Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng cao chưa phải là mạnh
21 | 09 | 2007
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm nay, giá trị kim ngạch ngành chế biến, kinh doanh gỗ nước ta đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn gỗ trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, do vậy, ngành cũng phải dành khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu, phụ kiện, máy móc...

Hiện nay, cả nước có hơn 300 doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu gỗ, hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. DN có khả năng đáp ứng những đơn hàng trị giá vài chục triệu USD hoặc có nhà máy chế biến lớn không nhiều. Do vậy, dù tốc độ tăng trưởng toàn ngành khá cao (20%/năm), nhưng nhiều DN vẫn đang ở tình trạng ăn đong. Các DN thường thiếu vốn, phải vay thương mại tới 80% số vốn để kinh doanh. Đây là khó khăn rất lớn để kinh doanh với đối tác nước ngoài.

Đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 thị trường, nhưng chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị thị trường gỗ thế giới. Hầu hết DN phải tự tìm kiếm khách hàng nên hiện tượng tự dìm giá để giành đơn hàng là rất phổ biến. Sự thiếu liên kết giữa DN cũng làm mất cơ hội nhận những đơn hàng lớn, hoặc phải nhận lại qua trung gian nước ngoài; đồng thời làm tăng giá thành sản phẩm do phí vận chuyển từng lô hàng lẻ cao hơn so với vận chuyển một chuyến hàng lớn. Những khó khăn đó khiến DN nước ta thiếu chiến lược phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng. Khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam cũng kém hơn DN của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaixia, Trung Quốc...

Thiếu vốn, thiếu liên kết còn khiến các DN khó khăn trong đổi mới công nghệ chế biến. Trong khi ở Đài Loan, năng lực sử dụng nguyên liệu đạt đến 85%, thì ở nước ta, DN hiệu quả nhất cũng chỉ đạt 60%. Do vậy, dù đạt mức tăng trưởng tới 20%/năm, nhưng trị số giá trị gia tăng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chỉ đạt khoảng 0,25, trong khi ở nhiều quốc gia khác là từ 0,6 đến 0,7.

Một khó khăn nữa cho DN nước ta là không chủ động được về nguyên liệu và phụ thuộc lớn vào giá nguyên liệu thế giới, ảnh hưởng đến việc ký hợp đồng xuất khẩu. Cũng chính vì thiếu gắn kết nên các DN đều chịu thiệt thòi trong việc tìm mua nguyên liệu khi mạnh ai nấy tìm nguồn nguyên liệu, tốn kém tiền bạc, công sức không cần thiết. DN nhỏ lại thường gặp rủi ro trong giao dịch vì không thông hiểu luật lệ quốc tế, thậm chí tạo điều kiện cho đối tác nâng giá. Để hạn chế tác động này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản xem việc thành lập 3 trung tâm giao dịch gỗ tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam là một trong những ưu tiên trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt.

Về chiến lược lâu dài, cần tạo nguồn nguyên liệu ổn định trong nước. Hiện, nước ta có khoảng 1,4 triệu hecta rừng trồng sản xuất với trữ lượng 30,6 triệu m3 gỗ, nhưng phần lớn được quy hoạch cho ngành chế biến giấy, sợi, ván dăm và gỗ trụ mỏ. Ngoài ra, chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thời gian qua chưa quan tâm đúng mức đến các loại cây có giá trị cao, do vậy trữ lượng gỗ rừng trồng lớn nhưng lại hạn chế trong việc sử dụng chế biến xuất khẩu.

Để chủ động nguyên liệu, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích DN chế biến, xuất khẩu đầu tư xây dựng, phát triển nguồn nguyên liệu, để đến năm 2020, dự kiến nguồn gỗ trong nước sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu ngành chế biến gỗ với sản lượng 20 triệu m3/năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngành chế biến, kinh doanh gỗ nước ta sẽ có vị thế hơn trong thị phần 250 tỷ USD giá trị toàn ngành chế biến, kinh doanh gỗ thế giới.



Theo Hà Nội mới
Báo cáo phân tích thị trường