Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kế hoạch trồng 8.000 ha cao su tại Gia Lai phá sản
17 | 06 | 2009
Gia Lai, một tỉnh tại Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chuyển hơn 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su để giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Ngay lập tức, các công ty đua nhau đi xin đất để trồng cao su, trong đó cả các đơn vị chưa một lần trồng cây cao su cũng đi trồng. Kết quả, hàng loạt các công ty tư nhân được cấp đất. Nhưng sau gần 3 năm toàn tỉnh Gia Lai chỉ trồng được gần 12.000 ha, bằng hơn 20% kế hoạch trồng 50.000 ha.

Nhanh đầu, chậm đuôi

Theo kế hoạch trong năm 2009, 4 công ty cao su tại Gia Lai sẽ được tỉnh giao khoảng 8.000 ha để thực hiện việc khai hoang và trồng mới nhằm đáp ứng đúng yêu cầu tiến độ và kế hoạch chuyển đổi 50.000 ha từ rừng nghèo sang trồng cao su. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện việc mở rộng ồ ạt diện tích trồng cao su thì đến bây giờ công việc này bắt đầu gặp ách tắc.


Nhớ lại vào tháng 7/2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị phát triển kinh tế- xã hội- an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên, khi kết luận hội nghị Thủ tướng đã chỉ đạo một số giải pháp và huy động các nguồn lực để phát triển Tây Nguyên. Thủ tướng nêu rõ: “Giao Tổng công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm việc với từng tỉnh để trong 5 năm tới phát triển được khoảng 90.000 100.000 ha cao su tại Tây Nguyên…”.


Thực hiện chủ trương này, tỉnh Gia Lai đã phân bổ cho 5 doanh nghiệp tiến hành khảo sát trên 51.000 ha rừng nghèo chuyển sang trồng cao su, nhưng khi có kết quả khảo sát tỉnh Gia Lai lại giao cho 14 doanh nghiệp triển khai 19 dự án này.


Đây chính là mẫu chốt của vấn đề, do cách làm không rõ ràng và chưa phù hợp, do vậy đã có rất nhiều thông tin và dư luận không đồng tình cách làm này. Vì thế, trong cách phân bổ diện tích cao su cho các đơn vị tỉnh Gia Lai đã mắc rất nhiều lỗi cũng như sai sót, và đã có lúc công việc này phải tạm ngưng để làm rõ đầu đuôi. 

Sau nhiều lần làm việc với tỉnh Gia Lai, các thành viên của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam đã đạt được những ưu thế nhất định, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý giao khoảng 8.000 ha cho 4 công ty cao su của tập đoàn để tiến hành khai hoang trồng mới trong năm 2009.


Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi số diện tích này, các đơn vị đã gặp không ít những trở ngại và khó khăn. Nhiều cuộc họp đã được diễn ra để tháo gỡ những bất cập, nhưng vẫn chưa có hồi kết.


Tại một cuộc họp gần đây nhất, giữa lãnh đạo tỉnh Gia Lai với Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, hai bên thống nhất được một số điểm quan trọng để các dự án được tiếp tục triển khai như: Cho phép tiếp tục triển khai các dự án đã được phê duyệt và trình các cơ quan chức năng trước ngày 31/12/2008, đồng ý cho phép khai hoang gối vụ, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu còn thiếu và thống nhất một số điểm về phương pháp tận thu lâm sản...


Tuy nhiên, cuộc họp thường vụ tỉnh ủy ngay sau đó lại chưa có được tiếng nói chung trong vấn đề giao đất cho các doanh nghiệp. Bởi theo Thông tư 127 và 10 của Bộ NN&PTNT thì công tác chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại Gia Lai vẫn còn vướng hai vấn đề: thứ nhất, việc quy hoạch chưa được UBND tỉnh thực hiện; thứ hai, việc xác định định tính cho từng loại rừng. Được biết, trong vấn đề xác định định tính này tỉnh cần phải tham khao ý kiến từ phía Bộ NN&PTNT để xác định các tiêu chí một cách rõ ràng.


Như vậy, chắc chắn trong năm 2009, kế hoạch trồng 8.000 ha cao su của các đơn vị thuộc Tập đoàn CNCS VN tại Gia Lai không thể thực hiện được vì tỉnh Gia Lai chưa thể ký quyết định giao đất. Việc chậm trễ này không những ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người dân địa phương, chủ yếu là người dân tộc thiểu số đang ngày đêm chờ đợi để được làm công nhân cao su, nhằm cải thiện đời sống mà còn làm thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp trồng cao su do họ đã chuẩn bị mọi nguồn lực, từ lao động tiền bạc đến máy móc khai hoang, cây giống...

Cây giống sẽ đi về đâu


Trong niềm phấn khởi sau khi rời những cuộc họp, vì lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần khẳng định sẽ cùng nhau ngồi lại để tháo gỡ những vướng mắc. Các đơn vị cao su phấn khởi tiến hành chuẩn bị giống, nhân công, máy móc và chờ quyết định giao đất để khai hoang. 4 công ty cao su đơn vị nào cũng thành lập vườn ươm tại khu vực sẽ được giao đất đó là xã Ia Mơr, Ia Puch của huyện Chư Prông.


Công ty cao su Chư Sê là đơn vị dự định sẽ được nhiều đất nhất, do vậy họ tập trung toàn bộ nguồn lực tiến hành lập vườn ươm, công tác mua giống ở miền đông được thực hiện một cách khẩn trương và sôi động, thậm chí có lúc tại thị trường Gia Lai cây giống cao su trở nên hiếm và khá đắt.

Hiện nay, tổng số cây giống của Công ty cao su Chư Sê chuẩn bị sấp xỉ 1,4 triệu cây. Tổng chi phí đầu tư cho cây giống của công ty khoảng gần 20 tỷ đồng. Cây giống thì ngày càng lớn, đất thì không có để trồng, thiệt hại cứ theo sự tăng trưởng của cây cao su con.

Các công ty khác cũng đang nỗ lực hết sức để tìm đầu ra tạm thời cho số cây giống này, nhưng có vẻ rất khó khăn. Bởi mỗi công ty đều đã chuẩn bị sẵn vườn ươm và con giống, trong khi lại cùng nhau không có đất, do vậy họ tự phải tìm cách cứu mình trước.

Phó giám đốc Công ty cao su Chư Sê, ông Mai Ngọc Bình cho biết: “Lúc trước cũng có doanh nghiệp đến hỏi mua, nhưng họ ép giá chúng tôi không thể bán được, vì nếu có bán ít nhất cũng phải hòa vốn. Trong trường hợp xấu nhất là không có đất trong năm nay, chúng tôi sẽ hạn chế việc tăng trưởng của cây bằng cách ít chăm sóc, biết rằng nếu sang năm trồng sẽ tốn gấp đôi số ngày công vì cây quá lớn”.

Còn Giám đốc Công ty cao su Chư Prông, ông Phan Sỹ Bình hồ hởi cho hay: “Công ty chúng tôi thì không đáng ngại lắm, vì năm nào chúng tôi cũng có trồng mới hoặc tái canh, cho nên cũng có chút ít kinh nghiệm. Mặt khác, chúng tôi có lợi thế hơn một số đơn vị bạn là có nguồn lực ngay tại chỗ, nhân công kỹ thuật, vườn ươm và vườn nhân đều có, do vậy chí phí giá thành thấp hơn. Đồng thời, chúng tôi vẫn còn gần 400 ha từ năm trước chuyển sang, cho nên cây giống của chúng tôi dư không nhiều lắm, khoảng 600.000 cây là cùng”.


Mỗi công ty đều có cách của mình để giải quyết vấn đề. Như với Công ty cao su Chư Păh và Mang Yang thì họ đều có những công ty con tại Lào và Cămpuchia, cho nên cả hai đơn vị này đều có khuynh hướng chuyển số cây giống này sang các công ty con. Công ty cao su Chư Păh có hai công ty cổ phần của họ là Công ty CP Hoàng Anh- Quang Minh và Công ty CP dịch vụ cao su Việt- Lào dự kiến sẽ trồng khoảng 800 ha, ngoài ra tại xã Đăktơver CTCS Chư Păh sẽ trồng được khoảng 100 ha từ năm trước chuyển sang, vì thế số lượng cây giống của đơn vị này cũng không gì đáng ngại. Đối với Công ty cao su Mang Yang, nếu trường hợp không có đất họ vẫn có thể chuyển sang cho Công ty CP Hoàng Anh- Mang Yang và Công ty TNHH 1 thành viên Chư Moray. Dự kiến năm 2009, Công ty TNHH 1 thành viên Chư Moray sẽ trồng khoảng 400 ha.


Đó là trên lý thuyết, dù thế nào đi nữa thiệt hại cho 4 công ty này là chắc chắn, vấn đề là đơn vị nào và thiệt hại bao nhiêu. Chúng ta có thể dễ dàng nhẩm ra con số cụ thể cho 4 đơn vị này. Mỗi một ha phải cần đến 550 cây con và trừ hao hụt khoảng 50 cây. Như vậy, mỗi ha ít nhất phải cần đến khoảng 600 cây giống. Với 8.000 ha sẽ cần khoảng 5 triệu cây giống, mà với giá thành như năm 2008 là trên 10.000 đồng/bầu thì 4 đơn vị này phải tốn tương đương 60 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ.


Thiệt hại là không thể tránh khỏi, nhưng các cuộc họp thì vẫn cứ phải diễn ra đều đều. Nói như Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam- ông Trần Ngọc Thuận- tại một buổi họp với lãnh đạo tỉnh Gia Lai rằng: “Nếu không có một cơ chế riêng cho cây cao su, nếu không có một ban chỉ đạo phát triển cao su tại Tây Nguyên thì chẳng bao giờ có đất cho các công ty thực hiện nhiệm vụ chính trị đã được giao”.


Kế hoạch thực hiện trồng mới từ 90.000- 100.000 ha cao su tại Tây Nguyên mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vào năm 2006 sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sẽ không thể thực hiện đúng theo lộ trình nếu chúng ta không tích cực và cứ tiếp tục đá quả bóng sang cho cơ chế mà không tìm cách tháo gỡ.



Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường