kết hợp tác còn lỏng lẻo nên chưa tạo ra được những đơn đặt hàng lớn. Hiện bình quân số vốn của một DN chế biến gỗ tương đối lớn ở Đồng Nai khoảng 50 tỷ đồng và DN nhỏ khoảng 10 tỷ đồng và công nghệ sản xuất chậm đổi mới, cộng vào đó là chưa có hệ thống phân phối hàng hóa, nên phần lớn các DN còn làm ăn theo kiểu "tự sản, tự tiêu" đã hạn chế không nhỏ năng lực sản xuất truyền thống vốn có từ các làng nghề. Nhiều chủ DN ở phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa cho biết: do thiếu vốn lại sản xuất theo kiểu manh mún, nên phần lớn hàng hóa làm ra phải gửi đi nhiều nơi vừa bán, vừa chào hàng nên chi phí cao, lợi nhuận thấp và chưa mang tính cạnh tranh. Hiện ở thành phố Biên Hòa có một số DN do chủ động đầu tư máy móc thiết bị và tăng cường quảng bá nên 80% sản phẩm được xuất khẩu, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Riêng Công ty TNHH Tuấn Lộc, ngoài cơ sở ở phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa, đã xây dựng thêm 2 cơ sở ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu với diện tích gần 5 ha, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Để giải quyết nguồn nguyên liệu lâu dài, Công ty Tuấn Lộc đã có ý định đầu tư trồng rừng theo hướng cung ứng cây giống cho các cơ quan, đơn vị bộ đội và khi cây trưởng thành sẽ mua lại theo giá thị trường. Công ty giấy Tân Mai đóng trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã đứng ra làm đầu mối nhập khẩu gỗ nguyên liệu về phân phối cho các DN chế biến gỗ. Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai đang hợp tác với Hiệp hội các DN vừa và nhỏ trên địa bàn chuẩn bị cho việc mở Showroom tại huyện Trảng Bom nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của ngành sản xuất và chế biến lâm sản Đồng Nai. DN tư nhân Đức Minh ngoài việc chế biến các sản phẩm gỗ còn mở thêm cơ sở sản xuất bao bì carton phục vụ đóng gói hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều DN chế biến gỗ do nguồn vốn còn hạn hẹp, làm ăn theo kiểu "cò con" nên vẫn chưa thể mở mang được thị trường ở ngoài tỉnh, chứ chưa nói đến xuất khẩu. Vì vậy, theo các DN chế biến gỗ trên địa bàn, để ngành gỗ Đồng Nai có sự tăng trưởng nhanh, ngoài việc cơ cấu lại ngành chế chế biến gỗ, tập trung phát triển những mặt hàng trọng yếu; xây dựng chiến lược mặt hàng, tỉnh nên sớm có cơ chế ưu đãi, cho các DN vay vốn, khuyến khích giao đất trồng rừng cho DN để các DN chủ động nguyên liệu trong sản xuất./.

(Nguon tin: TTXVN)



Báo cáo phân tích thị trường