Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp phát triển trồng rừng
10 | 07 | 2007
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay diện tích rừng của nước ta giảm dần, tài nguyên rừng cạn kiệt. Nếu như năm 1943, cả nước có 14 triệu ha rừng với độ che phủ 43%, đến năm1995 chỉ còn 9,3 triệu ha với độ che phủ 28,2%.

Rừng vẫn bị suy giảm

Mặc dù hàng năm diện tích rừng trồng mới không phải nhỏ, song tốc độ tàn phá rừng lại lớn hơn nhiều, làm nhiều khu rừng hoang hoá trơ trọi, trở thành đất trống. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn cũng bị tàn phá. Vì vậy, đã kéo theo bao hậu quả khôn lường như một số loài lâm sản cùng một số loài thú quý hiếm có nguy cơ diệt chủng.

Rừng bị tàn phá như vậy đã ảnh hưởng xấu đến hệ môi trường sinh thái và gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong những năm vừa qua, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân...

Sở dĩ có tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân, song có một số nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, hầu hết rừng và đất rừng chưa có chủ cụ thể, nông dân chưa có động lực kinh tế để tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Tốc độ trồng rừng chậm, năng suất, chất lượng thấp. Hai là, tình trạng nghèo đói của đồng bào miền núi, cùng việc du canh du cư và di dân tự do của đồng bào các tỉnh miền xuôi lên miền núi phía Bắc vào phía Nam và Tây Nguyên.

Ba là, về phía các đơn vị thuộc Nhà nước đã thực hiện việc khai thác lạm dụng vốn rừng. Ngoài ra, còn do cháy rừng, chiến tranh, xây dựng hồ đập, cùng với nạn buôn lậu gỗ cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho diện tích rừng bị suy giảm.

Mục tiêu phát triển

Để phát triển mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc hướng tới đóng cửa rừng tự nhiên phải thực hiện tốt một số mục tiêu.

  • Một là, nâng cao năng lực phòng hộ rừng quốc gia bằng cách bảo vệ 9,3 triệu ha rừng hiện có, khoanh nuôi tái sinh 1 triệu ha, trồng mới 5 triệu ha, đưa tỷ lệ che phủ của rừng lên 45% kết hợp với khoanh nuôi và trồng cây công nghiệp lâu năm để đưa độ che phủ lên hơn 60%.
  • Hai là, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của hơn 20 triệu nông dân sinh sống trong khu vực có rừng. Phấn đấu đến năm 2010 bình quân 1 người dân miền núi đạt 70-100 USD/năm và mỗi hộ khoảng 350-500 USD/năm thu nhập từ rừng.
  • Ba là, cung cấp gỗ, củi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ước tính ở mức tối thiểu cho các giai đoạn như sau: Gỗ xây dựng cơ bản năm 2005 là 1 triệu mét khối và năm 2010 là 1,5 triệu mét khối; nguyên liệu giấy theo thời điểm tương ứng hơn là 4 triệu mét khối và 6 triệu mét khối và 2,5 triệu mét khối; nguyên liệu ván nhân tạo 2 triệu mét khối và 3 triệu mét khối, gỗ gia dụng 2 triệu mét khối và 2,5 triệu mét khối; nhu cầu tiêu dùng khác 0,35 triệu mét khối và 0,5 triệu mét khối; tổng cộng về gỗ 9,35 triệu mét khối và 13,5 triệu mét khối, về củi 14,4 triệu mét khối và 10 triệu mét khối.
  • Bốn là, xây dựng vốn rừng để đáp ứng nhu cầu cao hơn trong tương lai xa và tiến tới xuất khẩu sản phẩm gỗ.
  • Năm là, tiếp tục đóng cửa rừng vĩnh viễn đối với rừng đặc dụng và đóng cửa rừng 30 năm đối với rừng phòng hộ rất xung yếu. Trong tổng số 35 tỉnh có rừng tự nhiên, thực hiện đóng cửa rừng ở 18 tỉnh, chỉ mở cho khai thác hạn chế ở 18 tỉnh với sản lượng lấy ra là 300.000 mét khối gỗ/năm.
  • Sáu là, trồng và kinh doanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bảo đảm trồng mới 2 triệu ha rừng loại này, gồm 1.805.000 ha rừng đầu nguồn gắn với công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, chống lũ quét; 60.000 ha rừng phòng hộ chắn sóng biển và vùng ngập mặn; 70.000 ha rừng phòng hộ môi trường các thành phố, khu công nghiệp.
  • Bảy là, trồng rừng sản xuất và trồng cây phân tán để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng gỗ, củi trong nước khoảng 3 triệu ha rừng tập trung với: 1 triệu ha nguyên liệu giấy; 0,5 triệu ha ván nhân tạo; 0,08 triệu ha gỗ trụ mỏ; 0,45 triệu ha gỗ xây dựng cơ bản; 0,30 triệu ha rừng đặc sản và 0,30 triệu ha rừng tre, luồng, trúc.
  • Tám là, trồng cây phân tán, phấn đấu đạt 350-400 triệu cây/năm, cung cấp 2 triệu mét khối gỗ và 5 triệu mét khối củi.

Các giải pháp cấp bách

Cũng theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, để thực hiện mục tiêu trên có hiệu quả cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp:

- Cần phải đóng cửa rừng tự nhiên, muốn vậy phải giảm số lâm trường đang khai thác từ 241 xuống còn 105 chỉ khai thác chọn ở một số tiểu khu còn nhiều rừng và trung bình; chuyển 136 lâm trường không khai thác rừng tự nhiên sang hoạt động công ích làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm; giảm số tiểu khu đã hoạch định cho khai thác từ 1252 xuống còn 501; giảm diện tích khai thác chọn hàng năm từ 25.000 ha xuống còn 12.000 ha/năm; giảm lượng khai thác từ 620.000 mét khối xuống còn 300.000 mét khối gỗ/năm vào năm 2000 để đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong nước.

- Phát triển việc chế biến lâm sản để tạo ra thị trường tiêu thụ hết gỗ rừng bao gồm: xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy giấy có công suất 50.000 tấn/năm trở lên ở khu bốn cũ, Duyên Hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; các nhà máy ván nhân tạo có công suất 35.000-54.000 mét khối sản phẩm/năm tại Hoà Bình, Gia Lai, Thái Nguyên, Long An, Đồng Nai, Thanh Hoá, Bình Thuận; phát triển các nhà máy ván dăm quy mô nhỏ với công suất 5.000-15.000 mét sản phẩm/năm trên địa bàn huyện. Đầu tư nâng cao chất lượng chế biến song, mây, tre, trúc ở Cao Bằng, Khánh Hoà, Kon Tum, - Đồng Nai và Hà Nội; đầu tư nâng cao chất lượng chế biến nhựa thông tại Quảng Ninh, Nghệ An, Lâm Đồng...với công suất 2000-4000 tấn/ năm.

- Đẩy mạnh thực hiện định canh định cư và xoá đói giảm nghèo, từng bước hạn chế đi tới chấm dứt tình trạng di dân tự do để hạn chế tình trạng suy giảm vốn rừng.

- Thực hiện tốt 5 chính sách. Trước hết, về chính sách giao đất giao rừng, cần phải làm rõ người chủ cụ thể và đích thực của từng khu rừng theo hướng các ban quản lý rừng (chủ là nhà nước) được giao quản lý, bảo vệ và xây dựng các khu rừng đặc dụng, phòng hộ rất xung yếu và xung yếu; các lâm trường quốc doanh và các tổ chức Nhà nước khác được giao quản lý bảo vệ và sử dụng các khu rừng sản xuất, rừng phòng hộ không thuộc loại rất xung yếu có quy mô tập trung, ở vùng thưa dân, cơ sở hạ tầng kém phát triển; mọi tổ chức, hộ gia đình cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được giao quản lý, bảo vệ và quản lý rừng sản xuất, rừng phòng hộ cục bộ, không thuộc loại rừng rất xung yếu, phân bố rải rác ở giữa các khu dân cư; các tổ chức Nhà nước được giao đất, giao rừng tiếp tục khoán ổn định lâu dài cho các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn theo Nghị định số 01/CP.

Đồng thời làm rõ quyền lợi và trách nhiệm đối với từng loại chủ rừng, trong đó bảo đảm cho người nhận bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng có được lợi ích thoả đáng phù hợp với công sức bỏ ra; đặc biệt là đối với hộ nông dân được giao hoặc khoán rừng tự nhiên để bảo vệ, khoanh nuôi và làm giàu rừng, ngoài các khoản tiền công và khoán hoặc hỗ trợ của Nhà nước khi rừng được phép khai thác, chủ rừng được hưởng một phần sản phẩm khai thác và nộp thuế tài nguyên bình đẳng như đối với các chủ rừng thuộc Nhà nước.

Có chính sách hợp lý về vốn cho phát triển rừng theo hướng thực hiện quan điểm khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng, bảo về, chăm sóc rừng; ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học kỹ thuật, khuyến lâm, xây dựng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rất xung yếu và đầu tư hỗ trợ các đối tượng chính sách, các tổ chức Nhà nước trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng sản xuất, rừng phòng hộ không thuộc loại rất xung yếu.

- Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và phát triển rừng, đặc biệt chú trọng xác định các nội dung ưu tiên để Nhà nước đầu tư nghiên cứu như: tuyển chọn, nhập khẩu, lai tạo các loại giống cây rừng có năng suất sinh học cao, phẩm chất tốt, nhiều tác dụng để trồng rừng; các biện pháp kỹ thuật để khoanh nuôi làm giàu rừng, trồng rừng thâm canh đi đôi với bảo vệ và cải tạo đất; các loại vật liệu thay thế gỗ rừng tự nhiên và nhiên liệu thay thế củi.

- Có chính sách thay thế gỗ, củi: đối với gỗ có chính sách áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm gỗ và thay thế gỗ rừng trồng cho gỗ lấy ra từ rừng tự nhiên để sản xuất các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đối với củi có chính sách khuyến khích nhân dân trồng cây mọc nhanh để tạo nguồn củi, phát triển việc sử dụng các loại chất đốt từ than, khí đốt, bi-ô-ga...để hạn chế dùng củi làm chất đốt từ rừng tự nhiên.

- Có chính sách thuế hợp lý để khuyến khích trồng rừng và phát triển các loại cơ sở chế biến, sử dụng gỗ rừng trồng làm nguyên liệu thay thế cho gỗ lấy ra từ rừng tự nhiên. Đề nghị Nhà nước miễn thuế sử dụng đất để trồng rừng trên đất lâm nghiệp và miễn thuế tài nguyên cho chủ rừng khai thác lâm sản phụ từ rừng tự nhiên được giao.

Đồng thời, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ chế biến gỗ rừng trồng, giảm thuế doanh thu ngành sản xuất ván nhân tạo bằng thuế suất của ngành sản xuất giấy. Mặt khác miễn thuế lợi tức trong thời hạn 8 năm cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh rừng trồng và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo.

- Có chính sách thị trường hợp lý, linh hoạt, bảo đảm việc khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ rừng tự nhiên được kiểm soát chặt chẽ; gỗ rừng trồng được tự do lưu thông và mua bán theo giá cả thị trường, xoá bỏ các thủ tục phiền hà trong khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ rừng trồng; khuyến khích nhập khẩu gỗ nguyên liệu để sử dụng trong nước và sản phẩm xuất khẩu; đồng thời khuyến khích xuất khẩu sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng và từ gỗ nhập khẩu.

Nhà nước có chính sách thoả đáng đối với các thành phần kinh tế, trong đó chú trọng đổi mới tổ chức, sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh, đặc biệt các lâm trường nằm trên rừng phòng hộ rất xung yếu hoặc rừng đặc dụng cần chuyển thành các ban quản lý rừng hoạt động theo cơ chế của đơn vị sự nghiệp.

Các lâm trường được phép tiếp tục khai thác rừng tự nhiên và trồng rừng nguyên liệu công nghiệp hoạt động theo cơ chế kinh doanh. Các lâm trường được giao nhiêm vụ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên nhưng không được phép khai thác trong thời gian tới...chuyển sang hoạt động theo cơ chế công ích...Việc phát triển mạnh rừng, phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc, hướng tới đóng cửa rừng tự nhiên là chương trình có ý nghĩa to lớn, toàn diện đối với nước ta cả trước mắt và lâu dài.

Bởi vậy phải xác định đó là sự nghiệp của toàn dân nên cần được thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm..." Hy vọng các cơ quan chức năng sớm hoàn chỉnh đề án trình Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và bảo về môi trường sinh thái.


(Nguồn: Goviet.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường