Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo đồ, có cơ hội để đầu tư
15 | 08 | 2011
Nếu việc mở thị trường thuận lợi, Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 – 150.000 tấn gạo đồ trong năm nay.

Gạo đồ Việt Nam đã được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, châu Phi và một số quốc gia châu Á, giá đang ở mức tương đối cao so với gạo trắng. Nếu việc mở thị trường thuận lợi, Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 – 150.000 tấn gạo đồ trong năm nay.

 

Ông Trần Ngọc Trung, tổng giám đốc công ty cổ phần Vinh Phát, chủ nhân của ba nhà máy chế biến gạo, đơn vị có khối lượng xuất khẩu gạo đồ lớn nhất Việt Nam cho biết như vậy.

Báo chí cũng đã đưa tin, trong một hội nghị mới đây, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện nhiều nước đã đặt hàng Việt Nam sản xuất gạo đồ, do đó từ năm 2011 Việt Nam có kế hoạch tăng sản lượng sản xuất gạo đồ xuất khẩu từ 300.000 – 400.000 tấn.

Suất đầu tư cao, giá bán cũng cao

Ông Trần Ngọc Trung cho biết nếu chỉ dựa vào sản lượng của nhà máy sản xuất gạo đồ ở Phú Tân, An Giang thì khối lượng gạo đồ của Việt Nam đến thời điểm này chắc chắn đã hơn 30.000 tấn. Trong ba nhà máy của Vinh Phát chỉ có một nhà máy làm gạo đồ vì đầu tư một nhà máy làm gạo đồ “nặng” gấp năm lần nhà máy làm gạo trắng. Công suất thiết kế nhà máy gạo đồ ở Phú Tân là 15.000 tấn/tháng, hoạt động từ đầu năm 2011. Đó là một trong hai nhà máy làm gạo đồ, nhà máy còn lại tại Long An do doanh nhân Thái Lan đầu tư.

Ông Trung cho ví dụ một nhà máy chà gạo trắng có công suất 30.000 tấn, mức đầu tư giá chót cũng 100 – 150 tỉ đồng. Với gạo đồ phải đầu tư gấp năm lần mức này, lại mất hai năm tiếp cận thị trường gạo đồ, bỏ ra vài chục ngàn USD cho nhân viên kỹ thuật đi học ở nước ngoài trong sáu tháng, hoàn thiện quy trình sấy, ngâm, hấp rồi sấy, kho dự trữ, bóc vỏ, lau bóng…

Thị trường lớn nhất của Vinh Phát xoay sang Bangladesh và các nước vùng Trung Đông. Cách làm gạo đồ của Vinh Phát chi phí cao do lúa tươi phải sấy rồi mới ngâm nước nóng, hấp, rồi sấy lại…, nhưng cũng vì cách làm này giá gạo đồ của Việt Nam cũng cao hơn. Gạo đồ có giá bán tương đương gạo trắng 5% tấm. Hồi tháng tư, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 770 – 780 USD/tấn; gạo đồ 780 – 800 USD/tấn. Có lúc giá gạo 5% còn 450 USD/tấn, gạo đồ vẫn giữ giá bán 490 USD/tấn.

Gạo đồ có hương vị ngọt

Gạo đồ (parboiling) thường cho cơm khô, có thể ăn bằng tay nên được người đạo Hồi ưa chuộng. Gạo đồ có quy trình chế biến từ lúa được ngâm nước nóng, hấp trong hơi nước ở nhiệt độ và thời gian quy định, rồi sấy khô, sau đó xay xát, đánh bóng. Quá trình đồ gạo thúc đẩy các chất dinh dưỡng từ cám đi vào bên trong hạt, hương vị hậu ngọt hơn so với gạo thường.

Nguồn vốn tự có từ cụm chế biến gạo trắng của Vinh Phát không đủ để ông Trung làm nhà máy gạo đồ. Phải đi vay ngân hàng và phải giải thích vì trong suy nghĩ được “định dạng” của các nhân viên tín dụng chưa hề có gạo này.

Thị trường không dễ ăn

Theo VFA, nhu cầu gạo đồ của các quốc gia theo Hồi giáo khoảng 3,5 – 4 triệu tấn/năm. Sản lượng gạo đồ của Việt Nam có thể đạt 300.000 – 400.000 tấn nếu VFA cổ vũ các thành viên đầu tư lớn vào cuộc chơi gạo đồ.

Một thành viên của VFA cũng đang xây dựng nhà máy làm gạo đồ có công suất 500 tấn/ngày tại huyện Châu Thành, An Giang, có thể hoạt động trong năm nay.

Từ hàng chục năm nay, nhiều doanh nhân trong nước, đối tác nước ngoài trong Liên doanh gạo Việt – Mỹ, cũng đã nghĩ tới gạo đồ nhưng họ phải “tự xử” với thị trường chứ chưa có khuyến khích gì từ chính sách. “Chuẩn bị trong mười năm mới dám làm nhà máy gạo đồ. Khó tìm được sự ủng hộ nên tôi tự xoay xở. Định làm thêm một nhà máy nữa nhưng thấy Ấn Độ mở cửa nhà máy gạo đồ lại, nên tôi ngưng ý định đó”, ông Trung nói.

Một nhà máy liên doanh gạo của Iraq đặt tại Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cũng không dám làm gạo đồ. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, trợ lý tổng giám đốc công ty CP bảo vệ thực vật An Giang, gạo đồ thích hợp cộng đồng Hồi giáo, chất lượng dinh dưỡng trong gạo đồ tốt. Khi chế biến, tỷ lệ gạo thu hồi cao hơn gạo trắng. Nhưng đó là một thị trường đặc thù, nếu có trục trặc thì sản phẩm không thể bán ở nội địa.

Bà Lý Thanh, giám đốc công ty TNHH Khiêm Thanh, ấp Long Hoà 2, xã Long Hoà, huyện Phú Tân, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu gạo khá lớn ở Phú Tân nói rằng giá gạo đồ trên thị trường xuất khẩu luôn cao hơn khoảng 50 USD/tấn so với gạo trắng thường cùng loại. Doanh nghiệp cần lắm giải pháp hỗ trợ để đầu tư chế biến gạo đồ xuất khẩu.

Theo Hoàng Lan

SGTT


Báo cáo phân tích thị trường