Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôi nói thật với thủ tướng (kỳ 10): Nửa đời còn lại...
20 | 08 | 2007
Lúc mới đầu, sau khi rời Giám Lợi tôi đến Thâm Quyến làm việc trong một xí nghiệp tư nhân người Đài Loan.

Tôi giúp ông Ngô - chủ Công ty hữu hạn phát triển nông nghiệp Đại Sơn, Đài Loan, quản lý một nông trường. Còn vợ tôi làm việc ở xưởng tơ tằm cũng của ông Ngô này.

Hai tháng sau, một hôm tôi nhận được điện thoại của ông Đinh Thẩm Tài - trợ lý tổng tài Tập đoàn Lam Điền Trung Quốc - nói tổng tài tập đoàn muốn gặp tôi, yêu cầu tôi đi Bắc Kinh một chuyến.

Tổng giám đốc yểu mệnh

Nguyên đán năm 2001, tôi bay đến văn phòng của Tập đoàn Lam Điền. Tổng tài Tập đoàn Lam Điền, ông Cù Đào Ngọc, là người thẳng thắn, không cần nói lời xã giao, gặp tôi đã đặt ngay vấn đề muốn tôi nhận cho chức vụ tổng giám đốc Công ty hữu hạn phát triển nông nghiệp Chu Hải.

Mặc dù ông Ngô hết sức giữ tôi lại, đãi ngộ cho tôi cũng rất cao, nhưng dù thế nào về hình thái ý thức cũng có khoảng cách rất lớn. Tôi cũng đặc biệt có phản cảm với các thương nhân Đài Loan, Hong Kong, Macau thường hay nói chuyện về tôi vì viết thư cho thủ tướng mà bị buộc phải từ chức, hơn nữa tôi vẫn là một đảng viên cộng sản nên tôi không hề do dự gì đã nhận lời Cù tổng tài.

Sau khi nhậm chức được ba ngày, tôi nhận được một quyết định bổ nhiệm của tổng tài Công ty Lam Điền: “Mời đồng chí Lý Thịnh An giữ chức tổng giám đốc Công ty hữu hạn phát triển nông nghiệp Chu Hải, thời gian là hai năm”. Cù tổng tài sau khi được sự nhất trí của tôi, đã đổi tên tôi thành Lý Thịnh An. Tổng tài mong tôi quên đi quá khứ, làm lại từ đầu.

Tháng 2-2001, có một việc bất ngờ ngoài ý muốn xảy ra. Huyện Giám Lợi có mấy vị luyện tập pháp luân công đến quảng trường Thiên An Môn luyện công. Trong đó có một người là vợ của Trần Bình Thu, bạn học của tôi thời cấp III.

Một số cán bộ xã của huyện Giám Lợi bị xử lý. Trung ương, tỉnh, thành phố các cấp đều ra chỉ thị có thời hạn tìm cho được những phần tử ngoan cố theo phái pháp luân công. Trong quá trình truy xét, lãnh đạo địa phương thành phố Kinh Châu hoài nghi vợ chồng Trần Bình Thu có đến Công ty nông nghiệp Đài Sơn, chủ là người Đài Loan. Lúc đó đã có rất nhiều lãnh đạo, bạn bè, đồng sự gọi điện thoại cho tôi hỏi kết cục của vợ chồng Trần Bình Thu.

Tôi nói thật với họ vợ chồng Trần Bình Thu không hề đến chỗ tôi, nhưng Công an Giám Lợi nhất quyết là có. Họ không tin, cử nhiều người lục soát ở nông trường để bắt cho được quả tang vợ chồng Trần Bình Thu.

Ngày 27-2, hai vị Công an huyện Giám Lợi cuối cùng cũng tìm được nơi tôi làm việc, bất ngờ xuất hiện trước bàn làm việc của tôi. Không tìm được vợ chồng Trần Bình Thu, nhưng họ lại bất ngờ phát hiện bí mật: Lý Xương Bình làm việc ở Công ty Lam Điền đã đổi tên thành Lý Thịnh An. Công nhân viên của công ty từ đó mới biết tên thật của tôi là Lý Xương Bình.

Tin tức rất nhanh được truyền đến những nhà lãnh đạo Giám Lợi, Kinh Châu. Ngày 12-3, đột nhiên nhận được điện thoại của Cù tổng tài, tôi vội đi Bắc Kinh.

Ngày 15-3 chính là ngày quốc hội bế mạc hội nghị, ngày Thủ tướng Chu Dung Cơ trả lời nhà báo, tôi đến Bắc Kinh. Cù tổng tài hết sức xin lỗi tôi, nói cho tôi biết lãnh đạo Kinh Châu sau khi biết tôi làm việc ở Công ty Lam Điền đã tỏ ra tức tối, chẳng vui tí nào. Cù tổng tài nói công ty mẹ của Lam Điền đóng ở Kinh Châu, không thể tách rời sự ủng hộ của lãnh đạo Kinh Châu, hi vọng tôi có thể hiểu được nỗi khổ của ông.

Ngày 20-3, tôi rời khỏi Công ty hữu hạn phát triển nông nghiệp Chu Hải, làm tổng giám đốc mới được 45 ngày.

Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc

Tôi được bình chọn là một trong 10 nhân vật nổi tiếng năm 2000, đó là điều tôi không bao giờ nghĩ tới. Nhưng khi tôi đọc những bức thư của độc giả cả nước gửi cho tôi và những bình luận trên mạng, tôi ý thức một cách sâu sắc là: kết quả này báo hiệu nhân dân Trung Quốc rất tôn trọng sự thật, rất khát khao sự thật, đồng thời thấy cái thiếu nhất vẫn là ánh hào quang chiếu rọi của dân chủ và pháp chế.

Nhân dân Trung Quốc kêu gọi việc thật nói thật, đặc biệt mong muốn có môi trường và thổ nhưỡng cho những việc thật nói thật tồn tại muôn đời.

Khi tôi một lần nữa thất nghiệp, ông Ngô, chủ Công ty Đại Sơn, Đài Loan, vẫn nhiệt tình mời tôi hợp tác. Tôi rất cảm tạ thành ý của ông Ngô. Nhưng tôi chưa vội đi tìm việc mà đến Trường đại học kinh tài Trung Nam, Trường đại học Nông nghiệp Hoa Trung Vũ Hán - trường mẹ của tôi, để xin ý kiến thầy giáo định hướng cho tôi con đường nửa đời về sau.

Các thầy giáo của tôi là Hà Tín Sinh, Lưu Liệt Long bố trí cho tôi ở một mình một phòng trên nhà nghỉ núi Sư Tử, bên cạnh hồ Nam Hồ để tịnh tâm đã, sau đó mới nghĩ đến làm gì để chọn lựa.

Tôi một mình ngồi trên núi Sư Tử, theo phương pháp “giữ ý” của khí công, loại trừ những tư tâm tạp niệm trong đầu óc. Khi tôi ngừng lại, liền tự hỏi mình nhiều lần: “Sứ mệnh của anh là gì? Nguyện vọng của anh lớn nhất bây giờ là gì?”.

Kỳ thực tôi không quên được cuộc đời đã trải qua của mình, không quên được những hình ảnh gian nan vất vả của cha mẹ tôi.

Mười mấy năm về trước, các thầy giáo và đồng học của tôi đã ngồi tại nơi đây, trên núi Sư Tử thảo luận một vấn đề khá hóc búa: “Sứ mệnh của Viện Nông học là gì? Sứ mệnh sinh viên Viện Nông học là gì?”.

Có đồng học nói: “Sứ mệnh của chúng ta là làm khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp hưng thịnh”. Có đồng học nói: “Sứ mệnh của chúng ta là thực hiện nông nghiệp hiện đại hóa...”.

Quan niệm của tôi lúc đó bị đả kích. Cho đến hôm nay nghĩ lại, tôi vẫn kiên trì như vậy. Nhiệm vụ cơ bản của Viện nông học là rút ngắn ba điều cách biệt lớn, ba khoảng cách lớn: khoảng cách giữa nông nghiệp và công nghiệp, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Sứ mệnh của sinh viên Viện nông học là nỗ lực triệt để vì sự nghiệp giải phóng nông dân. Cho đến hôm nay, nhớ lại tình cảnh biện luận lúc ấy, tôi vẫn giữ vững được tinh thần.

Đối diện với mặt nước Nam Hồ phẳng lặng, tôi dùng toàn bộ sức lực của mình phóng hết âm thanh hô to: “Lý Xương Bình không thể chết! Lý Xương Bình không thể chết!”. Rồi tôi bừng tỉnh, lòng nhẹ lâng lâng, bất chợt ngâm lên bài thơ “Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc” của bạn tôi.

Tôi hiểu rõ sứ mệnh của mình và lại trở về Quảng Châu, tìm gặp rất nhiều bạn bè đã từng theo dõi vận mệnh của tôi. Những bạn bè này, đa số là gặp mặt lần đầu nhưng thân thiết như anh em ruột thịt, mới gặp mà đã thân nhau như bạn cố tri. Họ đều có chủ trương trên cơ sở tổng kết 18 năm công tác nông thôn của tôi, tôi sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Mọi người cổ vũ động viên tôi đem công việc này làm cho tốt, phát huy triệt để ưu thế của mình.

Tháng 4-2001, tôi bắt đầu sự nghiệp nửa đời về sau của mình, vì nông dân, nông nghiệp, nông thôn mà làm việc.

Theo sự đặt hàng của báo Gió Nam, lại một lần nữa vì nông dân mà phát biểu, tôi viết cho báo bài “Lại nói về đóng góp của nông dân”.

Trong những ngày ở Bắc Kinh, tôi được may mắn tiếp xúc với nhiều chuyên gia, học giả, sinh viên có cảm tình nồng hậu với nông dân. Nhờ đó về sau tôi nhận được nhiều bài giảng có giá trị, có ý nghĩa lịch sử của các chuyên gia, học giả gửi tặng, nhất là bài Cho nông dân sự đãi ngộ quốc dân như nhau của bậc tiền bối Đỗ Nhuận Sinh đăng trên tạp chí Nông Thôn nhân kỷ niệm 45 năm ngày ra mắt của tạp chí này. Cụ Đỗ Nhuận Sinh đã có hơn 90 bài phát biểu quan trọng, nhưng đây là bài tổng kết vấn đề tam nông mà cụ đã nghiên cứu suốt cả đời người.

Đọc bài của cụ Đỗ, tôi cảm thụ được rất nhiều điều, càng làm cho tôi thêm kiên định quyết tâm, thêm dũng khí để vì nông dân phục vụ.

Sau đó theo lời mời của nhiều trường cao đẳng, đại học cả nước, các đề tài tôi nói chuyện đều xoay quanh vấn đề nông dân như: Vấn đề nông dân là bản chất của vấn đề Trung Quốc, Giải phóng nông dân là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề tam nông, Sự mất cân bằng của Trung Quốc... nhằm giúp học sinh sinh viên hiểu được tầm quan trọng của sự nghiệp giải phóng nông dân.

Tôi trước sau đã lần lượt đến đại học Vũ Hán, đại học Khoa kỹ Hoa Trung, đại học Trung Sơn, đại học Nhân dân Trung Quốc, đại học Sư phạm Bắc Kinh, đại học Nông nghiệp Trung Quốc, đại học Nam Khai và mấy chục trường cao đẳng khác diễn giảng. Tôi muốn có nhiều người hơn nữa giống như tôi trở thành con em thật sự của nông dân.

Trong những ngày diễn giảng ở các trường đại học, lần này đến lần khác tôi cảm thấy mình không cô độc. Hàng nghìn hàng vạn thanh niên tri thức đang quan tâm lưu ý đến vận mệnh của mấy trăm triệu nông dân. Rất nhiều trường đại học có con em nông dân. Những tổ chức nghiên cứu vấn đề tam nông được thành lập. Tháng hè hoặc nghỉ đông họ đều đến nông thôn điều tra nghiên cứu. Từ những việc làm cụ thể của sinh viên, tôi nhìn thấy tiền đồ hi vọng của nông dân Trung Quốc.

Có lúc tôi có cảm giác có lẽ vận mệnh của nông dân Trung Quốc gắn liền với vận mệnh của lớp thanh niên tri thức thời đại này...

LÝ XƯƠNG BÌNH (Trần Trọng Sâm dịch)



(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường