Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phập phù kinh doanh ở chợ
10 | 06 | 2008
Tiểu thương các chợ ở TP.HCM cũng như ở nhiều địa phương khác đang hoang mang trước nguồn thông tin khác nhau về việc dẹp chợ này, đập bỏ chợ kia… theo xu hướng “hiện đại hoá chợ truyền thống, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” của bộ Công thương.
Bộ Công thương đã đưa ra chi phí dự kiến cho việc quy hoạch hệ thống chợ cả nước là 15.267 tỉ đồng. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã có quy hoạch hoặc đề án phát triển mạng lưới bán lẻ cho địa phương, nhưng dường như hơn nửa triệu tiểu thương và người làm thuê của hơn 9.000 ngôi chợ trên cả nước đều không biết rõ về nó.

Tiểu thương hoang mang

Ngày 6.6.2008, ông Trần Bá Thiện, tiểu thương ngành giày dép ở chợ Bình Phú gọi điện thoại cho hầu hết các bạn hàng để tìm kiếm xem nơi nào có cho thuê sạp để chuẩn bị dời điểm bán hàng. Ông kể với SGTT: “Tôi được ban quản lý chợ Bình Phú thông báo là sẽ giải toả chợ để xây dựng chung cư. Khoản tiền tôi đã đóng vào năm 2001 là 58 triệu đồng, theo hợp đồng 10 năm thì tôi đã sử dụng sạp được 7 năm, nên 3 năm còn lại ban quản lý sẽ trả tiền thuê theo giá gốc + lãi theo ngân hàng + tiền hỗ trợ gần 60 triệu đồng. Nhìn số tiền thấy nhiều vậy, nhưng tính ra tôi quá lỗ vì khi vay vốn để thuê sạp mất gần 12 lượng, nay chỉ được trả lại có 3 lượng vàng mà thực ra giá sạp chợ ở bất cứ nơi nào cũng đều đang được tính theo giá bất động sản trên thị trường. Điều tôi lo nhất là tương lai sắp tới sẽ ra sao, tiểu thương mất sạp cũng như nông dân mất đất, lấy gì làm sinh kế trong tương lai…”

Bà Nguyễn Thị Ngoan, bán quần áo mùng mền ở chợ Tân Bình cũng cùng tâm trạng. Bà nói: “Hai, ba năm trước, các chủ sạp ở chợ lao xao vì nghe nói chợ Tân Bình sẽ được xây dựng lại thành trung tâm thương mại cao cấp hiện đại. Sau lại nghe nói dự án bị dừng, nay có người lại bảo sẽ tiến hành dự án mới để cải tạo và nâng cấp sửa chữa… Mối hàng của tôi ở các chợ Nguyễn Văn Trỗi, Bà Chiểu, Tân Trụ… thỉnh thoảng lại đồn nhau chợ này sẽ bị dẹp, chợ kia sẽ xây sửa lại… Lo lắng nhiều nên chẳng người nào dám khuếch trương, bán lẻ ở chợ ngày càng khó là vậy”.

Chợ không chỉ là nơi giao dịch buôn bán, nó gắn với tương lai của cả gia đình tiểu thương. Bởi vậy, mới có chuyện ngay khi ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM vừa yêu cầu chấm dứt dự án chuyển chợ Bến Thành thành trung tâm thương mại, các tiểu thương đã hùn nhau cúng heo quay ăn mừng. Một chủ sạp ở chợ kể: “Buôn bán trong tâm trạng bất an, chúng tôi không có cách chi mà tính toán chuyện kinh doanh được. Nay ổn định rồi, chúng tôi sẵn sàng mang hết vốn, hết kinh nghiệm của mình để cạnh tranh với cửa hàng bên ngoài, với siêu thị”.

Quy hoạch chưa đến với tiểu thương

Hiệu quả mà các chợ mang lại cho dịch vụ thương mại của TP.HCM thời gian qua không tương ứng với số lượng chợ đang có. Theo khảo sát từ những năm 2003 – 2004 của sở Thương mại, có 23,7% chợ không sử dụng hết công suất, 25 – 30% chợ không khai thác hết các mặt bằng. Vì vậy số chợ ở TP.HCM đã giảm đáng kể trong năm năm qua. Năm 2002, TP.HCM có 385 chợ, đến nay còn 229 chợ. Đáng lưu ý, có đến 12 trên tổng số 20 chợ được xây mới trong giai đoạn 1985 – 1995 theo mô hình hiện đại hơn (có lầu) đã bị bỏ trống hoàn toàn hoặc bỏ trống phần tầng lầu, hoặc đưa phần lầu vào sử dụng sai mục đích. Có thể thấy tình trạng này ở chợ Tân Bình (2.440m²), Văn Thánh (2.084m²), Bình Chánh (1.300m²), chợ Thiếc (1.200m²), Phú Lâm (6.000m²)...

Việc chuyển đổi các chợ thành mô hình cao ốc văn phòng kết hợp trung tâm thương mại hiện đại hoặc chợ truyền thống kết hợp siêu thị và trung tâm thương mại hiện đại được nhiều nhà đầu tư lẫn dư luận ủng hộ nếu điều đó được thực hiện hợp lý, hợp tình. Vấn đề ở đây chính là sự minh bạch về các thông tin để tiểu thương còn tính toán chuyện buôn bán của họ. Ông Trần Bá Thiện nói: “Cứ đợi đến khi các văn bản giấy tờ xong xuôi thì chẳng còn chỗ nào trống để mà chen vào thuê sạp, thuê chỗ buôn bán nữa. Giống như các chung cư, dự án lúc nào cũng công bố sau khi đã bán gần hết”.

Theo quy hoạch của sở Thương mại, dự kiến hàng loạt chợ sẽ trở thành những siêu thị, trung tâm thương mại như Tân Định, Bà Chiểu, Thanh Đa, Tân Bình, Nguyễn Văn Trỗi, Văn Thánh, Hoà Bình, Bình Đăng... Riêng tại quận 6 có tới ba chợ bị chuyển đổi.

Ông Trương Trung Việt, phó giám đốc sở thương mại cho biết: “Dự kiến sắp tới, sẽ có thêm nhiều ngôi chợ khác được chuyển thành mô hình chợ truyền thống kết hợp trung tâm thương mại hiện đại”.

Thời hạn năm 2010 và 2015 cũng không còn xa, chợ nào sẽ được chuyển và chuyển như thế nào thì quy hoạch chưa được thông tin thật rõ ràng, cụ thể đến người kinh doanh ở chợ. Tiểu thương đang cần biết nữa, là bao giờ dẹp chợ, khi xây trung tâm thương mại thì quyền lợi của họ sẽ như thế nào, giá trị diện tích sạp của họ sẽ được tính như giá trị đất hay chỉ đơn giản là sắp xếp cho họ một chỗ kinh doanh trong trung tâm thương mại mới…



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường