Theo số liệu cuộc khảo sát nằm trong dự án do Liên hiệp các Hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam và tổ chức CARE quốc tế (tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam) tại 4 xã: Bình Hẻm, Yên Phú (Lạc Sơn, Hoà Bình) và Nguyên Giáp, Hà Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bình quân khoảng 2.700m2/hộ; khoảng 400-700m2/người. Với diện tích đó, chỉ cần 1 lao động chính đảm nhận và cũng chỉ mất 3-4 tháng tập trung vào thời kỳ gieo cấy và thu hoạch. Thời gian còn lại, nông dân không có việc làm. Với năng suất lúa và hoa màu hiện tại, thu nhập bình quân chỉ đạt 4,8 - 5 triệu đồng/hộ/năm; thậm chí có nơi chỉ khoảng 2,3-2,5 triệu đồng/hộ/năm; tính theo khẩu tương đương 600.000-1.200.000 đ/người/năm, chưa đạt chuẩn nghèo. Ngày nay, nông dân ở nhiều nơi coi việc làm ruộng chỉ để lấy lương thực ăn. Việc chi tiêu, con cái học hành... họ trông mong vào khoản thu nhập khác. Cuộc khảo sát này cũng cho kết quả: có tới 84,04% số hộ có người đi làm thuê; thậm chí trong những hộ nghèo, số người đi làm thuê lên tới 94,44%. Đối với nông dân, hiện nay, nghề nghiệp và thu nhập chính của họ là nông nghiệp và đi làm thuê.
"Phụ nữ hoá nông nghiệp, lão hoá nông thôn"
Phong trào ly hương tìm kiếm việc làm dẫn đến tình trạng "phụ nữ hoá nông nghiệp", "lão hoá nông thôn". 64,19% nam giới tại các xã được khảo sát đi làm thuê; lực lượng lao động đồng áng là phụ nữ, làng quê chỉ còn cụ già và trẻ em. Cán bộ UBND xã Nghi Hoa (Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, hàng tháng phải làm thủ tục giấy tờ, chuyển đăng ký tạm trú, tạm vắng cho 30-40 nam giới - chủ yếu là thanh niên đi làm thuê ở các tỉnh, thành phía Nam. Hỏi một thanh niên trong số những người ly hương, được trả lời: "Nếu không rời làng đi làm thuê thì biết làm gì, ở nhà đào đâu ra việc?". Xã Đông Phương (Đông Hưng, Thái Bình) có khoảng 4.400 lao động, thì hơn 2.000 lao động đi làm thuê từ Bắc vào Nam.
Ở những vùng thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, "công nghiệp về làng" đã lấy mất nhiều "bờ xôi, ruộng mật" ven đường giao thông lớn để chuyển nhượng cho các doanh nghiệp. Tại đây, nam nữ thanh niên thích vào làm trong các nhà máy, kể cả công nhân may mặc lương tháng chỉ 400.000-500.000đ, ruộng đất giao lại cho người già. Người già ngày nay cũng không còn chú ý làm ruộng như trước. Bởi giá cả vật tư tăng cao, trong lúc giá lúa và các loại nông sản tăng không đáng kể. Ông Phạm Bá Từ ở thôn Trung Xá, xã Đông Phương (Đông Hưng, Thái Bình) tính toán chi li: làm 1 sào ruộng hết 250.000 đ phân bón, 100.000 đ thuốc trừ sâu... Được mùa, thu 2 tạ thóc khoảng 480.000 đồng, trừ chi phí, đóng thuỷ lợi phí 30.000đ, còn lại chỉ được 100.000đ. Một người làm 1,3 sào ruộng, 1 vụ (180 ngày) được lãi 130.000đ. Đây là lý do khiến nông dân Thái Bình và nhiều tỉnh khác ở đồng bằng sông Hồng chán ruộng. Đấy là chưa nói tới chuyện nhiều khu, cụm công nghiệp mọc lên nhưng rồi để trống hoặc diện tích lấp đầy chưa tới một nửa. Nông dân nhìn đất mà xót xa.
Suy nghĩ về chính sách đối với nông dân
Theo điều tra của bộ môn Hệ thống nông nghiệp (Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam), phương thức sản xuất chủ yếu của các hộ nông dân ở đồng bằng sông Hồng vẫn mang tính tự cung, tự cấp. Ruộng đất đã ít lại manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, độ rủi ro cao. Mấy năm qua, chúng ta hô hào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng muốn chuyển đổi được cũng không phải dễ vì phải có vốn, phải có tri thức và điều kiện. Mặt khác, việc chuyển đổi phụ thuộc vào đầu ra: thị trường và giá cả, trong khi đầu ra hàng hoá nông sản, thuỷ sản của ta cứ lên xuống phập phù.
Sau 20 năm đổi mới, cuộc sống nông dân đã có những đổi thay, nhưng khoảng cách giàu-nghèo, thành thị và nông thôn ngày một doãng ra. Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, khoảng cách này có nguy cơ gia tăng. Muốn rút ngắn khoảng cách đó, trước hết, phải tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng bằng cách nào? Theo giáo sư, viện sĩ Đào Thế Tuấn trong công trình: "Cơ sở khoa học của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn lưu vực sông Hồng" được giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ năm 2005, trước hết, phải tạo điều kiện cho nông dân tự liên kết với nhau. Trên cơ sở liên kết, xây dựng thành những HTX tự nguyện, kiểu mới để sản xuất ra hàng hoá. Việc nông dân hợp tác với nhau để tham gia thị trường sẽ tăng khả năng mặc cả của nông dân và tránh được tình trạng độc quyền trong thị trường. Cùng với nhà nông phát huy nội lực, Nhà nước cần tăng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nhất là đầu tư vào hạ tầng, cơ sở chế biến nông sản, phát triển mạnh hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ ở nông thôn; hạn chế sự đóng góp của nông dân bằng cơ chế, chính sách; phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất bằng cách dồn điền, đổi thửa và cho thuê lại... Nếu không giải quyết được những vấn đề này, khoảng cách giàu-nghèo, thành thị và nông thôn sẽ ngày càng lớn. Sẽ là nguy hiểm nếu để nông dân thất nghiệp trở thành người đứng bên rìa hoặc trở thành nạn nhân của tiến trình hội nhập./.