Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), nước ta hiện có tới 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng gỗ và lâm sản. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 120 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Vifores, mặc dù có bước phát triển khá nhanh, song đồ gỗ Việt Nam lại rất... “chông chênh” trong xuất khẩu. Đây là thách thức lớn đối với ngành gỗ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Vifores cho biết, số DN tham gia xuất khẩu gỗ lên tới 300 DN, song hầu hết là DN nhỏ và vừa. “Số DN có thể xuất khẩu 100 container/tháng trở lên, hoặc có diện tích rừng trên 10 ha rất hiếm. Với quy mô như vậy, chúng ta không thể đủ năng lực cạnh tranh với các DN gỗ các nước trong khu vực”, ông Quyền nhấn mạnh.
Không chỉ có áp lực cạnh tranh xuất khẩu, ngành gỗ Việt Nam còn phải đối mặt với cạnh tranh trong nước khi thị trường chính thức mở cửa. Ông Quyền cho biết, thực hiện các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sắp tới, đồ gỗ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ áp dụng thuế với 2 mặt hàng là ván nhân tạo và mộc tinh chế. Do đó, tiêu thụ sản phẩm gỗ có nhiều khả năng giảm, không chỉ trong xuất khẩu, mà ngay tại thị trường nội địa.
Một điểm yếu của các DN gỗ Việt Nam là nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Thống kê của Vifores cho thấy, hàng năm, ngành gỗ phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu. Đáng lưu ý là, nguyên liệu gỗ chiếm tới 60% giá thành sản phẩm, có nghĩa là trong 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả năm 2006, thì chi phí cho nguyên liệu nhập khẩu đã chiếm trên 1 tỷ USD.
Lãnh đạo Vifores cho rằng, vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu còn khá nhiều bất cập, trong khi đầu tư phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, việc xây dựng mạng lưới chế biến gỗ trên toàn quốc chưa có sự thống nhất. Minh chứng là, thời gian qua, các cơ sở chế biến băm dăm (xuất khẩu gỗ tươi) hình thành tự phát quá nhiều, không chỉ làm cho nguồn nguyên liệu trong nước thêm khan hiếm, mà còn dẫn đến nghịch lý là xuất khẩu gỗ tươi trong khi phải đi nhập nguyên liệu bột gỗ.
Bên cạnh đó, khắc phục lối làm ăn “cò con” của các DN cũng là một vấn đề khá nan giải, hiện tượng DN làm ăn đơn lẻ, tự tìm kiếm khách hàng cho riêng mình đã dẫn đến tình trạng DN tự ghìm giá để giành lấy hợp đồng, khiến thị trường xuất khẩu mất ổn định. Sự thiếu liên kết, hợp tác giữa các DN còn dẫn tới mất cơ hội thực hiện các đơn hàng lớn của nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Tấn Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sản xuất - Đầu tư - Xuất nhập khẩu Bình Định, việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ. Tuy nhiên, có một thực tế là, các đơn đặt hàng lớn thường vượt quá năng lực của từng DN riêng rẽ, nên nếu tiếp tục phương thức làm ăn nhỏ lẻ thì chắc chắn, nhiều cơ hội lớn sẽ “tuột” khỏi tầm tay.
Ông Bình cho biết, 1 DN thường chỉ đáp ứng được đơn hàng vài ngàn mét khối, nhưng có những đơn hàng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn mét khối, do đó, nếu không tăng cường liên kết, hợp tác thì các DN sẽ rất khó khăn trong hoạt động. Theo ông Bình, nếu các DN có sự kết nối tốt, có những giải pháp giảm chi phí tối ưu thì kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2006 có khả năng đạt tới 2,2 tỷ USD.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cũng là một vấn đề lớn đối với các DN xuất khẩu đồ gỗ. Thị trường WTO rộng mở, song các hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi các DN phải tuân thủ quy trình quản lý chất lượng. Hiện nay, trong số 2.000 DN gỗ toàn quốc, mới chỉ có trên 10% DN áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm.
Lãnh đạo Vifores cho biết, 3 vấn đề lớn sẽ được tập trung giải quyết trong thời gian tới là: tăng tính hợp tác liên kết giữa các DN để nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam.