Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nền móng phát triển và mệnh lệnh cải cách
10 | 06 | 2008
Những ai đã trăn trở trong nhiều năm qua về sự yếu kém trong nền móng phát triển của Việt Nam có lẽ đều đã dự cảm từ lâu những khó khăn mà nước ta hiện nay đang trải qua: Tăng trưởng suy giảm, lạm phát cao, lòng dân xao xuyến.
Trong khi việc giải quyết khó khăn nêu trên trước mắt dựa vào các biện pháp tình thế như điều chỉnh lãi suất ngân hàng, quản lý chặt chẽ việc mua bán ngoại tệ, hạn chế đầu tư vào các dự án kém hiệu quả, bài viết này đề cập đến yêu cầu giải quyết những yếu kém ở nền móng, là nguyên nhân gốc rễ không chỉ của những khó khăn hiện tại mà của cả những nguy cơ, thách thức sẽ ngày càng gay gắt trong tương lai.

Nền móng phát triển và kỳ vọng tăng trưởng

Các nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế chỉ ra rằng, tốc độ và chất lượng tăng trưởng của mỗi quốc gia tùy thuộc cơ bản vào nền móng phát triển của nước đó.

Nền móng phát triển của một nước dựa trên một số định tố chủ yếu, bao gồm, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, hội nhập quốc tế, dung năng sáng tạo, phẩm chất cần kiệm, và chất lượng thể chế. Các định tố này có quan hệ tác động qua lại mật thiết với nhau, trong đó chất lượng thể chế đóng vai trò trụ cột, chi phối, có tính quyết định.

Với một nền móng phát triển vững chắc và không ngừng được gia cường, nâng cấp, nền kinh tế sẽ đạt tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao. Trái lại, trên một nền móng yếu lại không được chú trọng củng cố, chất lượng tăng trưởng sẽ thấp, và do vậy, tốc độ tăng trưởng nếu có cao trong giai đoạn đầu cũng sẽ không bền vững và nền kinh tế dễ bị tổn thương trước mỗi biến động không thuận lợi của nền kinh tế thế giới.

Theo qui tắc hội tụ có điều kiện từ phương pháp phân tích khảo nghiệm, trung bình, cứ 35 năm, một quốc gia có thể thu hẹp một nửa khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người giữa mức hiện tại và mức tiềm năng quyết định bởi các định tố nền móng phát triển của quốc gia đó.

Chẳng hạn, mức bình quân thu nhập đầu người của nước ta hiện nay vào khoảng gần 1.000 USD[1]. Nếu chúng ta tạo lập và xây đắp một nền móng phát triển cho mức 20.000 USD, thì trong vòng 35 năm tới (năm 2043), chúng ta có thể thu hẹp một nửa khoảng cách này (=19.000/2=9.500 USD), đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên 10.500 USD.

Trái lại, nếu chúng ta chấp nhận duy trì nền móng phát triển ở mức thấp, tương ứng với mức tiềm năng 5.000 USD, thì sau 35 năm nữa, mức thu nhập bình quân đầu người của chúng ta sẽ tăng thêm 4.000/2=2000 USD và đạt 3.000 USD, xấp xỉ với mức của Thái Lan hiện nay.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam coi nhẹ việc gia cường, thậm chí làm suy yếu nền móng phát triển vốn còn rất thấp của mình. Thay vì quyết liệt tinh giản và nâng cấp bộ máy quản lý, chúng ta để khu vực nhà nước phình ra với hiệu năng ngày một thấp.

Thay vì ráo riết cải cách doanh nghiệp nhà nước, tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, chúng ta lập ra các tập đoàn kinh tế với não trạng bao cấp và lợi ích cục bộ, làm thị trường càng thêm méo mó và thiếu minh bạch.

Thay vì đầu tư nâng cấp hiện đại hóa hệ thống giáo dục, y tế, và văn hóa đáp ứng đòi hỏi của thời đại, chúng ta để các lĩnh vực này xuống cấp nghiêm trọng trong sự hoành hành của tham nhũng, gian dối, và tệ nạn xã hội.

Thay vì khích lệ người dân cần kiệm đầu tư với tầm nhìn dài hạn và trách nhiệm với tương lai, chúng ta tạo nên cơ chế để mọi người ảo tưởng với những cơ hội chụp giật ngắn hạn, hoang phí trong tiêu dùng, phô trương trong hình thức với những lễ hội và tượng đài được tổ chức và xây dựng tràn lan.

Trong khi đó, Trung Quốc với mục tiêu trở thành cường quốc trước năm 2050, đã và đang ráo riết xây dựng một nền móng phát triển ở đẳng cấp hàng đầu, tạo nền tảng cho nhịp độ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.

Nếu tiếp tục theo đuổi cung cách phát triển hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ rơi vào cạm bẫy của nước có mức thu nhập trung bình thấp; nghĩa là không quá khó khăn thiếu đói để buộc phải cải cách, nhưng cũng không có nền móng đủ mạnh cho nỗ lực vượt lên.

Bài viết này so sánh Việt Nam với Trung Quốc nhằm là rõ một số điểm yếu then chốt trong nền móng phát triển của Việt Nam. Việc so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc không có hàm ý rằng Trung Quốc là mô hình tốt nhất mà Việt Nam cần đi theo; mà chỉ để chỉ ra rằng, Việt Nam, trong sự tương đồng về mô hình phát triển với Trung Quốc, đã thể hiện sự yếu kém nghiêm trọng trong nỗ lực gia cường và nâng cấp nền móng phát triển của mình.

Tại sao lại so sánh Việt Nam với Trung Quốc?

Đó là vì hai nước có đặc điểm khá tương đồng trong cải cách và phát triển nhưng kết quả đạt được của hai nước có sự khác biệt cơ bản, cả về lượng và chất.

Sự tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cải cách và phát triển thể hiện ở bối cảnh dẫn đến cải cách, điều kiện phát triển lúc khởi đầu cải cách, mục tiêu và biện pháp tiến hành cải cách.

Về bối cảnh dẫn đến cải cách: Việt Nam và Trung Quốc khởi đầu công cuộc cải cách (Việt Nam năm 1986, Trung Quốc năm 1978) sau khi đều đã nhận ra rằng không thể tiếp tục mô hình xây dựng CNXH theo kiểu cũ vì nó tàn phá động lực phát triển và chỉ dẫn đến những khó khăn kinh tế ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời, cả hai nước đều đứng trước khó khăn nghiêm trọng về kinh tế mà cải cách là sự lựa chọn sống còn để thoát ra khỏi nguy cơ khủng hoảng.

Về điều kiện phát triển khi khởi đầu cải cách: Bảng 1 cho thấy, khi khởi đầu cải cách, cả hai nước đều có mức thu nhập đầu người rất thấp (xấp xỉ 200 USD, thuộc nhóm nước nghèo nhất thế giới) với trên 80% dân số sống ở nông thôn; năng suất ngũ cốc trên một héc ta đất canh tác xấp xỉ nhau (2,7-2,8 tấn). Tỷ lệ dân biết chữ và tuổi thọ giữa hai nước khá tương đồng với Việt Nam có sự trội vượt đôi chút. Hội nhập quốc tế của hai nước đều rất thấp với xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 6,6% GDP; điều kiện hạ tầng kém, thể hiện ở số điện thoại mới ở mức 1-2 chiếc trên 1000 dân.

Về mục tiêu và biện pháp tiến hành cải cách: Cả hai nước lựa chọn cải cách theo mục tiêu kinh tế chứ không phải chính trị, với bước đi thận trọng để đảm bảo sự ổn định tuyệt đối của hệ thống chính trị hiện hành. Cả hai nước chọn tiến hành cải cách với những bước đi khá giống nhau, khởi đầu với việc khoán hộ trong nông nghiệp và thừa nhận về mặt pháp lý thành phần kinh tế tư nhân. Tiếp đó là thúc đẩy mạnh kinh tế đối ngoại, cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh, và cải cách hệ thống tài chính-ngân hàng.

Thế nhưng kết quả đạt được của hai nước, dù đều ấn tượng, có một cách biệt lớn cả về lượng và chất, với sự tụt hậu rõ rệt của Việt Nam trong so sánh với Trung Quốc. Kể từ mốc vượt qua mức thu nhập bình quân đầu người 200 USD (Việt Nam: 1986; Trung Quốc: 1982; Indonesia: 1968), tuyến trình tăng trưởng của Việt Nam rất thấp so với Trung Quốc và khá gần với Indonesia, trong khi nền kinh tế Trung Quốc có sự cất cánh với sự tương đồng với mô hình Đông Á, bao gồm Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, và Hàn Quốc.

Những tổn thất nặng nề về kinh tế và chính trị mà Indonesia phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 (tăng trưởng GDP của Indonesia giảm xuống mức 4,7% năm 1997 trước khi rơi vào suy thoái ở mức -13, 1% năm 1998) là bài học đắt giá về hậu quả của việc coi nhẹ gia cường nền móng phát triển trong sự say sưa với một số thành tích bề nổi và sự khen ngợi của một số tổ chức quốc tế.

Vì vậy, việc đánh giá xác đáng những điểm yếu then chốt trong nền móng phát triển của Việt Nam và đưa ra những biện pháp cải cách có tính nền tảng, sâu rộng và mạnh mẽ, là việc làm cấp thiết; không chỉ để vượt qua các khó khăn trước mắt, mà còn tạo nền móng căn bản cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn, tránh được nguy cơ khủng hoảng đang tích tụ và có khả năng xảy ra trong 5-10 năm tới.!!

Một số minh chứng về những điểm yếu then chốt trong nền móng phát triển của Việt Nam.

Từ kết quả nghiên cứu chung của tác giả với Tiến sĩ Danny Quah, trưởng khoa kinh tế của Đại học Kinh tế London, chúng tôi xin nêu ra dưới đây một số minh chứng điển hình về một số điểm yếu cơ bản trong nền móng phát triển của Việt Nam. Do dung lượng có hạn, bài viết này sẽ chỉ tập trung thảo luận ba điểm yếu then chốt có liên quan trực tiếp đến chất lượng của hệ thống thể chế.

1- Điểm yếu thứ nhất, Việt Nam thiếu ý chí chiến lược trong nỗ lực cải cách

Điều này thể hiện ở việc phình ra của lực lượng lao động trong khu vực nhà nước, sự manh mún trong nỗ lực cải cách các doanh nghiệp quốc doanh, và tính thiếu quyết đoán ở những thời điểm bước ngoặt.

Sự phình ra của lực lượng lao động trong khu vực nhà nước

Một nền kinh tế mạnh với hiệu năng cao đòi hỏi sự tinh giảm mạnh mẽ về lao động trong khu vực nhà nước. Khác với Trung Quốc, Việt Nam đi ngược lại xu thế này. Bảng 2 cho thấy lao động trong khu vực nhà nước (bao gồm chính phủ, Đảng, đoàn thể, và các doanh nghiệp quốc doanh) của Việt Nam tăng nhanh hơn so với lao động trong toàn bộ nền kinh tế, với độ phình ngày càng mạnh hơn, từ mức +1,3% trong giai đoạn 1995-2000 vọt lên +9,3% trong giai đoạn 2000-2005. Trong khi đó, lao động trong khu vực nhà nước của Trung Quốc so với toàn bộ nền kinh tế co lại rất mạnh ở mức -27% giai đoạn 1995-2000 và -17% giai đoạn 2000-2005.

Sự manh mún trong nỗ lực cải cách các doanh nghiệp quốc doanh: Thiếu ý chí chiến lược trong cải cách thể hiện rõ trong sự trì trệ và manh mún của nỗ lực cải cách các doanh nghiệp quốc doanh.

Bảng 3. Nỗ lực cổ phần hóa giai đoạn 1990-2005

Nguồn:Từ số liệu của Ngân hàng Thế giới
Trong khi các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc bị đặt vào môi trường cạnh tranh khốc liệt trên qui mô toàn cầu và bị hối thúc bởi khẩu hiệu “học hỏi, cải tiến, và tạo đột phá để vượt lên đẳng cấp thế giới”, các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam được o bế nâng đỡ trong một hệ thống quản trị lạc hậu, thiếu minh bạch, nên luẩn quẩn trong sự hạn hẹp về tầm nhìn và sự hà lạm của quyền lợi cục bộ và lợi ích cá nhân.

Bảng 3 cho thấy qui mô và nhịp độ cổ phần hóa của Việt Nam trong giai đoạn 1990-2005 rất nhỏ so với Trung Quốc. Tổng mức tiền thu được từ cổ phần hóa của Việt Nam chỉ bằng 1% mức GDP năm 2000 với qui mô trung bình của mỗi dự án là 3 triệu USD; trong khi các con số này của Trung Quốc là 4,8% và 252 triệu USD.

Thiếu quyết đoán chiến lược ở thời điểm bước ngoặt

Trong tiến trình phát triển thường xuất hiện những thời điểm có tính bước ngoặt, đòi hỏi tính quyết đoán chiến lược của người lãnh đạo. Tại thời điểm này, một quyết đoán sáng suốt sẽ giúp tạo nên một cục diện mới tạo sức phát triển nhảy vọt; trái lại, sự chần chừ, lúng túng sẽ làm mất đi thời cơ quí giá này và dẫn đến một bước lùi tai hại trong tiến trình phát triển.

Tiến trình cải cách của Việt Nam và Trung Quốc đều xuất hiện những thời điểm có tính bước ngoặt vào năm thứ 13 của cải cách sau khi công cuộc cải cách đã thu được những thành quả bước đầu tạo nên tâm lý thỏa mãn, đồng thời làm nổi lên những lo ngại mang tính giáo điều về sự xa rời “chủ nghĩa xã hội”. Tiến trình cải cách do vậy có thể bị trì hoãn bởi những tranh cãi gay gắt trong nội bộ lãnh đạo.

Trung Quốc ở vào tình thế này vào năm 1991, năm thứ 13 của cải cách, khi đó thậm chí có kiến nghị đòi bãi bỏ các khu kinh tế đặc biệt. Trong tình thế đấu tranh căng thẳng này, ông Đặng Tiểu Bình quyết định không nhượng bộ mà chọn cách đương đầu quyết liệt bằng tiến hành một chuyến đi về các tỉnh và thành phố cải cách ở phía Nam vào tháng 1 năm 1992 để tập hợp được lực lượng ủng hộ cải cách, làm hậu thuẫn cho quyết định của hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị tháng 3 năm 1992 về đẩy mạnh hơn nữa nhịp độ cải cách và mở cửa[2]. Với quyết định này, cải cách và mở cửa của Trung Quốc kể từ năm thứ 13 của cải cách không những không bị chậm lại mà lại có bước tiến nhảy vọt.

Việt Nam vào năm thứ 13 của cải cách (năm 1999) cũng đứng trước một cơ hội đòi hỏi sự quyết đoán đặc biệt, đó là việc ký hiệp định thương mại với Mỹ vào tháng 9 năm 1999. Thế nhưng chúng ta từ chối ký hiệp định này mặc dù mọi việc chuẩn bị dường như đã sẵn sàng. Điều này làm nhiều người ngỡ ngàng.

Một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ khi đó nhận xét: “Khi các bạn so sánh điều này với những nỗ lực của Trung Quốc trong các đàm phán thương mại [ ] nó cho thấy rằng, Việt Nam chưa thực sự tin vào mở cửa[3]”.

Giáo sư Dwight Perkins của Đại học Harvard, nhà nghiên cứu hàng đầu về các mô hình phát triển Đông Á nhận xét: “Việc từ chối [này] của Việt Nam trong việc ký hiệp định thương mại với Mỹ là một minh chứng về việc [Việt Nam] ngại ngùng trong việc chấp nhận một chính sách công nghiệp có lẽ là thích hợp nhất cho đất nước của mình[4]”.

Với sự thiếu quyết đoán này, Việt Nam đã tự làm minh tụt hậu trong nhịp độ tăng trưởng so với Trung Quốc kể từ năm thứ 13 của cải cách.

2- Điểm yếu thứ hai, chúng ta thiếu tầm chiến lược trong hoạch định công cuộc phát triển

Ba minh chứng cho kết luận này dựa trên mức tiêu thụ điện cho tăng trưởng, khả năng nắm bắt cơ hội thị trường, và nỗ lực bước lên trên nấc thang công nghệ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Về tiêu thụ năng lượng cho phát triển, mỗi nhà hoạch định chính sách đều hiểu rằng năng lượng ngày càng khan hiếm và giá của nó có xu hướng tăng nhanh hơn các loại sản phẩm khác. Do vậy, phát triển kinh tế và công nghiệp hóa phải đi hướng về các lĩnh vực và sản phẩm tiết kiệm năng lượng nói chung và điện nói riêng. Thế nhưng chúng ta không đi theo hướng này.

Nguồn:Từ số liệu của Ngân hàng Thế giới; Bộ Công-Thương Việt Nam; Niên Giám Thống kê Trung Quốc, 2006

Bảng 4 cho thấy, khác với Trung Quốc, mức tăng về điện tiêu thụ ở nước ta trong giai đoạn 1990-2005 cao hơn nhiều mức tăng của giá trị gia tăng, trên qui mô của toàn bộ nền kinh tế cũng như của riêng ngành công nghiệp. Trên qui mô toàn bộ nền kinh tế, chúng ta tăng trưởng bình quân 7,6% trong khi tiêu thụ điện tăng 14,1% . Trong lĩnh vực ngành công nghiệp nói riêng, mức tăng trưởng của giá trị gia tăng là 10,9% trong khi mức tăng điện năng tiêu thụ là 14,3%.

Nghĩa là, phát triển kinh tế và công nghiệp của Việt Nam đang đi theo hướng tổn phí năng lượng. Tình hình này nếu không được sớm khắc phục sẽ không chỉ gây nên tình trạng thiếu điện nghiêm trọng mà còn làm cho nền kinh tế nước ta ngày càng kém sức cạnh tranh và dễ tổn thương do sự biến động ngày càng gia tăng của giá năng lượng quốc tế.

Về nắm bắt cơ hội thị trường, Việt Nam chung biên giới với Trung Quốc nhưng kém xa các nước Đông Nam Á khác trong khai thác thị trường khổng lồ và tăng trưởng rất nhanh này trong khi lại nhanh chóng lệ thuộc vào nó một cách thụ động.

Bảng 5 cho thấy, trong giai đoạn 2000-2005, tỷ trọng Trung Quốc trong toàn bộ xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng không đáng kể, từ 6,6% năm 2000 lên 7,6% năm 2005; trong khi các con số này tương ứng là 3,9% lên 8,6% với Singapore; 1,7% lên 9,9% với Philippine; và 4,5% lên 7.8% với Indonesia; 4,1% lên 8,3% với Thái Lan. Mặt khác, cùng trong thời gian này, Việt Nam lại tăng mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, từ tỷ trọng 11,5% trong toàn bộ nhập khẩu năm 2000 lên 17,5% năm 2005.

Về nỗ lực bước lên trên nấc thang công nghệ trong hội nhập quốc tế, bảng 6 cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2005 tỷ trọng công nghệ cao trong xuất nhập khẩu của chúng ta còn thấp và tăng chậm. Trong xuất khẩu, tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao tăng thêm +1,8%, từ 5,8% lên 7,6%; trong khi con số này của Trung Quốc là +12,3%, từ mức 28,9% lên mức 41,3%.

Trong nhập khẩu của Việt Nam, tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao gia tăng không đáng kể (+0,6%), đồng thời có một bước thụt lùi về công nghệ là chúng ta giảm nhập công nghệ trung-cao (-6,5%) để nhập công nghệ trung-thấp (+7,4%). Trong khi đó, Trung Quốc tăng mạnh tỷ trọng nhập sản phẩm công nghệ cao (+6,2%) và giảm mạnh tỷ trong nhập sản phẩm công nghệ thấp (-7,3%).

Bảng 6. Cấu trúc xuất nhập khẩu giai đoạn 2000-2005




3- Điểm yếu thứ ba, chính phủ chưa thực sự hợp tác sát cánh cùng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là nông dân, để tạo sự yểm trợ hiệu quả trong công cuộc phát triển

Một quốc gia với chiến lược phát triển khôn ngoan thường tìm cách tạo nên giá trị gia tăng cao hơn trên mỗi đơn vị sản phẩm. Để làm được việc này, Chính phủ phải dành một phần quan trọng nguồn lực của mình giúp các doanh nghiệp và người dân có được thông tin thấu đáo và kịp thời về thị trường và công nghệ để họ có các quyết định sáng suốt hơn trong đầu tư và tổ chức sản xuất của mình.

Ở Việt Nam, Chính phủ chưa làm được việc này. Vì vậy, mặc dù các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt đã rất năng động, chịu khó nhưng hiệu quả thu được vẫn thấp.

So sánh tăng trưởng của ngành nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy sự tương phản này. Sản lượng nông nghiệp (qui theo chỉ số định lượng) trong giai đoạn 1986-2004[5] của Việt Nam tăng nhanh hơn hẳn Trung Quốc . Thế nhưng, nhưng năng suất lao động nông nghiệp (tính bằng lượng giá trị gia tăng trên lao động nông nghiệp) của Việt Nam thua kém Trung Quốc một cách rõ rệt.

Một minh họa cho thực trạng này là ý kiến của lão nông Lê Văn Lam trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 4/5/2008: “Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất[6]... “

Kết luận

Douglas North, nhà kinh tế được giải thưởng Nobel, có kết luận đại ý rằng, môt nước không khá lên được là do thể chế của nó tạo nên các qui tắc vận hành xã hội không khuyến khích các nỗ lực kiến tạo nên giá trị mới[7]. Các qui tắc này thường làm cá nhân và doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy của chụp giật với sự thúc đẩy của động lực hưởng thụ, tích cốc phòng cơ, và phô trương hình thức.

Công cuộc phát triển của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn. Hệ thống thể chế với những qui tắc vận hành kinh tế xã hội như hiện nay không chỉ chưa tạo được động lực chân chính và mạnh mẽ cho cá nhân và doanh nghiệp nỗ lực kiến tạo nên giá trị mới mà còn làm thang bảng giá trị của xã hội bị méo mó và xuống cấp.

Trước những khó khăn gay gắt tạm thời hiện nay, chúng ta đang đứng trước sự lựa chọn giữa hai cách ứng xử.

Cách thứ nhất dựa trên các giải pháp xử lý có tính tình thế; có thể quyết liệt tức thời về sự vụ nhưng tránh né không động chạm đến những yếu tố nền móng. Cách giải quyết này có thể làm khó khăn đang gặp phải tạm thời lắng đi trong ít năm để rồi sau đó lại trỗi dậy với mức độ gay gắt và nguy hại lớn gấp nhiều lần trong khi nền móng phát triển mỗi ngày một suy yếu.

Cách thứ hai dựa trên cách tiếp cận chiến lược, với ý chí nâng cấp căn bản nền tảng phát triển, trong đó hệ thống thể chế là trụ cột chính yếu, tạo dựng cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trên nền móng của một quốc gia có đẳng cấp hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã và đang làm. Cách tiếp cận thứ hai này không chỉ giúp nước ta vượt qua khó khăn hiện thời mà còn tạo nên một khí sắc đổi thay có sức đột phá mạnh mẽ cho công cuộc phát triển của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ lựa chọn cách tiếp cận thứ nhất và sẽ xoay sở thành công để thoát ra khó khăn hiện tại, cũng giống như Việt Nam đã vượt qua các nạn dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, hay khuẩn tả. Thế nhưng, chúng tôi thấy xót xa cho hiện tại và lo ngại cho tương lai nếu Việt Nam quả thực lựa chọn cách tiếp cận này bởi lẽ chúng ta không chứng minh được rằng Việt Nam là một dân tộc có thể lớn lên từ thất bại, mạnh lên từ khó khăn, thách thức.

Từ cách nhìn của chúng tôi, cải cách hệ thống và nâng cấp nền móng phát triển không chỉ là bước đi khẩn thiết để vượt qua khó khăn hiện tại mà còn là mệnh lệnh thiêng liêng để thế hệ hôm nay không phải hổ thẹn với quá khứ và tương lai.

[1] Mức giá năm 2000.

[2] “Deng Xiaoping’s Southern Tour: Elite Politics in Post Tiannanmen China”, Suisheng Zhao, Asian Survey, Volume 33 (8), 1993.

[3] “Politburo Is Hesitating on Pact, Official Says : U.S. Aide Is Pessimistic On Hanoi Trade Accord”, Thomas Crampton, International Herald Tribune, 11/9/1999. (www.iht.com/articles/1999/09/11/viet.2.t_0.php)

[4] “Industrial and Financial Policy in China and Vietnam: A New Model or a Relay of the East Asian Experience”, Dwight Perkins (Chapter 6 in Rethinking the East Asia Miracle, edited by Joseph Stiglitz and Shahid Yusuf, World Bank, 2001).

[5] Số liệu 20005 đến nay chưa có

[6] Trích thư của ông Lê Văn Lam gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 4-5.

[7] Institutions, Institutional Change, and Economic Performance, Douglas North, New York: Cambridge University Press, 1990.









Nguồn: Thông tin Thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường