Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dò dẫm tìm mô hình nông thôn mới
24 | 10 | 2008
Khi mô hình thí điểm về nông thôn mới cấp xã còn dở dang, Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai thí điểm ở cấp thôn, bản từ năm 2006. Sơ kết hai năm thực hiện, kết quả Bộ vẫn loay hoay tìm phương pháp, tiêu chí và cơ chế cho mô hình mới.
Hình ảnh còn mờ ảo

TS. Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (IPSARD) - đơn vị được giao tư vấn trực tiếp xây dựng mô hình tại Nam Định - kể lại, ông và đồng nghiệp phải mất một thời gian để dò dẫm, tìm phương pháp, xác định tiêu chí, cách thử nghiệm và phác thảo về tương lai mô hình nông thôn mới. "Sức ép từ Viện và quá trình triển khai thực tế mới giúp chúng tôi hình thành rõ hơn mô hình về nông thôn mới là như thế nào", ông nói.

TS. Bình cho rằng, khó nhất là làm thế nào hình dung được phương pháp thực hiện vì ngay cả khái niệm nông thôn mới cũng không đơn giản, không có sẵn. Lý luận về nông thôn cũng bắt nguồn từ thực tiễn tổng kết nên đòi hỏi vừa làm thực địa, vừa phải khái niệm lên. Hơn nữa, cần hỗ trợ người dân ra sao để họ thực sự làm chủ, tự làm, kể cả khi không có sự trợ giúp.

Kết quả ban đầu cho thấy, bộ mặt các thôn, bản được thí điểm đã có chuyển biến rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Hà, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Phát triển nông thôn mới thôn Hạ, xã Đôn Nhân, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), khoe rằng cán bộ và người dân ở đây đã dần dần hình thành khái niệm về một nông thôn mới.

"Việc xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hoá ở thôn... nhanh chóng được tiến hành khi có sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân. Thôn tôi ai cũng phấn khởi". Ông mong đã làm điểm thì phải làm cho tốt.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai mô hình nông thôn cấp xã ở khoảng 200 xã điểm (triển khai năm 2000), chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản lần này được Bộ NN-PTNT triển khai tại 10 tỉnh trên cả nước với 1-2 thôn, bản đại diện.

TIN LIÊN QUAN

Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (IPSARD - Bộ NN-PTNT) là hai cơ quan chính được giao thực hiện hướng dẫn thử nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới tại 8 điểm, bắt đầu từ năm 2007 và 3 điểm từ năm 2008.

Đến nay, tổng kinh phí thực hiện hơn 10 tỷ đồng (trong đó NSNN hỗ trợ 6 tỷ đồng, địa phương 1,8 tỷ đồng và người dân 2,3 tỷ đồng), đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chung của cộng đồng như đường giao thông, nhà văn hoá, nhà trẻ, khu vui chơi, sân vận động... hay cải thiện nhà ở (nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước... ). Đồng thời, hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.


Nhận thức vẫn là trở ngại

Ngay trong quá trình thí điểm xây dựng nông thôn mới đã bộc lộ nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chi cho biết, vấn đề đầu tiên là nhận thức của người dân. Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp của Bộ tạm đưa khái niệm "nông thôn mới là đổi mới tư duy" và "nội lực cộng đồng", khi ông xuống địa phương, bà con không hiểu. Thậm chí, cán bộ tư vấn xây dựng mô hình hiểu về thực tế nông thôn cũng rất ít.

"Văn bản, chính sách của Bộ chưa rõ ràng nên nông dân thì thắc mắc, tư vấn thì lúng túng", ông Chi nhận xét.

Trên thực tế, chính quyền địa phương hầu như “khoán trắng” việc xây dựng nông thôn mới cho ngành nông nghiệp. Vai trò của chính quyền huyện, xã nhiều nơi còn mờ nhạt, gần như không phối hợp với đơn vị tư vấn. Bản thân các mô hình thí điểm được chọn ở phía Bắc cũng là nơi có nhiều ưu điểm, ít tệ nạn xã hội.

Đại diện Sở NN-PTNT Hà Tĩnh thì phàn nàn, kế hoạch phát triển thôn do cơ quan tư vấn của Bộ thực hiện chậm và chưa thực sự phù hợp. Thực tế, chỉ có 2 mô hình điểm ở Nam Định xây dựng được kế hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020, còn lại chỉ liệt kê đầu mục công việc nên đến khi triển khai khó định lượng, tính toán kinh phí cũng như thời gian hoàn thành. Rất nhiều tỉnh kêu ca về tình trạng thủ tục thanh toán kinh phí rất rườm rà, không thống nhất, áp dụng tuỳ tiện.

Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản được triển khai theo QĐ 2614 ngày 8/9/2006 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhằm ưu tiên chỉnh trang bộ mặt thôn, bản; cải thiện môi trường sống trực tiếp cho người dân; xây dựng phương án phát triển sản xuất một số sản phẩm hàng hoá có lợi thế; xây dựng quy chế dân chủ, hương ước.
11 tỉnh có thôn, bản được chọn là Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Quảng Ninh, Nghệ An và Quảng Ngãi.

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn Tăng Minh Lộc cho biết, nhiều nơi đang nhầm lẫn đề án xây dựng nông thôn mới là Nhà nước cấp tiền còn cộng đồng thôn, bản có quyền quyết định việc sử dụng số tiền đó mà chính quyền không được can thiệp.

Ngược lại, cũng có địa phương lại chưa thực sự giao quyền tự chủ cho cộng đồng thôn bản, khiến việc triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới diễn ra chậm chạp, thiếu hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng thừa nhận, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là sự lúng túng của ngành nông nghiệp cũng như các địa phương khi xác định tiêu chí, mục tiêu cụ thể cần đạt được trong quá trình xây dựng mô hình nông thôn mới.

Đến nay, ngành mới xây dựng ý tưởng, quan niệm mới về nông thôn mới ở Việt Nam chứ chưa có một hình ảnh cụ thể về nông thôn mới.

Thời gian thí điểm cũng không thể kéo dài, nhất là khi ngành phải chuẩn bị triển khai Nghị quyết TƯ 7 về tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), đích cuối cùng là đến 2020 nông thôn Việt Nam trở thành nông thôn hiện đại. Theo Thứ trưởng Hùng, chỉ còn khoảng 2 năm để xây dựng mô hình, từ đó rút ra cái được và chưa được để bổ sung.

"Vấn đề xây dựng nông thôn mới không dễ dàng" - TS. Nguyễn Trọng Bình đúc kết. Theo ông Bình, phát triển nông thôn trên tiến trình lịch sử, hàng nghìn năm, chứ không chỉ giai đoạn này. Do đó, xây dựng nông thôn dựa trên cái nền lịch sử của từng thôn, bản mà họ trải qua. Việc đưa ra mô hình nông thôn mới chỉ là hỗ trợ cộng đồng tiếp nối cho giai đoạn mới.



Hà Yên - VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường