Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lương thực thế giới tăng: Việt Nam làm gì?
14 | 03 | 2011
Bước sang năm 2011, chỉ số giá lương thực trên thế giới đã tăng 28,3% so với giữa năm 2010.

Theo tính toán của Liên hợp quốc, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Ngân hàng thế giới, hiện nay giá lương thực đã đạt mức kỷ lục và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Bước sang năm 2011, chỉ số giá lương thực trên thế giới đã tăng 28,3% so với giữa năm 2010, trong đó giá ngũ cốc tăng tới 44,1% đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực có thể đang đến gần.

Một loạt những diễn biến bất thường của khí hậu đã gây sức ép lên giá thực phẩm như hạn hán nghiêm trọng tại Nga, bão lụt tại úc, mùa đông lạnh giá tại Mỹ và lụt lội nhấn chìm những cánh đồng cọ tại Malaysia. Sự tăng giá nông sản lần này diễn ra cách chỉ ba năm sau lần khủng hoảng gần nhất vào năm 2008.

Tại Hội thảo “Tác động của việc tăng giá lương thực đến nền kinh tế và đời sống nông dân Việt Nam”, vừa diễn ra do Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, các chuyên gia đã nhận định: Tình hình giá lương thực tăng hiện nay không giống sự tăng giá của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008.

Tăng giá lương thực năm 2008 là do sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư, hiện tượng đầu cơ vào sản phẩm nông nghiệp của các nhà tài chính, thêm vào đó là tác động về mặt chính trị, sự thắt chặt chính sách xuất khẩu, hạn hán, mất mùa tại một số nước... Còn tại thời điểm hiện nay, giá lương thực tăng không phải là dấu hiệu bất thường, nguồn cung vẫn đảm bảo tốt, không có dấu hiệu đầu cơ, hay hạn chế xuất nhập khẩu. Sẽ không có khủng hoảng lương thực.

Thế giới đang cạn dần lương thực giá rẻ, nhưng vẫn rất dồi dào tiềm năng cung ứng lương thực, chỉ có điều những tiềm năng này chưa được khai thác. Hiện tượng thiếu hụt nguồn cung lương thực cục bộ hiện nay, bắt nguồn từ sai lầm của một số Chính phủ, các tổ chức phát triển và nhà tài trợ trong gần 3 thập kỷ qua trong việc giảm đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp.

Không chỉ lương thực, mà giá cà phê, ca cao, thủy sản, cao su và nhiều hàng nông sản khác đều có giá cao. Xuất khẩu nông sản sẽ đem về một nguồn tiền lớn hơn rất nhiều cho các nước xuất khẩu, đây là cơ hội tốt để tăng thu nhập cho nông dân và tái phân phối phúc lợi xã hội.

Hiện giá xuất khẩu gạo Việt Nam 5% tấm đã đạt 520 USD/tấn, cao hơn cùng thời điểm năm trước 80 USD. Theo dự báo, xuất khẩu gạo thế giới năm nay sẽ tăng hơn 15% so với năm trước và Việt Nam được dự báo sẽ chỉ xếp sau ấn Độ với mức tăng gần 38% so với năm 2010.

Tuy nhiên, ở Việt Nam không phải ai cũng có gạo để bán mà rất nhiều người phải mua gạo. Cho nên phải làm sao vừa hưởng được lợi từ giá đang tăng cho người sản xuất kinh doanh lúa, đặc biệt là nông dân vừa kiềm chế mức tăng giá cả thị trường trong nước. Vấn đề lâu dài là Việt Nam phải có chiến lược nông nghiệp mới để giúp nông dân vượt qua khó khăn và có điều kiện để tăng xuất khẩu gạo.

Theo Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, con đường bền vững để thoát khỏi đói nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn là dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế được dẫn dắt bởi năng xuất sản lượng nông nghiệp cao hơn, tiến trình di chuyển lao động chậm rãi từ trang trại sang nhà máy, và tăng trưởng của khu vực dịch vụ dựa trên tri thức và kỹ năng.

Còn theo các chuyên gia, hiện đang thực sự là thời điểm ổn định và thuận lợi cho những nhà làm chính sách hướng tới mục tiêu xa hơn, có cái nhìn dài hạn hơn. Việt Nam cần tập trung vào xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển máy móc công nghệ phục vụ nông nghiệp, phải hướng đến một chiến lược nông nghiệp có chất lượng nhất.

Đây là hướng đi hiệu quả, bới đầu tư cho nông nghiệp không quá đắt đỏ, bình quân cứ đầu tư 120 triệu USD từ nay đến năm 2020, sẽ giúp tăng năng suất và sản lượng lúa gạo thêm 8,5%...



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường