Những ngày đầu năm, trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc dù hạn chế do điều kiện sức khoẻ, song Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui, ông phấn khởi trước những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới trên nhiều lĩnh vực mà đất nước đạt được, đặc biệt là thắng lợi trên mặt trận kinh tế, chính trị - đối ngoại, xoá đói giảm nghèo... Tuy nhiên Đại tướng còn có những điều trăn trở bấy lâu nay. Ông nói nhiều về các vấn đề: Tình trạng tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng vẫn chưa được ngăn chặn và vấn đề quan tâm tranh thủ ngoại lực nhưng chưa coi trọng đúng mức phát huy nội lực, về GDP bình quân đầu người thấp, còn tụt hậu xa so với nhiều nước, khoa học và giáo dục chưa thật sự là quốc sách hàng đầu...
Một vấn đề rất cụ thể nhưng được ông đặc biệt quan tâm, đó là cuộc sống hiện nay của những người nông dân. Nông dân là người chịu thiệt thòi nhất trong quá trình công nghiệp hoá (CNH) đất nước, là người được hưởng ít hơn thành quả của quá trình này.
Đại tướng nói: "Thực tế cho thấy nhiều cuộc khiếu kiện đông người diễn ra hiện nay là do lấy đất đai của nông dân nhưng lại không giải quyết được vấn đề cơ bản là cuộc sống lâu dài cho người dân. Vấn đề nông dân, nông nghiệp là chiến lược cách mạng rất quan trọng đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải thực sự quan tâm đúng mức. Giải quyết cuộc sống cho nông dân sau khi lấy đất của họ để thực hiện CNH đất nước là vấn đề thuộc về quan điểm, là định hướng XHCN của đường lối CNH mà Đảng và Nhà nước đề ra".
Như chúng ta đã biết, từ trước Cách mạng Tháng 8, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với đồng chí Trường Chinh nghiên cứu viết cuốn "Về vấn đề dân cày" (ký là Qua Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình - bút danh của Võ Nguyên Giáp), nên dễ hiểu là vì sao ông quan tâm đến nông nghiệp, nông dân như vậy.
Có lẽ bởi đã nung nấu từ lâu, Đại tướng nói: "Đây là vấn đề lớn lắm, đây là mặt trái của quá trình CNH, đô thị hoá và phát triển nói chung của mọi quốc gia, nhưng tôi cho rằng chúng ta chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề, nên chưa quan tâm đúng mức để có chính sách, biện pháp giải quyết vấn đề cho nông dân. Và có thể nói như vậy là chúng ta có lỗi với bà con".
Nói rồi Đại tướng phân tích: "Với người nông dân, đất đai là tài sản duy nhất, cuộc sống của họ đời này sang đời khác bám vào mảnh vườn, thước ruộng. Lấy mất đất đai mà chưa tìm ra cách giải quyết ổn thoả lâu bền cho người nông dân thì khác gì đẩy họ ra bên lề xã hội!".
Ông nói tiếp: "Tôi theo dõi thì thấy các nhà máy, công trình sau khi lấy đất của người nông dân đều trả một khoản tiền đền bù coi thế là xong nhiệm vụ, mà không thấy rằng lấy đất của nông dân là lấy mất cái gốc cuộc sống của họ. Chúng ta đều thấy cả đấy thôi, không ít gia đình nông dân đã lâm vào tình cảnh quẫn bách, sau một thời gian choáng ngợp, với số tiền lớn chưa bao giờ có trong tay.
Nhiều gia đình không biết cách làm để có thể phát triển cuộc sống tiếp theo. Khi tiền đã tiêu hết, đất đai không còn, làm gì để sống? Đây là một thách đố mà riêng người nông dân không giải quyết được. Không ít gia đình còn tồi tệ hơn nữa khi mất đất, không có việc làm, con cái lâm vào tệ nạn, vợ chồng lục đục, anh em, gia đình mất đoàn kết...
Cảnh làng quê bị thay thế bởi cuộc sống pha tạp, đô thị hoá do thiếu sự chuẩn bị, thiếu những bước đi thích hợp, thiếu sự quan tâm chỉ đạo đến nơi, đến chốn. Được biết nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã có quyết tâm cao, biện pháp tốt để giải "bài toán khó" này, khi lấy đất của nông dân để làm nhà máy, có nước người ta không giao hết tiền đền bù cho người dân để coi hết trách nhiệm, mà chỉ trả số tiền cho người dân vừa đủ để sống hàng tháng, số tiền còn lại họ mua cổ phiếu cho người nông dân ở chính nhà máy mọc lên trên mảnh đất đó, như vậy người nông dân đã trở thành thành viên chủ sở hữu nhà máy, có cơ hội tạo dựng cuộc sống mới".
Đại tướng không được vui khi nhắc tới lần ông đi kiểm tra tình hình tái định cư cho bà con đồng bào các dân tộc của dự án Thuỷ điện Hoà Bình trước đây. Ông nói: "Cũng như những năm tháng kháng chiến, nay bà con sẵn sàng hy sinh cả nhà cửa, ruộng vườn vì dòng điện của tổ quốc cho sự nghiệp CNH đất nước, nhưng nghịch lý là, cuộc sống của nhiều gia đình vì thế mà gặp nhiều khó khăn.
Nghiêm khắc mà nói, chúng ta thực sự có lỗi với đồng bào về điều này! Bây giờ là công trình Thuỷ điện Sơn La, có hàng vạn gia đình phải tái định cư, tôi đề nghị các cấp lãnh đạo kiểm tra chặt chẽ vấn đề di dân. Phải bảo đảm cuộc sống mới của họ được tốt hơn, chí ít thì cũng phải bằng như cũ. Nếu cuộc sống nơi ở mới của họ tồi đi, thì đó là một khuyết điểm thuộc về định hướng CNH xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta thực hiện CNH XHCN chứ không phải CNH tư bản chủ nghĩa, để diễn ra cảnh bần cùng hoá người nông dân. Đây là một bài toán khó, nhưng không phải không có cách giải quyết được và điều đó phụ thuộc trước hết vào quan điểm quần chúng, thái độ và trách nhiệm của các cấp Đảng, chính quyền và các cán bộ được giao phụ trách về vấn đề này".
Chúng tôi đồng cảm với điều Đại tướng đang trăn trở suy tư và cả niềm lạc quan với ông khi nghĩ rằng đất nước giờ đây đã có điều kiện hơn nhiều để có thể chăm lo cho đồng bào các dân tộc nói chung và những người nông dân đang chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi vì những cống hiến cho sự nghiệp CNH đất nước nói riêng. Ngày đầu xuân chúng tôi ghi lại đôi điều trăn trở, suy tư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của QĐNDVN - với mong muốn sẻ chia với bạn đọc về những công việc lớn của đất nước mà toàn dân đang phải chung tay gánh vác.