Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng nông thôn mới, không phải cứ rót tiền là có!
07 | 08 | 2009
Ban Bí thư Trung ương Đảng đang rốt ráo chỉ đạo xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Minh Lộc - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT về vấn đề này.


-Lâu nay người ta vẫn đi tìm kiếm hình bóng, cũng như cái "chất" của mô hình nông thôn mới cần hướng tới. Vậy đặc trưng của nông thôn mới là gì, thưa ông?

Nghị quyết 26/TƯ của Ban Chấp hành TƯ khoá X, đã xác định được tính chất- có thể gọi là cái "xương sống" của nông thôn mới thời kỳ CNH – HĐH, có thể tóm tắt với 5 đặc trưng cơ bản sau: Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn tăng nhanh (đến 2020 gấp 2- 3 lần hiện nay); Hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; Môi trường xanh, sạch, đẹp; Bản sắc dân tộc được bảo tồn và phát huy; Trình độ người dân được nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố.

Chính phủ cũng đã ban hành bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới gồm 19 tiêu chí để cụ thể hoá các đặc tính trên. Việc xây dựng 11 mô hình thí điểm nông thôn mới cũng căn cứ vào 19 tiêu chí này.

-Mô hình nông thôn mới lần trước ở 18 xã ông đánh giá ra sao- thành công hay thất bại? Còn mô hình nông thôn mới lần này có gì khác lần trước?

Có thể thấy những mô hình trước chưa chú trọng đến quy hoạch, quy chuẩn, nặng về đầu tư hạ tầng mà ít chú ý đến các lĩnh vực khác, chưa coi trọng phát huy nội lực của người dân trong bàn bạc, lựa chọn quyết định các vấn đề ở nơi họ sống.

Chương trình nông thôn mới lần này rút từ bài học kinh nghiệm đó và tìm cách khắc phục nhược điểm này theo phương châm: “Nhà nước ban hành các quy chuẩn và hướng dẫn cho xã làm quy hoạch, tự lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí và tự bàn bạc xác định nội dung nào cần làm trước, vốn lấy ở đâu, làm thế nào...”

-Ông có thể nói cụ thể về đợt thử nghiệm 11 mô hình lần này?

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo lấy 11 xã đại diện cho các vùng sinh thái trong cả nước làm điểm với mục đích là tạo ra mô hình thực tiễn về nông thôn mới thời kỳ CNH – HĐH (có thể gọi là mô hình vật chất). Qua đó xác định rõ hơn nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách phù hợp, trách nhiệm từng cấp trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng về sau.

-Nhiều người nhất là cán bộ cơ sở luôn có suy nghĩ- xây dựng nông thôn mới là Nhà nước cho tất tiền, làm tuốt từ đầu đến cuối. Đại khái giống như xây xong một ngôi nhà, lại sắm sửa đầy đủ đồ đạc, người dân chỉ việc vào ở. Ông thấy thế nào?

Không phải thế, suy nghĩ như vậy sẽ nảy sinh tâm lý làm thay và dựa dẫm. Vốn xây dựng nông thôn mới gồm nhiều nguồn: nhà nước hỗ trợ, nông dân đóng góp, hỗ trợ từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Chỉ riêng nguồn người dân đóng góp cũng rất đa dạng- không chỉ bằng tiền mà cả bằng công sức, trí tuệ. Tôi nói ví dụ việc cải tạo lại nhà ở, bố trí lại khuôn viên nơi ở, cải tạo vườn, ao, chuồng, tường rào, cổng ngõ, rãnh tiêu thoát nước, công trình vệ sinh…đảm bảo sạch sẽ ăn ở văn minh, giữ được bản sắc văn hoá dân tộc thì người dân phải làm là chính. Ai hiểu ngôi nhà của anh hơn anh. Vậy thì anh trực tiếp sửa chữa, quy hoạch, bố trí lại ngôi nhà cho hợp với mình, với phong tục tập quán địa phương. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần để thúc đẩy thôi, Nhà nước đâu có làm thay cho anh được.

-Tại sao lần này Trung ương lại chọn 11 xã để làm điểm?

Có lý do chọn cả đấy. Các xã này đều là xã trung bình khá đại diện cho mỗi vùng và đặc biệt phải có đội ngũ cán bộ cơ sở nhiệt tình, có trách nhiệm. Không lấy xã yếu làm điểm vì thời gian làm thí điểm chỉ từ nay đến tháng 6/2011 đã phải tổng kết nên làm ở xã yếu không làm bật được những đặc tính cần quan sát, rút kinh nghiệm.

Đây chỉ là kết thúc giai đoạn thử nghiệm thôi chứ không phải xây dựng xong hoàn chỉnh nông thôn mới ở 11 xã này, các xã sau đó vẫn phải tiếp tục thực hiện đến khi đạt đủ 19 tiêu chí.

-Ông là người theo đuổi mô hình nông thôn mới đã lâu. Xin hỏi thật ông vấn đề khó nhất khi triển khai mô hình này là gì?

Theo tôi khó nhất là khâu làm chuyển biến nhận thức cho cán bộ cơ sở và người dân nông thôn, làm cho họ hiểu sâu yêu cầu và nội dung của xây dựng nông thôn mới, khát vọng về một cuộc sống tốt hơn và phải dựa vào mình là chính thì mới chủ động tự giác tham gia và mới sáng tạo trong cách làm. Đây là một quá trình dài, không chỉ một sớm, một chiều.

Thứ hai là vấn đề vốn: Nhu cầu vốn để đạt 19 tiêu chí là rất lớn, nhất là các xã miền núi phía Bắc và ĐBSCL. Ngay cả nhiều xã đồng bằng tuy đã ở mức phát triển nhưng so với chuẩn thì vẫn còn nhiều mặt chưa đạt. Chúng ta dựa vào nhiều nguồn vốn, trong đó vốn ngân sách đóng vai trò quan trọng nhưng nguồn này có hạn, dựa vào nội lực nhưng dân còn nghèo, tích luỹ ít. Vì vậy, không thể có nhiều vốn để làm trong thời gian ngắn. Cả nước phấn đấu đến 2020 đạt 50% số xã nông thôn mới cũng là vất vả lắm rồi.

Xin cảm ơn ông!



Theo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường