Vướng mắc lớn nhất là công tác quy hoạch, cho đến nay các tỉnh Tây Nguyên chưa làm xong quy hoạch trồng cao su trên địa bàn. Việc quy hoạch, chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su gặp khó khăn trong vấn đề xác định đối tượng rừng nghèo, quỹ đất không thể phát triển rừng... thuộc diện được chuyển sang trồng cao su.
Ông Hà Sơn Nhin, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: căn cứ theo tiêu chí hiện nay thì Gia Lai không còn đất, rừng để chuyển đổi sang trồng cao su, đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh trong vùng Tây Nguyên. Vì vậy cần sửa những quy định về đối tượng rừng, đất rừng được chuyển đổi cho phù hợp với thực tế để giúp các địa phương triển khai chương trình.
Ban chỉ đạo Tây Nguyên yêu cầu Bộ NN&PTNT sớm giúp các tỉnh tháo gỡ những vướng mắc và hoàn chỉnh việc quy hoạch trong năm 2009. Các tỉnh cần nhanh chóng thực hiện kiểm kê tài nguyên rừng, giúp các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong đăng ký và triển khai dự án như thẩm định và phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng, khai thác tận thu lâm sản... Xây dựng và triển khai tốt các phương án phối hợp giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, làm tốt công tác tái định canh tái định cư cho người dân trong các vùng dự án, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng khai thác có hiệu quả nhất về kinh tế và văn hóa xã hội từ những dự án trồng cao su.
Theo dự tính, với việc trồng mới 100.000 ha cao su, các dự án đầu tư sẽ tạo việc làm ổn định, có thu nhập khá cho trên 100.000 lao động tại chỗ (trong đó khoảng 40% lao động là người đồng bào các dân tộc thiểu số), góp phần nâng cao đời sống kinh tế của Tây Nguyên, giảm việc xâm hại tài nguyên rừng... Hiện nay hầu hết các tỉnh ở Tây Nguyên đều có diện tích cao su khá lớn, riêng Gia Lai hiện có 73.168 ha cao su./.