Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chống lạm phát: Phanh đột ngột sẽ nguy cơ đổ tàu!
04 | 03 | 2008
Chỉ số tăng giá tiêu dùng hai tháng đầu năm lên đến 6,02%, đã đi được 2/3 so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong khi vẫn còn 10 tháng ở phía trước. Các chuyên gia kinh tế tỏ ra không có nhiều bất ngờ và cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ hơn để chặn đứng lạm phát.
Giá cả như tàu đang lao nhanh, phanh đột ngột thì nguy cơ đổ tàu

Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam:


Tốc độ tăng giá 2 tháng đầu năm lên tới 6,02% là quá cao. Điều này có những nguyên nhân: một là giá quốc tế, thời tiết quá khắc nghiệt trong thời gian qua. Đặc biệt, có những nguyên nhân chủ quan, trong đó có một nguyên nhân chính là ngân hàng đã bỏ lượng tiền lớn ra mua USD chưa thu về hết được, đầu tư tăng nhanh nhưng hiệu quả còn thấp, tín dụng tăng quá nhanh, nhất là BĐS; lượng tiền nước ngoài vào quá lớn; ngân sách bội chi tăng lên.
Mô tả ảnh.
Ông Cao Sỹ Kiêm.

Các nguyên nhân chủ quan này đã có từ năm ngoái, một số còn kéo dài sang đầu năm nay. Cộng thêm những bất lợi do giá rét và giá cả thế giới tiếp tục tăng cao làm cho vấn đề trầm trọng thêm. Bên cạnh đó, giá bất động sản tăng nhanh làm cho tiền phân tán ra thị trường không trở lại ngân hàng, ngân hàng thiếu tiền. Tất cả những yếu tố này làm cho lạm phát tăng lên.

Có một yếu tố nữa cũng đang được nghiên cứu là yếu tố điều hành và tâm lý. Các giải pháp điều hành là trúng nhưng có vấn đề về liều lượng, thời điểm và sự phối hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn. Tâm lý người dân khi lạm phát cao hoang mang, có khi thực tế không như thế nhưng tâm lý đẩy lên.

Lạm phát có nhiều nguyên nhân và cần nhiều giải pháp. Vừa rồi chúng ta mới làm mạnh các giải pháp từ Ngân hàng Nhà nước. Cho nên kết quả cũng chưa nhiều và chưa mạnh, thậm chí có gây tác dụng ngược lại. Bây giờ muốn tốt phải làm đồng thời để ngăn chặn tất cả các nguyên nhân trên mới giảm được, mới tạo ra tác động cùng chiều được. Còn bây mỗi anh làm một kiểu, mỗi anh làm một lúc, không đồng chiều thì kết quả chống lạm phát chưa theo ý muốn của mình.

Hiện Nhà nước đang thực hiện các giải pháp mạnh rồi. Nhưng bây giờ mình phải chú ý, giá cả như con tàu đang lao nhanh, nếu đột ngột phanh thì nguy cơ đổ tàu. Các giải pháp có thể rút rất mạnh nhưng phải có biện pháp và có lối thoát, từ từ để đỡ sốc. Bất động sản nếu làm "rụp" một cái, nếu vỡ ra thì còn phức tạp hơn rất nhiều. Cho nên phải rút dần dần. Bơm những cái gì cần bơm, giảm những chỗ cần thiết giảm để đưa dần lại quỹ dạo, bình thường. Không hy vọng có giải pháp "sốc" ngay. Thường làm như thế rất rủi ro.

Cần từ 3 - 6 tháng để các giải pháp đi vào thực tế

Giáo sư, TSKH Ngô Trí Long, Học viện Tài chính:

Con số 6,02% tăng cao quá. Nhìn cả một quá trình, đây là tăng cao nhất trong hơn 10 năm lại đây. Đây là một cảnh báo đối với nền kinh tế. Những tháng tới, nếu có tăng 0,5% thôi như dự báo tháng 3 của Tổ điều hành thị trường, thì cả năm cũng không thể thực hiện nghị quyết Quốc hội đề ra.

Biện pháp tiền tệ đã được thực hiện, nhưng chưa thể có tác dụng ngay tức thời mà phải có độ trễ của nó. Giá cả đang lao nhanh như thế thì những biện pháp ra chỉ có tính ngăn chặn thôi.
Mô tả ảnh.
TS. Ngô Trí Long

Trong kiềm chế lạm phát, giải pháp tài chính tiền tệ có ý nghĩa quan trọng, trong đó giải pháp tiền tệ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Lạm pháp do tiền tệ, do đầu tư phát triển cao, luồng tiền từ nước ngoài lớn buộc phải đưa ra vốn đối ứng. Nhà nước đã dùng biện pháp thắt chặt tiền tệ, thu tiền về bằng cách buộc các ngân hàng thương mại mua tín phiếu bắt buộc, nâng dự trữ bắt buộc.

Các ngân hàng thương mại hiện dư nợ quá lớn nên buộc phải huy động vốn vào để mua tín phiếu và tăng dự trữ, làm cho các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất để hút vốn về khiến cho thị trường những ngày gần đây hỗn loạn. Khi tăng lãi suất huy động lên thì cũng có tác dụng phụ là cho vay cao dẫn đến ảnh hưởng tăng trưởng. Lãi suất cao thì chi phí cao, giá thành cao thì cũng tác động đến lạm pháp.

Các ngân hàng đưa lãi suất lên cao, trong khi hoạt động của ngân hàng nước ta nguồn thu chủ yếu từ chênh lệch vay và cho vay chiếm đến 70% làm cho chi phí các ngân hàng tăng lên, năng lực tài chính yếu đi năng lực cạnh tranh giảm. Ngân hàng Nhà nước Phát hành tín phiếu với 20.300 tỷ đồng với lãi suất 7,8%, mỗi tháng lo trả 100 tỷ đồng lãi và đồng thời tăng dự trữ bắt buộc cũng phải trả thêm 100 tỷ nữa. Giải pháp tiền tệ như con dao hai lưỡi. Anh phải biết hài hòa, lạm phát và tăng trưởng là một bài toán cự kỳ lớn mà đòi hỏi những người lãnh đạo phải có tính quyết đoán và rất khôn ngoan.

Chính sách tài chính phải xem lại để làm sao chi đầu tư phải hiệu quả, chi thường xuyên phải tiết kiệm, cái nào cần phải giảm, cái nào phải bỏ. Đầu tư phải hiệu quả, mua sắm tài sản công phải tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí... Lúc này phải dùng tổng hợp các biện pháp.

Các giải pháp tiền tệ sẽ cần từ 3 đến 6 tháng để tác động vào thực tế. Nhưng ngay từ bây giờ, từng ngành phải có giải pháp cụ thể và phối hợp tạo ra sự đồng bộ, chi tiêu công phải siết chặt lại, chống lãng phí, tiết kiệm tiêu dùng, tiết kiệm sản xuất - hạ giá thành sản phẩm, đầu tư hiệu quả.

1
Các chính sách "giải cứu" lạm phát cũng cần "độ trễ" từ 3 - 6 tháng để các giải pháp đi vào thực tế. Ảnh chỉ có tính chất minh họa


Chống lạm phát: Phải ưu tiên hơn tăng trưởng!

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Việc chống lạm phát năm 2008 này phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu, hơn cả mục tiêu tăng trưởng. Vì suốt bốn năm liền lạm phát cao, cộng lại đã lên tới 40%. Điều này đồng nghĩa với việc đồng tiền mất giá, đội giá thành sản phẩm lên cao, tăng thêm dự án treo, còn đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng.

Như vậy, về phương diện đối nội, phân phối nguồn lực đã bị lệch và tác động đến đời sống. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân gây ra những bất ổn cả trên thị trường bất động sản và chứng khoán.

Cùng điều kiện, hoàn cảnh, các nước trong khu vực lạm phát thấp hơn của mình. Nếu môi trường VN vẫn bất ổn, lòng tin của nhà đầu tư sẽ giảm đi, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư bỏ đi cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn.

Lạm phát ảnh hưởng cũng sẽ làm cho sức cạnh tranh trong nước giảm đáng kể. Năm nay, Chính phủ đặt vấn đề quyết liệt hơn nhiều, thể hiện ở hàng loạt nỗ lực để kéo thị trường bất động sản bong bóng và nỗ lực kéo giá cả giảm xuống.

Nhưng giá cả hai tháng đầu 2008 đã tăng lên khoảng 6% so với tháng 12/2007. Hạn ngạch cho lạm phát chỉ còn rất ngắn. Có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, Chính phủ đã có ưu tiên thi hành hàng loạt biện pháp mạnh. Quyết tâm đã rõ nhưng thực ra phải bàn đến hiệu quả của giải pháp.

NHNN cũng đã vừa sử dụng kết hợp cả hai loại biện pháp dài hạn và tức thì. Nhưng nhiều biện pháp hành chính như bán 20.300 tín phiếu. NHNN có quyền làm như thế nhưng đã gây "sốc", ảnh hưởng đến thị trường, dòng tiền bị chặn lại.

Ngay sau đó NHNN lại bơm ra 39.000 tỷ đồng. Điều này khiến sự vận động của dòng tiền thành bất thường, gây hiệu ứng tiêu cực. Tất nhiên đi kèm là biện pháp dài hạn như tăng dự trữ bắt buộc, nâng lãi suất cơ bản... Nhưng hàng loạt biện pháp tức thời đã gây ra hiệu ứng chạy đua lãi suất vì khan hiếm tiền mặt. Thời gian tới rất cần bình tĩnh, kể cả phản ứng với thị trường địa ốc lẫn tiền tệ. Đây là bài học quan trọng ngay từ đầu năm. Cách xử lý lạm phát phải hài hòa và đồng bộ, đứng trên lợi ích quốc gia, trên mục tiêu đảm bảo tăng trưởng dài hạn.



Nguồn: vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường