Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồ gỗ Việt Nam sẵn sàng vào thị trường EU
25 | 03 | 2009
Đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang hưởng thuế SGP với mức thuế suất 0% (một số mã chịu thuế 2,1%) đã giúp Việt Nam có một lợi thế nhất định khi chen chân vào thị trường EU, nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến ngành gỗ Việt Nam gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sẽ phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng để xuất khẩu vào EU trong năm 2009 khi các qui định đồ gỗ xuất khẩu ngày càng khắt khe hơn.

Thị trường châu Âu thể hiện rõ quan niệm “ăn chắc mặc bền” trong tất cả các quan hệ hợp tác làm ăn. Họ bảo thủ với những giá trị mà họ đã chọn vì thế doanh nghiệp Việt cần giữ được sự ổn định trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn mà nhà nhập khẩu châu Âu đề nghị. Chất lượng tốt cũng như sự tiện dụng là những yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu chất lượng hàng hóa không ổn định, không xuất hàng đúng hẹn vì bất cứ lý do gì (giá tăng, giảm…) thì họ sẽ không bao giờ làm ăn với bạn nữa.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, giá cả phải cực kỳ cạnh tranh mới tồn tại được. Vậy làm thế nào để giảm chi phí, tiết kiệm tối đa nguyên liệu trong sản xuất, không để sót một mẩu gỗ thừa. Khâu thu mua đầu vào cũng phải được quản lý sát sao, nghiêm cấm nhà cung cấp chia huê hồng cho nhân viên mua hàng, nếu phát hiện có thể sẽ phải phạt 30% giá trị hợp đồng. Doanh nghiệp phải cập nhập liên tục những quy định sử dụng gỗ từ nguồn đảm bảo hợp pháp (FSC, FLEGT). Đây là yếu tố quan trọng đối với kinh doanh đồ gỗ, quyết định sự thành bại của nhà kinh doanh tại thị trường này.

Nếu như trước đây, các nhà nhập khẩu thường tự thiết kế mẫu mã và yêu cầu nhà sản xuất thực hiện thì nay họ có xu hướng bắt nhà sản xuất phải tự thiết kế. Sở dĩ có sự thay đổi này là do chi phí thiết kế rất cao, khủng hoảng kinh tế khiến họ cắt giảm tối đa chi phí.

8 tiêu chí cần có cho 1 mẫu sản phẩm đạt yêu cầu gồm: Thẩm mỹ, kinh tế (giá cả), thương mại (có thể tháo dỡ, lắp ráp khi chuyên chở), thiết kế phải phù hợp với nguyên liệu (không tiêu hao nguyên liệu), công nghệ sản xuất ra sản phẩm phải phù hợp với máy móc hiện có), thời trang (đáp ứng thị hiếu), thị trường và an toàn.

Doanh nghiệp cần hiểu rõ về thương mại và thanh toán quốc tế. Thông thường các hệ thống siêu thị áp dụng phương thức thanh toán L/C hoặc trả chậm, trong khi các nhà nhập khẩu khác thì có thể chấp nhận L/C trả ngay hoặc TT trả ngay hoặc TT có đặt cọc trước. Vì thế, chúng ta nên lựa chọn phương thức thanh toán nào có lợi cho nhà xuất khẩu.

Tuân thủ những quy định khắt khe của châu Âu về tính an toàn của sản phẩm: Trách nhiệm pháp lý theo quy định 85/343/EEC. Nghĩa là phải có đền bù thiệt hại cho cá nhân hoặc tập thể khi sản phẩm không an toàn, gây thiệt cho người sử dụng. Quy định kiểm soát các chất nguy hiểm có thể có trong sản phẩm như cadmium, PCP bị hạn chế dư lượng, các chất amiăng, PCB, PCT bị cấm, hóa chất gây thủng tầng ozon…

Hãy để khách hàng biết đến mình bằng cách tham dự những hội chợ thương mại chuyên ngành quốc tế như tại Singapore, Đức, Mỹ… Cách tiếp thị này rất hiệu quả bởi khách tham quan thường đến với thái độ nghiêm túc, tích cực. Là nơi tập trung cung - cầu, đặc biệt là có thể trao đổi trực tiếp và nhìn tận mắt hàng hóa, từ đó DN có thể nhận phản hồi nhanh và trực tiếp. Bản thân doanh nghiệp cũng tiếp cận dễ dàng với những thông tin mới để định hướng thị trường. Là cơ hội tăng thị phần trên thị trường cũ, tìm kiếm thị trường mới. Nhưng để tham gia hội chợ tốt thì doanh nghiệp cần chọn hội chợ thích hợp để tham gia, lập kế hoạch hoặc tham gia trước 6 tháng, hãy nhắc khách hàng nhớ đến mình sau hội chợ.



Nguồn: VINANET
Báo cáo phân tích thị trường