Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đời sống nông dân ngày càng khó khăn
12 | 06 | 2008
Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, sự nhường chỗ của đất nông nghiệp cho công nghiệp và quy hoạch ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế, đời sống người nông dân đang ngày càng khó khăn.
“Nhiều khi người nông dân nhận được tiền hỗ trợ khuyến nông rồi, nhưng trồng cây gì, nuôi con gì thì bà con còn mờ mịt lắm”.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nhận xét như vậy khi trình bày quan điểm của mình về thực trạng nông thôn ở ĐBSCL tại hội thảo “Một số vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Nam bộ” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn tổ chức sáng 9-6 tại TPHCM.

Ông Nhị cho rằng, trước tốc độ đô thị hóa quá nhanh, hàng chục ngàn héc ta đất nông nghiệp đang biến thành đất công nghiệp. Bên cạnh đó, việc quy hoạch và lập chiến lược ngành nông nghiệp còn thiếu tầm nhìn tổng quan, đang đẩy bộ mặt nông thôn và người nông dân ĐBSCL lâm dần vào cảnh khó khăn.


Hậu quả là những giá trị văn hóa tinh thần, nét sinh hoạt miền quê dân dã mang đậm chất Việt ngày càng bị chính những nông dân - những người dân quê chân lấm tay bùn một thời, quay lưng lại.

Thái độ của giới trẻ nông thôn trước những giá trị về văn hóa làng xã cũng đang dần thay đổi và tất yếu sẽ dẫn đến một xã hội nông thôn khác đi, nông thôn trở thành bản sao yếu kém của đô thị cấp thấp, pha tạp về lối sống, quê chẳng ra quê, tỉnh chẳng ra tỉnh, hệ thống giá trị đang dần hỗn loạn.

“Liệu người nông dân có thể hóa thân để tiến vào cuộc “công nghiệp hoá - hiện đại hoá” được hay không vẫn là một câu hỏi lớn”, giáo sư Tương Lai, thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội Nam bộ tỏ ra phân vân.

ĐBSCL là vùng nông nghiệp và an ninh lương thực của cả nước, chiếm 52% sản lượng lúa, 70% sản lượng cây ăn trái, 80% sản lưọng thủy sản xuất khẩu và trên 80% sản lượng gạo xuất khẩu. Thế nhưng nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng, đường sá…phục vụ cho phát triển nông nghiệp tại khu vực này luôn chịu thua thiệt, ít được quan tâm đầu tư nếu so với những khu vực khác, ông Huỳnh Minh Nhị nói.

Một nhà khoa học tại hội thảo cho rằng, việc quan tâm đến sự phát triển ngành nông nghiệp thời gian qua chỉ mang tính phong trào là chính. Ví dụ như vừa qua, có hiện tượng phân bón giả bán tràn lan nhiều nơi gây thiệt hại trực tiếp cho nguời nông dân, nhưng khi phát hiện thì người vi phạm chỉ bị phạt có hai triệu đồng, chẳng thấm tháp vào đâu so với mức thiệt hại quá lớn của người nông dân phải gánh chịu khi cây lúa được bón bằng phân bón… đất sét.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Đại học Cần Thơ cho rằng, trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp ĐBSCL, cần thiết phải phát triển mạng lưới “bốn nhà” gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Theo ông Sánh, người nông dân khu vực ĐBSCL lâu nay sản xuất theo kiểu chạy theo thời vụ là chính, sản xuất nhỏ lẻ, không mang tính đồng bộ nên khó kết nối được thị trường.

Ngoài ra, vấn đề mất đất nông nghiệp hiện cũng là một thách thức lớn đến tương lai cho nông thôn. Việt Nam hiện có khoảng 4,1 triệu héc ta đất trồng lúa, nhưng mỗi năm có đến 70.000 héc ta đất trồng lúa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh bị chuyển mục đích sử dụng.

Câu hỏi một số đại biểu đặt ra là có nhất thiết phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi với thiên nhiên hài hòa, một nền văn hóa làng xã góp phần làm nên bản sắc dân tộc để đổi lấy cái chúng ta đang có. Viễn cảnh buồn cho nông dân chính là nông nghiệp thì không ai muốn đầu tư, nông thôn là nơi không ai muốn ở, nông dân mong thoát khỏi quê hương nghèo khổ và các thế hệ trẻ sẽ dần bỏ rơi ruộng đồng.

Theo giáo sư Tương Lai, chức năng của một nông thôn hiện đại chính là một không gian rộng lớn nơi đó con người được sống gắn bó và hài hòa với thiên nhiên. Ngoài ra, nông thôn còn là một nơi nghỉ ngơi lành mạnh, một nguồn giải trí phong phú, một cõi yên bình để con người phục hồi sức khỏe và suy tư để chuẩn bị cho những quyết định lớn.

Tuy nhiên, giáo sư Tương Lai cũng cho rằng nông dân ĐBSCL đang phải gánh chịu sự bất công giữa hai thái cực, đó là họ đóng góp nhiều nhất nhưng cũng là người thụ hưởng ít nhất.

ĐBSCL có số hộ nghèo chiếm gần 20% so với cả nuớc. Nông dân làm quần quật bao đời thu nhập cũng chẳng khá hơn trước là bao, thế nhưng giá cả mọi thứ tăng cao khiến những khoản thu nhập nhỏ của những người nông dân chuyên cắt lúa, hái rau càng trở nên quá nhỏ bé trước cơn lốc của giá cả thị trường.

Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, mục đích của hội thảo là nghe các nhà khoa học góp ý cho Nghị quyết phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam chuẩn bị ra đời sắp tới.

Nhưng tại cuộc hội thảo, ý kiến các nhà khoa học, nhà xã hội học và nhà văn hóa đều có chung một nỗi niềm rằng sau 20 năm đổi mới, ĐBSCL lại chẳng phát triển được gì nhiều, thậm chí còn có một số mặt bị thụt lùi.

Nguồn: TBKTSG Online


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường