Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
30 nghìn tỷ đồng đầu tư quy hoạch phát triển cao su
05 | 06 | 2009
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

Định hướng quy hoạch cao su được tập trung ở 5 vùng chính: vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và các tỉnh vùng Tây Bắc.

Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ cần tiếp tục trồng mới 25 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để ổn định diện tích 390 nghìn ha cao su. Vùng Tây Nguyên sẽ tiếp tục trồng mới khoảng 95-100 nghìn ha để ổn định diện tích 280 nghìn ha.

Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ tiếp tục trồng mới 10-15 nghìn ha để ổn định diện tích 40 nghìn ha. Vùng Bắc Trung Bộ khoảng 20 nghìn ha để ổn định diện tích 80 nghìn ha. Các tỉnh vùng Tây Bắc cần có bước đi phù hợp, không phát triển theo phong trào, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cao su toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha.

Tổng mức đầu tư cho Quy hoạch này là khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí cho các dự án nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và nhập nội các giống cao su có năng suất, chất lượng cao, cung cấp đủ giống đầu dòng cho các vườn ươm phục vụ yêu cầu sản xuất.

Về tổ chức sản xuất, cần đầu tư phát triển cơ sở chế biến mủ, sản phẩm và đồ gỗ cao su gắn với vùng nguyên liệu theo hướng đa dạng sở hữu, đa dạng sản phẩm, hình thành doanh nghiệp công, nông nghiệp nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.

Để tiêu thụ sản phẩm tốt, các doanh nghiệp phải tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cao su với tổ chức và người sản xuất, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su.

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cao su theo quy hoạch được phê duyệt. Hiệp hội Cao su Việt Nam cần nâng cao năng lực hoạt động để hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền lợi của các thành viên và người sản xuất.

Mục tiêu phát triển đến năm 2010 là tiếp tục trồng mới 70 nghìn ha để diện tích cao su cả nước đạt 650 nghìn ha, sản lượng mủ đạt 800 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD; mở rộng công suất chế biến khoảng 220 nghìn tấn.

Đến năm 2015: tiếp tục trồng mới 150 nghìn ha, để diện tích cao su cả nước đạt 800 nghìn ha, sản lượng mủ đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, mở rộng công suất chế biến trong 5 năm 360 nghìn tấn.

Đến năm 2020: diện tích cao su ổn định 800 nghìn ha, sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn, kimh ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.



Nguồn: cafef
Báo cáo phân tích thị trường