Nghịch lý tăng lương
Nhà nước vừa có quyết định nâng mức lương tối thiểu lên 450.000 đồng (từ ngày 1-10-2006) thay cho mức lương 350.000 đồng vừa thực thi được đúng một năm. Như vậy là chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm (từ ngày 1-1-2003), Nhà nước đã ba lần tăng lương tối thiểu, với mức tăng lương tổng cộng là 64%. So với tốc độ tăng trưởng GDP, rõ ràng mức tăng lương ở Việt Nam vượt xa giới hạn lý thuyết thông thường của kinh tế học. Về mặt thực tiễn, đây quả thực là một cố gắng phi thường của Nhà nước. Nó chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đến đời sống của người lao động.
Nhưng mặt khác, bằng tất cả kinh nghiệm sống, mọi người đều dễ nhận thấy rằng dù liên tục tăng lương và mức tăng lương là đáng kể, với mức lương tối thiểu 450.000 đồng, số tiền lương trung bình mà đa số người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước được nhận vẫn còn xa mới đạt tới trình độ “lương tối thiểu”, tức là số tiền công ngang giá với sức lao động trung bình mà C. Mác từng đề cập.
Tại sao lại có nghịch lý như vậy? Vì hai lẽ:
Một là lương của ta không phải là lương với đầy đủ nội dung và bản chất kinh tế (thị trường) của nó.
Hai là việc tăng lương ở nước ta cho đến nay về cơ bản vẫn chỉ là một thứ phản ứng tình thế, đối phó một cách bị động với lạm phát. Cuộc “chạy đua” theo lạm phát của lương diễn ra quyết liệt nhưng kết cục là lương ngày càng “tụt hậu” xa hơn so với mức giá. Mức “tụt hậu” này còn xa hơn nếu kể đến đòi hỏi của một mức sống ngày càng cao hơn đối với lương.
Vì vậy, cách tăng lương như vậy (không theo quy tắc của tiền lương vì lương không phải là lương theo đúng nghĩa) rõ ràng không thể giải quyết được vấn đề. Nó chỉ làm vấn đề trầm trọng hơn do ngày càng làm cho “lương” thoát ly xa hơn bản chất của nó.
Chúng ta đang cần một cuộc cải cách tiền lương theo đúng nghĩa chứ không phải cứ tiến hành cuộc rượt đuổi “ma ra tông” trường kỳ của lương với giá.
Bản chất của lương là gì?
Câu hỏi có vẻ quá thông thường, đơn giản. Nhưng mấu chốt của toàn bộ vấn đề tiền lương chính là ở chỗ có trả lời đúng câu hỏi này hay không.
Lương ở nước ta nói chung, trong khu vực nhà nước nói riêng, được coi là sản phẩm của quá trình phân phối, là phạm trù thuộc phân phối trong sự tách biệt (dù là tương đối) khỏi các khâu khác của quá trình tái sản xuất. Lương là hiện thân của việc thực hiện nguyên lý phân phối theo lao động. Bản chất hay nội dung chủ yếu của lương, trong quan niệm của chúng ta, là phân phối thu nhập, tức là phân phối của cải đã được tạo ra. Lương là phạm trù thuộc “đầu ra” của toàn bộ quá trình kinh tế (quá trình tái sản xuất). Nguyên lý chi phối hệ thống lương, về mặt lý thuyết và có tính lý tưởng, là phân phối công bằng. Điều này là đúng nhưng chưa đủ. Và mọi chuyện bắt đầu từ sự chưa đủ này.
Lương còn một khía cạnh bản chất khác, ít nhất cũng là không kém quan trọng hơn so với khía cạnh bản chất thứ nhất: Lương là phạm trù thuộc “đầu vào” của hoạt động kinh tế.
Triết lý về tiền lương không có gì khác hơn là thái độ đối với hai khía cạnh đó của lương: nghiêng về khía cạnh nào thì lương sẽ phát huy tác dụng như thế và do đó, sẽ gây ra những hệ lụy tương ứng. Tất nhiên, triết lý tiền lương không phải là một thứ sản phẩm chủ quan, tùy tiện của Nhà nước. Nó bị quy định bởi cấu trúc kinh tế - xã hội.
Lương không trả cho chỗ làm việc
Hiểu “lương là phạm trù thuộc đầu vào” như thế nào? Theo nghĩa này, lương là tiền được trả để mua một thứ đầu vào của mọi hoạt động kinh tế - là sức lao động. Thứ đầu vào này được mua để đáp ứng một việc, để hoàn thành một “sứ mệnh” kinh tế xác định trong quá trình tái sản xuất, với những yêu cầu về số lượng, chất lượng và thời hạn cụ thể, rõ ràng. Như vậy, bản chất của lương là trả cho việc và trả theo việc (tức là trả cho sản phẩm cuối cùng của quá trình tái sản xuất hay là sản phẩm được xã hội thừa nhận) chứ không phải là trả cho chỗ làm việc. Một công việc nào đó, khi hoàn thành và được xã hội thừa nhận, sẽ được xã hội trả cho một số tiền nhất định. Phần dành trả cho đầu vào sức lao động của công việc đó chính là tiền lương. Công việc không hoàn thành, sản phẩm không được xã hội thừa nhận thì đương nhiên xã hội sẽ không trả tiền. Đơn giá tiền lương là theo việc chứ không theo người.
Điều này cũng hoàn toàn đúng với việc xã hội đóng thuế cho Nhà nước (một kiểu xã hội cung cấp kinh phí - trả tiền) để Nhà nước thực hiện chức năng mà xã hội cần và giao phó cho Nhà nước đảm nhiệm. Logic này đúng cho cả việc Nhà nước (thay mặt xã hội) trả lương cho từng công chức nhà nước để họ hoàn thành chức năng cụ thể mà Nhà nước giao (thực ra là Nhà nước thay mặt xã hội giao cho họ). Quan hệ này cũng giống như việc xã hội (hay cá nhân trong xã hội) trả tiền cho bất cứ ai phục vụ mình một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó.
Yêu cầu mang tính nguyên tắc (triết lý) này không được phản ánh rõ trong khía cạnh “phân phối đầu ra” của lương. Trong khía cạnh này, quan hệ giữa lương và “đầu vào” không còn trực tiếp gắn với “lao động” mà bị “gián tiếp hóa” thông qua hàng loạt mối quan hệ kinh tế - xã hội khác. Đặc biệt, trong bối cảnh không đo trực tiếp được “lao động” thì dù có hô hào “phân phối theo lao động” to đến mức nào thì trả lương cũng không thể đáp ứng yêu cầu thứ hai nêu trên.
(Xem tiếp kỳ sau, trong đó tác giả mô tả đặc trưng của chế độ tiền lương hiện nay và đề ra giải pháp thay đổi chế độ tiền lương thay cho giải pháp tăng lương tình thế).