Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cảnh giác với nguy cơ thiểu phát
28 | 10 | 2008
Mặc dù tốc độ tăng trưởng về lạm phát trong thời gian qua đã có những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc giảm tốc độ tăng lạm phát một cách đột ngột gây ra nguy cơ giảm phát như lo ngại của nhiều chuyên gia kinh tế.
Có nguy cơ thiểu phát?

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trong một lần trao đổi bên hành lang với báo chí nhân hội thảo "Khó khăn, thách thức do biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất của DNVN" tổ chức ngày 26.10, nhận định: "Nguy cơ giảm phát là có".

Theo ông Tuyển, thời gian qua xuất khẩu của VN đã giảm do những ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Điều này khiến GDP giảm sút và kéo theo là đầu tư cũng sẽ giảm. "Đây là nguy cơ mà chúng ta cần tính đến" - nguyên Bộ trưởng nói.

"Chúng ta vẫn nói tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, chủ động kiềm chế ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính đến tăng trưởng hợp lý của đất nước. Còn với diễn biến bây giờ, có nên chuyển hướng sang chống suy thoái? Bởi nếu vẫn "hăng hái" với việc chống lạm phát, có thể sẽ dẫn tới hậu quả là kinh tế vĩ mô sẽ xấu, tăng trưởng sẽ giảm dẫn tới thất nghiệp".

Tại hội thảo, GS-TS Cao Cự Bội cũng đồng tình, việc "chạy" từ lạm phát sang thiểu phát đối với một nền kinh tế đang phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng là điều đáng sợ, bởi nó sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế.

GS Bội cũng cho rằng, đối với việc kiềm chế lạm phát hiện nay, cần phải luôn luôn thường trực đề phòng thiểu phát nếu muốn giữ được mức tăng trưởng. GS Bội cho rằng, "thiểu phát đối với nền kinh tế của VN mang tính tâm lý nhiều hơn".

Các DN thép phải kiềm chế sản xuất, một loạt DN buộc phải ngừng hoạt động và đóng cửa.


DN "một cổ hai tròng"

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, mặc dù diễn biến kinh tế từ đầu năm tới nay có những điểm khác nhau, nhưng đối với DN khó khăn từ đầu năm tới giờ không những không giảm, mà còn tăng lên theo hướng dồn dập.

Theo phân tích của ông Cung, các DN đang phải chịu hai tầng khó khăn. Đó là khó khăn do lạm phát chưa giải quyết được thì khó khăn do thiểu phát lại chồng lên. DN hiện phải chịu thiệt khi chi phí đầu vào cao, nhưng đầu ra lại thấp hoặc không bán được hàng.

Ông Đinh Huy Tam - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN - cho biết, thời gian qua, sản xuất của các DN đã "nguội" đi cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ. Hiện nay, với mức lãi suất đã được coi là hạ thấp thì mức cho vay vẫn là 16-18%/năm.

Theo dẫn chứng của Chủ tịch Hiệp hội Thép, thời gian qua, tiêu thụ thép chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình. Nếu trước đây, tiêu thụ thép xây dựng là 330.000 tấn/tháng thì hiện nay chỉ còn 100.000-110.000 tấn/tháng. Hầu như tất cả các DN trong hiệp hội phải kiềm chế sản xuất, một loạt DN buộc phải ngừng hoạt động và đóng cửa.

"Nếu tình hình không sớm được cải thiện, sẽ có một lọat DN phá sản, trong đó ngành thép cũng không loại trừ" - ông Tam nói.

Theo báo cáo của TCty Máy và thiết bị công nghiệp, mặc dù lường trước được những khó khăn, TCty đã đẩy mạnh việc thu hồi công nợ, nhất là nợ khó đòi, đồng thời mua dự trữ nguyên vật liệu.

Tuy nhiên, theo dự kiến, đến cuối năm giá trị sản xuất công nghiệp của TCty chỉ đạt 94% kế hoạch năm, doanh thu đạt 95% kế hoạch và sản xuất công nghiệp chỉ đạt 90,9% kế hoạch năm 2008. Kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khó khăn do chính sách tín dụng thắt chặt của các NH. Kim ngạch xuất khẩu của đơn vị này dự kiến có thể hoàn thành kế hoạch, nhưng kim ngạch nhập khẩu có thể sẽ không hoàn thành chỉ tiêu.

TS Cung cho rằng, hiện nay ổn định kinh tế vĩ mô cần phải được ưu tiên. Giảm tăng trưởng lạm phát, nhưng cũng nên có mức độ. Đi đôi với đó là cần cung tiền ra thị trường. "Khi DN bị hai tầng khó khăn như thế, NH cũng thận trọng hơn khi cho vay" - TS Cung nói.

Nói như GS-TS Cao Cự Bội - Trường ĐH Kinh tế quốc dân: "Phải mất vài chục năm mới xây dựng và hình thành nên mấy chục vạn DN, nay nếu vì không có vốn mà sụp đổ thì hệ lụy sẽ tai hại tới cả nền kinh tế quốc dân, có khi phải mất tới vài thập kỷ nữa mới có thể hồi phục được. Tất nhiên, kèm theo đó, sẽ không có tăng trưởng như mong muốn".

"Do đó, các chính sách cần tính toán kỹ và tránh can thiệp của cơ chế hành chính" - TS Cung kết luận.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường