Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có nên mở cửa rừng?
21 | 04 | 2009
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa đề nghị Chính phủ cho phép mở cửa rừng trở lại nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trong nước chủ động về nguồn nguyên liệu. Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều ý kiến trái chiều.

80% nguyên liệu phải nhập khẩu

Gần đây, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đứng trước bờ vực phá sản do mất hợp đồng vì không chủ động được nguồn nguyên liệu. Theo ông Trần Đức Thuấn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hưng Long (Hà Nội), hiện doanh nghiệp phải phụ thuộc 70 - 100% nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, do vậy giá thành sản xuất thường cao hơn trong nước tới 30%. Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu TAVICO TIMBER (Biên Hòa - Đồng Nai) cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi không có khả năng tự cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Do phải nhập nguyên liệu gỗ, chi phí vận chuyển lớn đã đẩy giá lên cao. Bên cạnh đó, nhập khẩu gỗ nguyên liệu phải sử dụng một lượng ngoại tệ lớn nhưng nhiều khi các tổ chức tín dụng lại không thể đáp ứng đủ. Do đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất”. Cũng về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Woodland (Mê Linh - Hà Nội) chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, Công ty chúng tôi đã để lỡ nhiều hợp đồng do không chủ động được nguồn nguyên liệu”.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2009, ngành công nghiệp gỗ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới. Xuất khẩu đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào thị trường Hoa Kỳ và EU giảm từ 30 - 35%, nhiều hợp đồng đã ký phải dừng hẳn.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nguyên liệu là yếu tố quan trọng nhất trong công nghiệp chế biến gỗ (chiếm 60 - 70% giá thành sản xuất). Tuy nhiên, chúng ta mới chủ động được khoảng 20% nguyên liệu, 80% còn lại (tương đương khoảng 4 triệu mét khối) phải nhập khẩu. Trong khi đó, 20% gỗ nguyên liệu trong nước chủ yếu phục vụ cho ngành công nghiệp giấy. Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp gỗ đang phải trông đợi nguồn gỗ từ 28 nước, trong đó, đứng đầu vẫn là Malaysia, Lào, Hoa Kỳ, Trung Quốc, tiếp đến là Thái Lan, Myanmar, Campuchia...

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định: “Do giá nguyên liệu lên cao nên giá trị sản xuất của doanh nghiệp đang giảm dần so với trước. Mỗi năm, Nhà nước chỉ cho phép khai thác 150.000m3 gỗ, điều này rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Do đó, trên thực tế nhiều năm qua đã xảy ra cuộc cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu không chỉ giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với nhau mà còn giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với doanh nghiệp sản xuất bột giấy, giữa doanh nghiệp thu gom ván dăm xuất khẩu và các doanh nghiệp sản xuất ván dăm nhân tạo trong nước. Nhiều doanh nghiệp ở miền Nam phải ra tận miền Bắc để thu mua gỗ, ván dăm về sản xuất”.

Có nên mở cửa rừng?

Nguyên liệu chế biến gỗ phụ thuộc phần lớn từ nhập khẩu.

Do phải phụ thuộc nguồn gỗ nhập ngoại nên việc kiểm soát nguồn gốc gỗ rất khó khăn. Hệ lụy của vấn đề này là các doanh nghiệp lại gặp khó trong quá trình xuất khẩu do vướng các quy định ngặt nghèo về chứng nhận xuất xứ gỗ để chống tình trạng tàn phá rừng nhưng thực chất là bảo hộ thương mại, chẳng hạn như đạo luật Lacey của Hoa Kỳ, Hiệp định tăng cường thực thi Luật lâm nghiệp và buôn bán gỗ của EU. Điều này đã làm cho gỗ Việt Nam mất dần thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây. Để giải quyết tình trạng trên và phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, chế biến gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chính phủ cho mở cửa rừng trở lại. Ông Quyền cho rằng: “Hiện, nước ta đang có 4 triệu hécta rừng tự nhiên. Nếu mỗi năm, mỗi hécta chỉ khai thác 1m3 gỗ thì chúng ta có ngay 4 triệu mét khối gỗ và việc khai thác này không gây ảnh hưởng nhiều đến yêu cầu bảo vệ rừng”. Ông Quyền phân tích thêm: “Chúng ta đã đóng cửa rừng 10 năm rồi và giờ đây rừng đã bắt đầu hồi phục, do đó, việc mở cửa rừng trở lại là hết sức cần thiết”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc có nên hay không việc mở cửa rừng cần phải hết sức thận trọng bởi nếu không, có thể đây là điều kiện cho lâm tặc lợi dụng cơ chế, chính sách để phá rừng. Do đó, cần phải có chính sách cụ thể để vừa bảo đảm việc khai thác gỗ mà vẫn giữ được rừng bền vững bằng sự điều tiết nhịp nhàng giữa khai thác và trồng rừng, đồng thời có những giải pháp cứng rắn hơn với tình trạng khai thác rừng bừa bãi và trái pháp luật.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng bằng việc bảo đảm nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển rừng nguyên liệu trong nước theo chu kỳ của cây trồng, cuối chu kỳ mới trả cả gốc lẫn lãi, không tính lãi gộp. Đây cũng là cơ hội để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Mục tiêu đến 2020, sẽ bảo đảm được khoảng 8,4 triệu hécta rừng sản xuất, đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ khoảng 8 tỷ USD.



Nguồn: KTNT
Báo cáo phân tích thị trường