Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho biết, điểm yếu lớn nhất của các DN gỗ Việt Nam là phải phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Không chủ động về nguồn hàng, các DN này đều phải tuân theo sự trồi sụt của thị trường gỗ thế giới.
300 DN kinh doanh, chế biến gỗ là từng ấy DN tham gia nhập khẩu. Do vậy, số lượng các đơn hàng thường nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thời gian giao hàng của đối tác, tốn nhiều công sức, tiền bạc để làm thủ tục hải quan. Ông Quyền nhận xét, trong 700 triệu USD bỏ ra để nhập gỗ nguyên liệu, nếu tập trung vào 2-3 đầu mối chính chúng ta có thể tiết kiệm ít nhất 100 triệu USD.
Đó là chưa kể, các DN nhỏ thường gặp rủi ro trong giao dịch mua bán vì không thông hiểu luật lệ nước ngoài. Thậm chí, nhiều DN còn cạnh tranh nguồn nguyên liệu tạo điều kiện cho đối tác nâng giá, gây thiệt hại chung cho cả ngành gỗ.
Do vậy, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội thời gian tới là thành lập 3 trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Theo đó, các DN gỗ xem xét, đặt mua các loại gỗ nguyên liệu tại các sàn giao dịch này thay vì tự tìm kiếm nguồn hàng như trước. Về lâu dài, ông Quyền cho rằng việc tạo nguồn nguyên liệu trong nước được coi là chiến lược dài hạn để phát triển ngành gỗ.
Trong tháng tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục họp bàn để chuẩn bị thành lập 3 trung tâm này.
Hiện Việt Nam có khoảng 1,4 triệu ha rừng sản xuất, trữ lượng 30,6 triệu m3 gỗ nhưng phần lớn đã được quy hoạch cho chế biến giấy, sợi, ván dăm và gỗ trụ mỏ.
Giải pháp cơ bản để Việt Nam có thể chủ động được nguồn nguyên liệu trong vòng 10-15 năm nữa chính là có cơ chế khuyến khích các DN chế biến gỗ trực tiếp đầu tư, chăm lo các vùng nguyên liệu của mình.
Theo Bộ NN-PTNT, diện tích rừng nguyên liệu của ngành gỗ Việt Nam vào khoảng 825.000ha với những loại cây có thể cho thu hoạch sau 15 năm. Kết hợp với các chương trình trồng rừng quốc gia, đến 2020, dự kiến nguồn gỗ trong nước sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu chế biến gỗ trong nước với sản lượng 20 triệu m3/năm.
Năm nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu từ gỗ của Việt Nam đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, nhưng trong đó có tới hơn 1 tỷ USD chi phí cho nhập khẩu gỗ nguyên liệu, còn nguồn gỗ trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.