Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chưa đủ nhiệt làm nóng thị trường
09 | 06 | 2008
Một tuần sau khi Chính phủ chủ trương bơm vốn ưu đãi giúp doanh nghiệp (DN) tiêu thụ cá tra tồn đọng, đám mây trên làng nghề nuôi cá tra ở 8 tỉnh ĐBSCL đã bớt màu u ám với động thái giá thu mua có dấu hiệu nhích lên...
 

Tuy nhiên, trong lúc "sự ấm áp" chưa kịp tới... thì phía trước lại đang manh nha "hơi lạnh" của sự băng giá...

Tiền - cần, nhưng chưa đủ...

Đó là thực tế đang diễn ra tại "thủ phủ của cá tra" vùng ĐBSCL. Bởi sau một tuần chủ trương "bơm vốn" ưu đãi của Chính phủ có hiệu lực, việc thu mua cá tra tồn đọng vẫn như thiếu chất bôi trơn. Theo số liệu của Hiệp hội Thuỷ sản An Giang (AFA), trong tuần đầu thực hiện chủ trương của Chính phủ, 5 DN được UBND tỉnh lên danh sách thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi này chỉ mới mua được 847 tấn cá. So với kế hoạch: Trong 2 tuần thu mua dứt điểm 10.500 ngàn tấn, kết quả này đã hút hết 50% thời lượng nhưng chỉ thực hiện được đạt 8% công việc. Còn ở Đồng Tháp, theo ông Dương Văn Nhiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản tỉnh, diễn biến này cũng chưa thật sáng sủa.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là do DN "chần chừ". Bởi sau thời gian kêu thiếu vốn, giờ đây khi Chính phủ "bơm tiền" về, thì các DN lại chậm tiếp nhận "vốn". Chỉ tính riêng ở An Giang, đến nay chỉ mới giải ngân được 4 tỉ trong số 200 tỉ mà Ngân hàng NNPTNT điều tiết về. Nhiều DN đưa ra lời giải thích: Có khó khăn trong thủ tục với ngân hàng "lạ" nên chậm tiếp nhận vốn.
 
Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, đây chỉ là cách "biện minh" bởi thực chất tiền chưa phải là cái mà DN cần nhất để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong thời điểm này. Trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 8.6, GS-TS Võ Tòng Xuân - cố vấn cao cấp Đại học An Giang - cho biết: "Nguyên nhân sâu xa khiến cá tra bị tồn đọng là do cánh cửa xuất khẩu bị thu hẹp lại. Mà nguyên nhân chính là do DN tự mình đánh mất thị trường".

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch AFA - nhấn mạnh: Không phải lỗi của ngư dân mà tác nhân chính là DN. Chỉ tính trong năm 2008, tốc độ ra đời của nhà máy chế biến cá tra đã tăng 150% so năm 2007. Do ra đời ào ạt theo phong trào vì vậy để tìm chỗ đứng trên thương trường xuất khẩu, họ đã áp dụng chiêu hạ giá bán bằng cách hạ giá mua cá nguyên liệu và bơm nước vào cá trước khi đông lạnh (mạ băng)... từ đó tạo ấn tượng không tốt cho sản phẩm cá tra.

Chưa ấm, đã lấp ló băng giá

Theo đánh giá chung, sau một tuần ban hành chủ trương "bơm vốn" của Chính phủ, giá thu mua cá tra tăng thêm 300-500đ/kg. Tuy nhiên, tác động này chưa thực sự tạo ra "hơi ấm cần thiết" cho người nuôi cá tra vùng ĐBSCL vốn đã vùi mình "trong sự lạnh lẽo" thời gian dài.

Phó Chủ tịch AFA Lê Chí Bình nhận định: Với tốc độ tăng giá của hàng loạt mặt hàng thiết yếu đến giá thức ăn thuỷ sản như hiện nay, nhiều khả năng vào vụ tới, giá thành chăn nuôi cá tra sẽ lên đến 18-20 ngàn đồng/kg. Nếu chỉ dừng lại ở việc bơm vốn, thì không chỉ có nguy cơ ngư dân sẽ tiếp tục đối mặt với... lỗ nặng.

Bởi thực tế sau khi bán cá với giá thua lỗ bình quân 2.000đ/kg, đã có từ 20-40% ngư dân ĐBSCL tạm "treo ao" để nghe ngóng tình hình trước khi quyết định xuống giống tiếp tục. Nếu tình hình không được cải thiện, thì không chỉ có ngư dân bị thua thiệt mà ngay cả DN cũng gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu. Và khi đó lại manh nha hiểm hoạ khó lường nhất.
 
Với kinh nghiệm của người gắn bó với đời sống nông nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận xét: Thường khi khủng hoảng thiếu nguyên liệu, các DN tranh mua kéo giá lên vượt cả ngưỡng thị trường khiến nhiều ngư dân "ngộ nhận", đổ xô đi nuôi cá để rồi tiếp tục lặp lại điệp khúc thiếu-thừa đầy trắc ẩn mà ngư dân luôn là người hứng chịu thua thiệt.

GS-TS Võ Tòng Xuân: Phải giải cho được bài toán kiểm soát
Lâu nay, chúng ta đã bỏ quên bài toán kiểm soát cả công đoạn chăn nuôi và công đoạn xuất khẩu nên không thể tìm được đáp số mỗi khi thị trường cá tra lâm vào thế khủng hoảng. Điều này không chỉ đánh mất vương quyền của Việt Nam trên thị trường cung ứng cá tra, mà còn làm gia tăng nguy cơ rủi ro cho ngư dân. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết trong việc tổ chức chăn nuôi. Mặt khác, thắt chặt hàng rào kiểm soát chất lượng trước khi xuất khẩu với quyết tâm phạt nặng và thậm chí là rút giấy phép nếu DN tiếp tục kinh doanh theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó" như hiện nay làm thương tổn đến uy tín và giá cả cá tra trên thị trường thế giới.


Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường