Thất vọng !
Cầm 19 triệu đồng tiền hỗ trợ gần 4 sào ruộng đang canh tác vào cuối năm 2005, bà Ngô Thị Hưng (thôn Hoàng Sơn, xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều) cảm thấy hụt hẫng....
Bà có 5 người con, 2 con trai làm lái tàu du lịch ở Bãi Cháy, còn lại các con gái, con dâu ở nhà tăng gia cầy cấy. Trước đây, ngoài 4 sào ruộng, ông bà và các con còn nhận thầu đất ruộng trồng rau của Xí nghiệp trại lợn Phạm Hồng Thái. Nhưng từ ngày Xí nghiệp chuyển nhượng đất cho Công ty Thần Nông Minh Châu, thì tất cả những thửa ruộng trồng lúa, trồng rau trên đều phải bàn giao lại cho doanh nghiệp mới đến. “Lúc đầu chúng tôi rất lo lắng. Sau mấy cuộc họp thôn, chúng tôi được thông báo là doanh nghiệp sẽ nhận những lao động ở gia đình có ruộng nằm trong dự án vào làm việc. Vậy là chúng tôi cũng đỡ lo phần nào” - bà Hưng kể lại.
Chẳng bao lâu sau khi hơn 100 hộ dân ở đây nhận được số tiền hỗ trợ đất (ruộng loại Iđược 4,1 triệu đồng/sào), những thửa ruộng của làng quê nghèo Hoàng Sơn đã dần dần bị san lấp để xây dựng nhà máy. Dù cho những vụ lúa ngày càng thất thu, có vụ 1 sào ruộng chỉ gặt được tối đa 80 kg thóc, thì bà Hưng và người dân thôn Hoàng Sơn vẫn cảm thấy như vừa bán rẻ đi một đồ vật gì gắn bó lắm. “Thôi thì thời đại công nghiệp hoá, Nhà nước thấy mình trồng lúa không năng suất thì chuyển đổi công việc cho bà con. Mới lại lớp trẻ bây giờ chúng nó cũng chẳng thiết tha gì làm ruộng nữa” – bà Hưng vừa nói vừa nhìn ra bãi đất được vây kín bằng hàng rào thép gai, nơi mà trước kia là những thửa ruộng mà ông bà đã gò lưng phát bờ cuốc góc.
Rồi nhà máy sản xuất phân bón của Công ty Thần Nông Minh Châu mọc lên, dù khá rộng rãi và khang trang, song nó vẫn lọt thỏm giữa hàng ngàn m2 đất bãi. Quên đi nỗi buồn nhà nông không ruộng, bà Hưng cùng bà con thôn Hoàng Sơn khấp khởi hy vọng,đợi chờ được nhìn thấy con cháu mình làm việc trong môi trường mới công nghiệp. Cũng như nhiều lao động khác trong thôn, con gái và con dâu bà nộp hồ sơ xin vào làm công nhân tại nhà máy. Đợi mãi không thấy Công ty trả lời, bà Hưng đành đến tìm gặp lãnh đạo, trình bày hoàn cảnh khó khăn của các con, mong được Công ty tiếp nhận. 1 tháng sau, con dâu của bà được tiếp nhận vào làm việc, còn con gái thì không đủ tiêu chuẩn. Cả thôn có hơn 100 hộ có ruộng phải bàn giao, mà chỉ có 5 người được nhận vào làm việc trong nhà máy. Nhưng mới làm được hơn 1 tháng, chị Nguyễn Thị Ánh, con dâu bà đã phải nghỉ việc, vì cả tổ hơn ba chục công nhân bỏ làm để phản đối nhà máy chậm chi trả tiền lương. Thất vọng, bà Hưng vẫn cố khuyên con: “Thôi thì đàn bà con gái ở làng này hầu như thất nghiệp cả, chẳng riêng gì mình...”.
Thế là mẹ con bà Hưng lại quanh quẩn vườn tược, lợn gà, trong hoàn cảnh không còn đất sản xuất...
Tự tìm việc làm...
Mới 30 tuổi mà chị Đặng Thị Hoa ở đội 3, thôn Kim Sen, xã Kim Sơn (Đông Triều) trông như ngoài 40. Chẳng già sao được khi mà 2/3 số tuổi trên chị lam lũ ngoài đồng ruộng. Hết chăn trâu, cắt cỏ lại cày bừa, cấy hái, quanh năm suốt tháng chẳng lúc nào được rảnh rỗi. Nhưng đó là cái thời trước, cái thời chỉ cách đây mấy năm theo như lời chị kể. Còn giờ đây, chị chỉ quanh quẩn ở nhà làm vài việc lặt vặt. “Nhà nông có bao giờ hết việc đâu. Nhưng từ ngày giao ruộng cho khu công nghiệp chúng em cũng đỡ bận đi nhiều” – Chị Hoa tâm sự.
|
Những thửa đất ở thôn Thọ Sơn (xã Yên Thọ, Đông Triều) đang dần bị thu hẹp, nhường đất cho các dự án khu công nghiệp. |
Kim Sơn là một xã có nhiều dự án xây dựng cụm công nghiệp nhất ở Đông Triều. Và như vậy, nó cũng đồng nghĩa với việc người dân nơi đây bị mất đất ruộng nhiều hơn các nơi khác. Nhà chị Hoa chỉ có hơn 2 sào ruộng khoán, tuy vậy cũng đủ để 4 khẩu trong gia đình không phải đi đong thêm gạo. “Chỉ có điều là không có tiền để cải thiện đời sống khá hơn” – Chị vừa nói vừa lau những cái chén vỡ quai để rót nước mời khách. “Tại sao chị không xin vào làm trong nhà máy tại cụm công nghiệp Kim Sơn?”. Chị cười gượng: “Trước đây em có làm công nhân ở Nhà máy sản xuất bao bì, nhưng vì công việc quá vất vả, độc hại, lương lại thấp nên nhà em bảo nghỉ”. Chị Hoa kể cho chúng tôi thêm vài trường hợp lao động ở làng cũng nghỉ việc sau khi đi làm được một thời gian ngắn. Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi những chị em thôn quê đã quen nghề đồng áng như chị Hoa, nếu không được đào tạo nghề phù hợp với công việc mới, thì rồi không tự bỏ việc cũng bị nhà máy sa thải.Từ ngày giao ruộng, vợ chồng chị Hoa xoay sang làm đầm nuôi cá. Số tiền hỗ trợ, cộng thêm vay mượn được hơn 30 triệu đồng anh chị dồn hết vào đầu tư cho ao chuôm, con giống. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu vốn liếng, bao nhiêu đợi chờ, cuối cùng... cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Sau mới biết là vì bụi than ở các cảng than tư nhân làm ô nhiễm nguồn nước nuôi...
Bỏ lại cái đầm hoang, anh chồng chị Hoa “vác” hồ sơ lên Công ty Than Mạo Khê xin việc. “Đàn ông ở làng này đi làm kiếm tiền cả, mình ở nhà sao đặng...” – Anh nói với chị trong những lần vợ chồng bàn tính kế sinh nhai. Rồi mấy hôm sau, chị lại thấy anh lầm lũi mang hồ sơ về, nói là: “Người ta không nhận vì mình đã quá 35 tuổi”. Chẳng biết làm gì khác, anh đành ra cảng xúc than thuê, làm việc cật lực, mỗi tháng cũng đem về cho vợ được đôi triệu.
Anh chồng chị Hoa tạm bằng lòng với công việc hiện tại của mình dù là vất vả. Còn chị Hoa hàng ngày chuẩn bị những bữa cơm đạm bạc đợi chồng về, ngày nào thấy mặt anh sạch sẽ thì biết là hôm ấy anh ít việc....
Và mong ước
Giữa buổi trưa nắng gắt, cái thôn Gia Mô, xã Kim Sơn - nơi ông Nguyễn Văn Chiểu, 72 tuổi trông thật hiu quạnh. Căn nhà của 2 ông bà càng trở nên rộng rãi, trống vắng hơn khi tất cả những người con đều đi làm ăn nơi khác. Một mình bà lụi cụi dưới bếp chuẩn bị qua quýt cho bữa trưa, còn ông Chiểu ngồi lặng im nhìn ra ngoài cửa sổ. Hầu như lúc nào ông cũng ngồi chỗ ấy, bên cạnh chiếc điếu bát đã ngả mầu.
Cũng là hộ vừa giao ruộng cho cụm công nghiệp Kim Sơn, nhưng ông bà Chiểu chẳng đòi hỏi gì cho bản thân. Ông nói: “Chúng tôi già rồi cũng không làm ruộng được nữa, chỉ mong cho con cháu có việc làm ổn định tại quê hương, sớm hôm được quây quần bên ông bà, bố mẹ”. Được gần con cháu là ước nguyện của bất cứ người già nào, nhưng điều đó quả thật khó khăn đối với ông bà Chiểu: “Không phải chúng nó muốn xa bố mẹ, mà vì cuộc sống, tất cả các con tôi lần lượt phải đi xa làm ăn. Nếu làm việc ở các nhà máy này, lương 1 tháng chỉ 7 đến 8 trăm ngàn đồng, chúng nó không thể sống nổi”.
Ông Chiểu chỉ tay ra thửa ruộng còn lại của ông bà trước cửa, nay đã cho mượn, nói: “Nghe bảo họ cũng sắp lấy nốt những đám ruộng kia để xây dựngnhà chung cư”. Mỗi lúc nghe có dự án mới, ông Chiểu lạilo lắng: “Chẳng biết rồi khi hết ruộng, người nông dân sẽ làm gì để sinh sống?”.
Nếu không có gì thay đổi, chẳng riêng gì ông Chiểu mà phần lớn các gia đình ởl àng quê có dự án “chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp”, lại phải chứng kiến những người con, người chồng của mình xa quê kiếm sống. Họ chẳng mong ước cao xa, chỉ mong có việc làm và thu nhập ổn định, ngay tại nơi ngày xưa là ruộng đồng mà mồ hôi họ đã rơi xuống.
Tin, bài liên quan:
Khi nhà nông không được làm nông dân
Nhà nông hậu giải phóng mặt bằng