Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khủng hoảng lương thực là cơ hội để nông nghiệp VN phát triển
14 | 07 | 2008
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị trung ương Đảng lần thứ 7. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hội khoa học phát triển nông thôn, nguyên viện trưởng Viện khoa học nông nghiệp VN về chủ đề này.
- Sau hơn 20 năm đổi mới, ông đánh giá thế nào về nền nông nghiệp VN?

- Sau đổi mới, nền nông nghiệp nước ta có bước tiến vượt bậc. Trước đây ta chưa bao giờ nghĩ sản xuất đủ ăn, vậy mà bây giờ không chỉ đủ cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu được gạo và một loạt mặt hàng như cà phê, cao su, hạt điều... Các nước châu Phi đang nhờ ta giúp đỡ để phát triển sản xuất lương thực. Đây thực sự là cơ hội tốt, giúp VN trở thành một cường quốc nông nghiệp.

Tuy nhiên, nông nghiệp VN còn đối mặt với nhiều thách thức, như quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động và chất lượng nông sản thấp; diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần; sự di cư ra thành thị đang khiến lao động nông nghiệp thiếu nghiêm trọng... Tất cả những yếu tố này sẽ đe dọa tới an ninh lương thực và thực phẩm của VN.

- Vậy đời sống nông dân đã thay đổi thế nào?

- Người ta cứ nghĩ đổi mới làm cho nông nghiệp phát triển tốt thì đời sống nông dân cũng tốt theo. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế các vùng thì thấy vùng phát triển mạnh nhất về nông nghiệp, mang lại cho nhà nước nhiều đôla nhất là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên thì lại lạc hậu nhất về giáo dục, y tế. Tỷ lệ học sinh đi học ở đồng bằng sông Cửu Long còn thua cả miền núi phía bắc.

Ở các nước phát triển, một nông dân nuôi được 5 người. Còn ở ta, thu nhập của nông dân rất thấp, theo tính toán, khoảng cách giữa thu nhập của người thành thị và nông thôn của VN là trên 3 lần. Hiện, nhiều thanh niên nông thôn bỏ ruộng đi làm ăn xa, làng quê chỉ còn phụ nữ. Ngay vựa lúa Thái Bình, nhiều phụ nữ cũng không còn làm ruộng mà đi thuê người. Tiền thuê đắt hơn tiền tự làm, nhưng vẫn phải thuê vì không có người làm và quan trọng là để giữ đất.

Thu nhập của người nông dân chủ yếu trông vào vụ mùa.. Ảnh: Hoàng Hà.
- Thưa ông, tại sao lại có nghịch lý nông nghiệp phát triển, còn sự cải thiện của nông dân lại không tương xứng?

- Thị trường nông sản của ta chủ yếu dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp. Doanh nghiệp giữ vai trò độc quyền về chế biến và lưu thông. Nông dân không có quyền mặc cả và vì thế hay bị ép giá. Trong khi đó, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng. Cuối cùng thu lời của nông dân còn lại rất ít, thậm chí lỗ nặng vì sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thời tiết, dịch bệnh.

Một lý do khác, diện tích đất của VN tính trên đầu người thuộc diện thấp. Đất nông nghiệp lại càng ít, nhưng đã và đang bị chuyển đổi một cách thiếu kiểm soát chặt chẽ do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Nông dân sống bằng đất nông nghiệp, nhưng nay không còn, hoặc còn rất ít đất thì không thể sản xuất cho thu nhập cao được.

- Ông nhìn nhận thế nào về bộ mặt nông thôn sau đổi mới?

- Nông thôn đã có những thay đổi, nhưng phát triển chưa tương xứng với sự phát triển của nông nghiệp. Nông thôn còn tồn tại rất nhiều vấn đề như nghèo đói, ô nhiễm môi trường, thiếu hệ thống an sinh xã hội... Lý do là ta chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước kia chỉ là Bộ Nông nghiệp, quản lý vấn đề sản xuất nông nghiệp. Khi đổi mới, hai lĩnh vực sáp nhập, tuy nhiên, phần lớn cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều là kỹ thuật, không rành về nông thôn.

Ở các nước quy hoạch đô thị và nông thôn phải đi đôi với nhau, quy hoạch đô thị phải làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của nông thôn xung quanh. Còn ở ta Bộ Xây dựng quy hoạch đô thị, còn Bộ Nông nghiệp quy hoạch nông thôn. Thiếu một đầu mối thống nhất, chỉ chú trọng phát triển đô thị, không quan tâm đúng mức đến nông thôn như cách ta đang làm hiện nay sẽ làm tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Sự phát triển chung của đất nước vì thế mà thiếu bền vững.

- Theo ông, để giải quyết tốt vấn đề tam nông thì giải pháp đột phá là gì?

- Cuộc khủng khoảng lương thực thế giới là cơ hội để VN phát triển nông nghiệp và giải quyết vấn đề tam nông. Từ khủng hoảng, ta càng thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp và phải nỗ lực phát triển nó. Các nước phát triển đã thấy được điều này. Ví như hai nền công nghiệp lớn của thế giới cũng là hai nước xuất khẩu nông sản lớn nhất nhì thế giới, đó là Mỹ và Pháp.

Hiện đất sản xuất đã ít, lại bị chia nhỏ, không thể tập trung sản xuất quy mô lớn. Việc chuyển nông dân ra thành thị và khu công nghiệp cần phải có quy hoạch, có đào tạo, bố trí việc làm, không để họ ra đi tự phát như lâu nay.

Một giải pháp quan trọng là phát triển nông nghiệp phải đi đôi với phát triển nông thôn. Phát triển nông nghiệp nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, còn phát triển nông thôn gắn liền với nâng cao phúc lợi cho nông dân. Để làm được điều này, nhà nước cần có chính sách phát triển nông thôn toàn diện, không chỉ tập trung vào nông nghiệp, và không phải là việc riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cần xây dựng các hợp tác xã và tổ chức nghề nghiệp của nông dân, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội...


Liên hệ với người đăng tin này:

An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: Vnexpress.net
Báo cáo phân tích thị trường