Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu tăng cao - Nhập khẩu bao nhiêu?
06 | 10 | 2007
Điều đáng suy nghĩ là không ít người tiêu dùng, ngay từ chính các tỉnh được coi là phong phú nguyên liệu gỗ cũng phải đổ về Hà Nội mua hàng
Bỏ trống thị trường nội địa

Trong cuộc đua XK đồ gỗ, Việt Nam đã vượt qua Philippin, vươn lên chiếm vị trí thứ 4 trong khối các nước Đông Nam Á (sau Malaixia, Inđônêxia và Thái lan) và được các nước đánh giá là một đối thủ mới nổi đầy tiềm năng nhờ chi phí sản xuất rẻ, nhân lực dồi dào và trình độ tay nghề khá. Năm 2005 cả nước xuất khẩu đạt 1,563 tỉ USD; năm 2006 đạt 1,904 tỉ USD, vượt 12% so với kế hoạch đặt ra. Đề án XK 2006 - 2010 đã đặt ra cho mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam XK đạt giá trị 5,5 tỉ USD vào năm 2010, tăng bình quân 28,9%/năm.

XK như vậy, còn thị trường trong nước thì sao? Có dịp dạo qua các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ thấy hàng ngoại đến từ Trung Quốc, Malaixia, Đài Loan, thậm chí Italia… chiếm tới 80%!. Có mặt tại Melinh Plaza, một trung tâm buôn bán đồ gỗ nội thất đứng hàng đầu hiện nay của khu vực phía Bắc, từ tầng 2 lên tầng 3 rộng mênh mông, chìm ngập một không gian lộng lẫy của tất cả các mặt hàng nội thất ngoại. Tại khu trưng bày hàng Đài Loan của Công ty Hoàn Mỹ, giá 1 bộ bàn ăn làm bằng gỗ và đá hình bầu dục dành cho 8 người gần 25 triệu đồng; bộ giường tủ trị giá gần 55 triệu đồng, “chát” hơn nữa là bộ bàn họp gồm 1 ghế chủ tọa và 10 ghế ngồi đầy ấn tượng bởi sự sang trọng với bảng giá niêm yết 5.100 USD (chưa có thuế VAT). DN tư nhân Tuấn Hường “chiếm” tới mấy trăm mét vuông để trưng bày đồ gỗ Đài Loan.

Đối diện với siêu thị Metro là Trung tâm Thương mại Điện máy tại 36 Phạm Văn Đồng - Hà Nội. Chiếc cầu thang rộng cao chênh vênh dẫn quý khách lạc vào thế giới của hàng nội thất made in Thailand. Không hàng Việt Nam, không logo giới thiệu, không quay phim chụp ảnh dưới bất kỳ hình thức nào. Cô nhân viên thản nhiên: “Nếu muốn để sếp lựa chọn, không có cách nào khác ngoài việc chị phải “điệu” sếp của chị tới”. Hàng ở đây từ những bộ bàn ghế bằng gỗ vernia trưng bày phòng khách gia đình giá gần 30 triệu đồng, đến những bộ bàn ăn đơn giản 5 - 6 triệu đồng. Ấn tượng nhất, có lẽ là những bộ giường ngủ, bàn học dành cho những “thượng đế” nhỏ tuổi như chiếc giường xinh xắn với đầy rẫy những hộc tủ lớn, nhỏ đựng đồ, kích thích sự tò mò của trẻ thơ. Song, để có được bộ giường ngủ và bàn học này, bố mẹ của chúng phải bỏ ra gần 20 triệu đồng.

Tại An Dương Home Center trên đường Ngô Quyền, hàng Xingapo chiếm độc quyền với những giá bán cao ngất ngưởng. Giá 1 bộ sofa càphê rẻ nhất cũng phải mấy chục triệu đồng. Có những bộ sofa bàn kê niêm yết tới 170 triệu đồng...

“Thượng đế” thích đồ gỗ đắt tiền?

Nếu lấy các tiêu chí như giá cả, chất liệu, mẫu mã để so sánh giữa sản phẩm nội và ngoại thì cũng không dễ dàng gì nhưng nhìn chung là các mặt hàng gắn mác ngoại thường đắt hơn 20 – 30% so với hàng sản xuất trong nước. Chẳng hạn tại Mê Linh Plaza, giá 1 bộ sofa làm từ gỗ lát của nhà sản xuất Gỗ Việt, trông khá bắt mắt nhưng cũng chỉ từ 17 đến gần 30 triệu đồng; bộ bàn ăn 6 người gỗ hương giá chưa tới 24 triệu đồng, thậm chí có bộ chỉ 7 - 8 triệu đồng. Giá ấy, không phải là cao so với hàng “ngoại”, ấy thế nhưng nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn không lựa chọn. Có không ít lý do để giải thích, các nhà NK cho rằng, xuất phát từ tâm lý “xính ngoại”, không ít “thượng đế” khá giả đã lựa chọn những bộ bàn ăn, sofa của Đài Loan hoặc Xingapo giá mấy chục triệu đồng, thậm chí tới cả trăm triệu đồng cho căn phòng nhà mình chưa hẳn đã phải vì yếu tố thẩm mỹ mà chỉ vì cái mác “sành điệu”. Thứ hai, rất nhiều văn phòng, gia đình lựa chọn những bộ sofa đắt tiền làm bằng chất liệu da thuộc của Xingapo, Đài Loan là bởi ngành sản xuất thuộc da của Việt Nam chưa phát triển, các sản phẩm này chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam là lẽ thường. Tuy nhiên, khách quan mà nói, các sản phẩm nội thất “ngoại” cực kỳ phong phú. Trong khi đó nhìn lại những khu trưng bày hàng Việt Nam thì vừa quá khiêm tốn về diện tích trưng bày, vừa đơn điệu về chủng loại. Tại Mê Linh Plaza, có thể đếm trên đầu ngón tay các thương hiệu Việt như: Gỗ Việt, Đồng Kỵ, Xuân Hòa hay một vài liên doanh với Úc, Đức...

Khu sản phẩm Đồng Kỵ trông sang trọng, cổ kính bởi những bộ bàn ghế, giường giả cổ được chạm trổ cầu kỳ, giá nhiều sản phẩm có khi tới mấy trăm triệu/bộ, điều mà hàng ngoại còn chạy xa. Thế nhưng, thực tế thì không phải gia đình nào cũng có thể trưng bày những bộ giả cổ đắt tiền và cầu kỳ đó. Nhất là với thiết kế của căn nhà, căn phòng theo kiểu hiện đại thì chắc chắn sự lựa chọn những bộ sofa ngoại dễ được chấp nhận hơn.

Ở một khía cạnh khác, trong số thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, dường như các thiết bị nội thất văn phòng bị “bỏ ngỏ”. Hãn hữu lắm mới có một vài bộ bàn ghế trưng bày nhưng thiết kế cũng khá giản dị. Từ Gỗ Việt đến Đồng Kỵ chủ yếu tập trung vào những bộ bàn ghế, giường tủ dành cho gia đình. Ngay như các sản phẩm trưng bày của Xuân Hòa – DN sản xuất nổi tiếng với các thiết bị văn phòng, được định vị ngay lối ra vào khu trưng bày tầng 3 của Mê Linh Plaza nhưng lại quá khiêm tốn về diện tích cũng như sản phẩm. Trong khi đó, các loại bàn ghế nội thất văn phòng của Xingapo, Đài Loan, Malaixia NK vừa trải dài trên những diện tích bày bán, vừa nhiều chủng loại. Chả thế mà một ông khách sau khi đi vòng quanh nhiều lần, cuối cùng vẫn trở về nơi trưng bày hàng Đài Loan, ngồi lên chiếc ghế chủ tọa với gương mặt mãn ý. Ông cho biết: “Tôi không quan tâm lắm đến xuất xứ hàng hóa, giá có thể hơi “mắc” nhưng điều quan trọng là kiếm được bộ mình ưng ý, hợp với thiết kế phòng họp của công ty là ok!”.

Điều đáng suy nghĩ là không ít người tiêu dùng, ngay từ chính các tỉnh được coi là phong phú nguyên liệu gỗ cũng phải đổ về Hà Nội mua hàng. Tìm hiểu sơ bộ ở Mê Linh Plaza, được biết khách hàng lớn đổ về mua hàng ở đây lại thuộc về các tỉnh xa như Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái... Tháng 1/2007, một đơn vị văn phòng ở tỉnh L đã về đây “khuân” một lô đồ gỗ văn phòng trị giá hơn 300 triệu đồng. Cụ thể hơn, một khách hàng ở Ban quản lý Dự án tái định cư Sơn La đã mua bộ bàn ghế có giá 14 triệu đồng! Đây có phải là một nghịch lý “chở củi về rừng”? Hay nói rộng hơn là đang có một nghịch lý trong XNK đồ gỗ ở nước ta?

Lời kết

Có thể nói, cho đến giờ chúng ta mới thống kê được con số NK gỗ và nguyên liệu gỗ của năm 2006 là 760 triệu USD (vượt tới 110 triệu USD so với chỉ tiêu). Năm 2007 dự kiến sẽ là 680 triệu USD, thế nhưng con số thống kê chính thức NK các sản phẩm gỗ nội thất từ nước ngoài về Việt Nam xem ra còn là một câu hỏi chưa có lời giải. Với các sản phẩm “ngoại” cao cấp tràn ngập thị trường Việt Nam hiện nay, nhiều người lo rằng, liệu cái con số XK gần 2 tỉ USD đồ gỗ của Việt Nam sẽ phải bù lại bao nhiêu phần trăm cho các DN nhập khẩu chính các chủng loại sản phẩm đó từ nước ngoài về Việt Nam?



Thương Mại
Báo cáo phân tích thị trường