Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam
01 | 08 | 2007
Kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam mấy năm gần đây tăng nhanh, nhưng bên cạnh đó tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngày càng gay gắt. Nhu cầu sử dụng đồ gỗ của xã hội và mức tiêu thụ trên thị trường thế giới ngày càng tăng đã tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch nhanh nghề chế biến gỗ từ thủ công sang công nghiệp

Kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam mấy năm gần đây tăng nhanh, nhưng bên cạnh đó tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngày càng gay gắt.

Nhu cầu sử dụng đồ gỗ của xã hội và mức tiêu thụ trên thị trường thế giới ngày càng tăng đã tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch nhanh nghề chế biến gỗ từ thủ công sang công nghiệp.

Tại khu vực phía bắc, các làng nghề truyền thống và làng nghề mới nơi nào cũng có, nhưng nhiều nhất ở các tỉnh: Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa. Khu vực phía nam lại phát triển khá nhiều các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp chế biến gỗ (CNCBG) ở các địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, v.v... hoạt động khá năng động. Từ năm 1998 đến nay đã có thêm 12 nhà máy CBG đi vào hoạt động như nhà máy MDF Gia Lai 54 nghìn m3 gỗ/năm, nhà máy ván, dăm Thái Nguyên 16.500 m3 gỗ/năm...

Ba lực lượng: doanh nghiệp, làng nghề truyền thống, các cơ sở đã sử dụng khoảng 2-3 triệu m3 gỗ vào các năm 2000-2001-2002, tăng lên khoảng 8-10 triệu m3 gỗ trong ba năm gần đây. Mặt hàng đồ gỗ trước đây chủ yếu làm bằng gỗ tự nhiên; đến nay, đã đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại. Có nhóm đồ gỗ sử dụng trong nhà, có nhóm sử dụng ngoài trời, gỗ tinh chế, hàng thủ công mỹ nghệ gỗ nhân tạo, v.v.

CNCBG phát triển, đã thu được những kết quả, riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tăng lên rất nhanh từ 61 triệu USD năm 1996, tăng lên 210 triệu USD năm 2000 và 1,517 tỷ USD năm 2005, tăng 24 lần so với năm 1996 và tăng 6,9 lần so với năm 2000. Sáu tháng đầu năm 2006, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ đã đạt gần một tỷ USD.

Dưới đây là bảng số liệu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường 6 tháng đầu năm.

Đơn vị tính: ngàn USD

Thị trường Kim ngạch T6/2006Kim ngạch 6T/20066T/2006 so 6T/2005
Mỹ63.338333.38133,51
Nhật Bản22.869127.53920,74
Anh9.51678.33118,21
Pháp3.66745.55639,36
Đức1.36937.629-3,36
Hàn Quốc5.85931.49036,13
Hà Lan3.05030.66020,82
Trung Quốc6.48128.031-2,15
Đài Loan6.77824.89632,35
Ôxtrâylia4.32619.96829,23
Tây Ban Nha1.04618.0787,34
Canađa3.31514.66265,07
Bỉ1.18014.40025,82
Thuỵ Điển32312.95677,34
Italia81212.61135,52
Đan Mạch97412.52453,27
Ai Len1.0167.714152,70
Phần Lan3767.48732,14
Malaixia1.6746.94617,49
Hy Lạp3786.6969,63

Những năm gần đây, nguyên liệu gỗ lấy được từ nguồn gỗ rừng bao gồm gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng trong nước và nhập khẩu.

Rừng tự nhiên Việt Nam có xu hướng tăng về diện tích, nhưng chất lượng rừng tăng rất chậm; năng suất rừng thấp, nhất là gỗ, thậm chí có vùng, có nơi bị suy giảm cạn kiệt. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có chủ trương giảm dần lượng gỗ khai thác hằng năm. Về gỗ rừng trồng, hiện nay cả nước có khoảng hơn hai triệu ha, trồng phân tán ở khắp các địa phương trong cả nước. Có tình trạng một số nhà máy chế biến gỗ, mặc dù có quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhà máy, nhưng khi bắt tay vào trồng rừng, lại thiếu diện tích đất có quy mô tập trung, dẫn đến trồng rừng phân tán khắp nơi, thậm chí phải trồng cả trên các sườn dốc cao, đất xấu, rất xa nhà máy, năng suất rừng trồng thấp đã gây khó khăn cho việc khai thác, vận chuyển làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá gỗ nguyên liệu, tăng giá thành sản phẩm, dẫn đến sức cạnh tranh thấp...

Theo tính toán của một số chuyên gia lĩnh vực chế biến lâm sản, lượng gỗ khai thác hằng năm vào khoảng 2,2 - 2,3 triệu m3, chủ yếu là gỗ đường kính nhỏ dùng làm nguyên liệu giấy, dăm, ván nhân tạo; cộng với nguồn gỗ lấy từ rừng tự nhiên chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu sản xuất. 80% số gỗ còn lại phải nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Cam-pu-chia, Lào, Myanmar, Indonesia và một số quốc gia ngoài khu vực. Như vậy, các nhà máy chế biến gỗ luôn bị động, chịu sức ép lớn về nguyên liệu. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu biến động theo xu hướng tăng dần. Nhiều nước đã thực thi chính sách hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu.

Để giải quyết vấn đề gỗ nguyên liệu, dưới đây là một số biện pháp mang tính định hướng, đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định, bền vững của chế biến gỗ Việt Nam:

Trước mắt, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNCBG và các địa phương liên quan, bằng mọi cách mở rộng thị trường, tăng cường khả năng nhập khẩu gỗ, phát triển chế biến mạnh hơn nữa, đi đôi sử dụng gỗ tiết kiệm; vận động, thuyết phục các cơ quan, đoàn thể, các ngành và địa phương trong cả nước thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng sang sử dụng ván nhân tạo, làm giảm sức ép đối với rừng.

Về lâu dài, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng, đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, nhất là rừng nguyên liệu (còn gọi là rừng sản xuất).

Song song với công tác quy hoạch, cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và áp dụng công nghệ mới vào trồng rừng, bảo vệ rừng như: áp dụng kỹ thuật tạo giống cây bằng phương pháp mô, hom. Lựa chọn và đưa vào trồng những cây thích hợp, bảo đảm vừa có cây gỗ nhỏ mọc nhanh, chu kỳ kinh doanh ngắn (6-7 năm), vừa có cây gỗ lớn dài ngày (10-15 năm).

Đẩy mạnh hoạt động của hệ thống khuyến lâm, nhất là khuyến lâm cơ sở đối với các xã vùng sâu, vùng xa nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về thâm canh tăng năng suất rừng đến các chủ rừng. Làm tốt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng.

Các bộ, ngành liên quan sớm có chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nhất là doanh nghiệp CNCBG và nhà đầu tư nước ngoài tham gia trồng rừng sản xuất, kinh doanh rừng. Trong chính sách cần xác định rõ hỗ trợ của Nhà nước, có thể hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ giống cây. Tiếp tục thực hiện việc giao đất, giao rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Rà soát, bổ sung, sửa đổi chính sách về khoán bảo vệ rừng, chính sách hưởng lợi từ rừng bảo đảm các lợi ích, trong đó lợi ích của người lao động là rất quan trọng, để họ yên tâm gắn bó với rừng lâu dài, có thu nhập ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống, không phá rừng, hủy hoại tài nguyên rừng.

(Nguon tin: Vinanet)



Báo cáo phân tích thị trường