Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
5 bài học lớn không thể bỏ qua
12 | 06 | 2008
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã trình bày báo cáo quan trọng đánh giá tác động hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam sau 1 năm rưỡi gia nhập WTO.

Với góc nhìn trực diện trên cơ sở hàng loạt những diễn biến sôi động của nền kinh tế thời gian gần đây, Bộ KH-ĐT đã chỉ ra 5 bài học lớn cần rút kinh nghiệm. Qua đó có thể thấy được rất nhiều “những việc cần làm ngay” để cải thiện nền kinh tế đất nước giữa lúc khó khăn này.

 

Bài học thứ nhất là sự kết hợp giữa thực thi các cam kết hội nhập và tận dụng hội nhập, gia nhập WTO để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây chính là nhân tố quan trọng nhất đang tiếp tục tạo niềm tin vào tiềm năng phát triển và tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam. Qua đó thúc đẩy hoạt động đầu tư (nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và kinh doanh phát triển. Quan hệ tương tác giữa đổi mới, đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, với tiến trình gia nhập và thực thi cam kết WTO trở nên ngày càng chặt chẽ hơn, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Công nghiệp chủ yếu vẫn là sơ chế, gia công với giá trị tăng thêm chưa cao và còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Chủng loại hàng hóa còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu. Tuy thị trường tài chính, hoạt động ngân hàng và thị trường bất động sản khá sôi động nhưng lại ít chuyển hóa sang nền kinh tế thực. Đến năm 2007, khu vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn còn nhỏ bé, chiếm chưa tới 2% GDP.

(Trích Đánh giá về chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - nguồn: Bộ KHĐT).

Bài học thứ hai và thứ ba là về lợi thế so sánh gồm dạng so sánh tĩnh (những lợi thế vốn có như nhân công rẻ, thông qua giá) và dạng so sánh động (những lợi thế nhờ sự phát triển công nghệ sản xuất, không qua giá). Cả hai kiểu so sánh trên đều đã có bước phát triển tích cực sau 1 năm rưỡi gia nhập WTO. Đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục nâng cao các lợi thế so sánh của nền kinh tế đất nước.

 

Bài học thứ tư  là việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững. Đây là bài học đặc biệt quan trọng, góp phần giúp chúng ta nhìn nhận chính xác hơn để khắc phục những khiếm khuyết, đưa nền kinh tế phát triển ngày càng thực chất. Bộ KH-ĐT đã phân tích bài học này trên 4 khía cạnh, qua đó cho thấy chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năng lực thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực kết cầu hạ tầng đều chưa đạt như mong muốn và cần được cải thiện kịp thời.

 

Bài học thứ năm là bên cạnh ba “nút thắt cổ chai” cơ bản (những bất cập về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực), Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hai rủi ro là bất ổn kinh tế vĩ mô và gắn kết xã hội yếu đi. Lạm phát cao, nhập siêu lớn và sự xuất hiện những dấu hiệu dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính-ngân hàng là bài toán đa diện phức tạp nước ta đang phải đối phó.

 

Đó đều là những vấn đề không đơn giản đòi hỏi chúng ta phải vươn lên tầm cao mới về bản lĩnh chính trị, quyết tâm và trí tuệ. Điều quan trọng là phải tiếp tục công cuộc đổi mới để cùng với tiến trình hội nhập - một điều kiện cần cho sự phát triển - thực sự tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững.



Nguồn: Hà Nội Mới
Báo cáo phân tích thị trường