Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chặn đứng tốc độ tăng giá
30 | 03 | 2008
TS Cao Sỹ Kiêm, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng đó là giải pháp tức thời để kiềm chế lạm phát, vực dậy nền kinh tế.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mức độ lạm phát hiện nay?

TS Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi, lạm phát đang ở mức báo động đỏ nhưng không phải là không có cách ngăn chặn. Đối với các giải pháp chống lạm phát, đến bây giờ tuy còn tranh luận nhưng tôi cho rằng hướng đi đã tương đối rõ. Bên cạnh 19 giải pháp ổn định vĩ mô chung, Chính phủ vừa đưa ra 5 giải pháp ổn định tiền tệ, 5 giải pháp bình ổn thị trường chứng khoán và sắp có giải pháp ổn định bất động sản. Điều đó cho thấy Chính phủ đã nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn, xác định được những việc làm cụ thể hơn.

Vậy đâu là giải pháp cần thiết trong thời gian tới?

Lúc này, phải chặn đứng tốc độ tăng giá. Mà việc này phải sử dụng những biện pháp tức thời, ngắn hạn mới có kết quả ngay. Trước hết, phải khơi thông tín dụng để vốn đến được những chỗ cần thiết, tạo ra hàng hóa. Những nút có thể gây hiểm họa như bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng phải rút vốn ngay xuống mức hợp lý.

Thực hiện các biện pháp rút tiền về qua dự trữ bắt buộc, lãi suất, trái phiếu. Cắt giảm ngay các khoản chi tiêu lãng phí để giảm bội chi. Rà soát lại danh mục nhập khẩu để loại bỏ những mặt hàng không cần thiết nhằm giảm nhập siêu. Đình hoãn những công trình kéo dài không hiệu quả. Khi chặn được tăng giá thì lãi suất sẽ rút xuống, kích thích doanh nghiệp sản xuất mạnh mẽ hơn.

tanggiacacmathang.jpg

Chặn đứng tốc độ tăng giá là giải pháp cần thiết trong thời gian tới để chống lạm phát. (Ảnh ANTĐ)

Nhiều ý kiến lại cho rằng lúc này rất cần biện pháp dài hạn?

Đúng là phải có những biện pháp dài hạn vì lạm phát còn do những nguyên nhân tích tụ từ rất lâu, phải cải thiện dần từng bước.

Lạm phát của VN thời kỳ này có nguyên nhân trực tiếp từ chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ đang tắc ở ngoại hối và tỉ giá, vấn đề này phải xử lý như thế nào?

Thứ nhất, vẫn theo khuynh hướng tăng giá VNĐ một cách thận trọng. Cho nới biên độ tỉ giá USD ở mức ± 2%. Hai là, ngoại tệ đang vào theo nhiều kênh nhưng ngân hàng không nắm được, phải có kênh tương ứng thu về. Quan trọng là phải mua vào bình thường nhưng không phải tung VNĐ ra mà bắt mua dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, cho góp cổ phần bằng ngoại tệ. Như thế, nền kinh tế được thông thoáng mà vẫn chặn có hiệu quả “chốt” gây áp lực lạm phát. Ba là, để các ngân hàng thương mại (NHTM) linh động và phải cho họ lối thoát. Khi NHTM "tắc" vốn, NHNN phải bơm ra, thậm chí gánh đỡ chi phí chống lạm phát cho họ. Vừa rồi chống lạm phát gây ra lãi suất 12% thì NHTM phải cho vay 15%. NHNN có thể dùng công cụ thị trường mở cho vay tái chiết khấu 9% để hạ xuống.

Việc kiểm soát vốn đầu tư gián tiếp hiện nay không hiệu quả. Vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào trong thời gian tới?

Chính phủ đã có chủ trương cho mua cổ phần bằng USD từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trước đây cho là nội tệ ít nên không cho mua, sợ bị lợi dụng chênh lệch lãi suất; nay cho mua cả ngoại tệ của đầu tư gián tiếp. Nhưng làm thế nào để thu về VNĐ bằng con đường khác cũng phải xem xét. Đây là điểm rất mới.

Việc áp dụng chế độ tỉ giá linh hoạt theo rổ tiền tệ đa dạng, không chỉ theo USD có được tính đến?

Biện pháp này rất cần thiết nhưng khó đạt ngay được. Khi USD mất giá thì dự trữ, thanh toán phải đa dạng hóa bằng các đồng tiền khác. Cơ cấu dự trữ, thanh toán của ta hiện nay 90% bằng USD. Có sự mâu thuẫn là so với USD, đồng tiền của ta lên giá nhưng so với các đồng tiền khác thì lại giảm. Nếu chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền khác, các đối tác sẽ thiệt, mà chuyển cái thiệt của ta cho họ thì khó được họ chấp nhận. Kể cả dự trữ Nhà nước cũng khó chuyển đổi ngay được.

Hạn chế can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính

Hiện nay đang nảy sinh bốn vấn đề. Một, cơ quan chức năng đưa ra giải pháp không thống nhất, doanh nghiệp lo tắc vốn, người dân không biết giá cả còn leo thang đến đâu. Tất cả đều do thiếu thông tin. Cho nên phải cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin liên quan đến chống lạm phát cho xã hội một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời. Hai, thiết kế chính sách phải rất cụ thể, chi tiết đối với từng bộ ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp để cùng hành động. Ba, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngân hàng, tài chính, đầu tư. Bốn, chính sách phải thích ứng nhanh, hạn chế can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Trường hợp bất đắc dĩ phải can thiệp thì ngay sau đó phải xóa đi bằng cách trả thị trường về theo cung cầu.

ESCAP Dự Báo: GDP của VN năm 2008 cao nhất Đông Nam Á với 8,2%

“Lạm phát là vấn đề nổi cộm ở VN, ở mức 12,6% vào những tháng cuối của năm 2007 và có khả năng không giảm vào năm 2008, cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - ông Amarakoon Bandara, chuyên gia các vấn đề kinh tế thuộc Ban Giảm nghèo và Phát triển Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), cho biết như vậy tại buổi công bố báo cáo điều tra kinh tế - xã hội 2008, tổ chức ngày 27-3 ở Hà Nội.

Theo ông Bandara, VN phải thắt chặt tiền tệ, duy trì tỉ giá hối đoái ổn định cho xuất nhập khẩu. USD giảm gây tác động tiêu cực, vì vậy, nên nâng tỉ giá VNĐ cao hơn. Các chuyên gia ESCAP lạc quan dự báo VN vẫn duy trì được GDP cao ở mức 8,2% trong năm 2008, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

B.Diệp




Theo Người Lao động

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@yahoo.com


Báo cáo phân tích thị trường