Kỳ tích xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, năng suất lúa Việt Nam vào loại cao nhất vùng Đông Nam Á, bình quân 5,3 tấn/ha/vụ; riêng vụ đông xuân nhiều tỉnh thành như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp lên đến 7,2 - 7,3 tấn/ha, tương đương với những nước trồng lúa có năng suất cao nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này thể hiện trình độ sản xuất và thâm canh cây lúa của bà con nông dân khá cao. Ngay cả báo chí Thái Lan gần đây cũng đã viết, xuất khẩu gạo tăng nhanh của Việt Nam chủ yếu là do khả năng cạnh tranh cao, chi phí thấp hơn, giá tương đối rẻ và chất lượng được cải thiện.
|
Thu hoạch lúa tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CAO THĂNG |
Thái Lan cần phải cải thiện khả năng cạnh tranh, đặc biệt là ở các thị trường ASEAN, nơi mà gạo Việt Nam chiếm tới 59,9% thị phần trong khi gạo Thái chỉ chiếm 39,6%. Thái Lan khó có thể cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu gạo bởi nhiều yếu tố như năng suất thấp hơn, chi phí sản xuất cao hơn, giá cao hơn và tiếp thị rời rạc. Năng suất lúa của Việt Nam trong vụ mùa hiện nay trung bình đạt 862 kg/rai (đơn vị tính năng suất lúa của Thái Lan), mức cao nhất trong các nước ASEAN, trong khi năng suất lúa của Thái Lan trung bình chỉ đạt 448kg/rai, thấp hơn mức trung bình 680 kg/rai của thế giới. Chi phí sản xuất lúa của Việt Nam tại Cần Thơ, chỉ ở mức 4.979 baht/rai trong năm 2008, trong khi chi phí sản xuất tại tỉnh Ayutthaya của Thái Lan tới 5.800 baht/rai.
Không chỉ lúa gạo, các mặt hàng nông sản khác, từ chỗ không có gì và chẳng ai biết, chỉ trong thời gian ngắn trở thành đối thủ cạnh tranh những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới như cà phê (số 1 thế giới về cà phê Robusta), hồ tiêu (số 1 thế giới) và mấy năm nay là điều nhân (vượt qua Ấn Độ thành số 1 thế giới). Trong lúc chúng ta kêu gọi học tập Thái Lan về việc xây dựng kho trữ lúa gạo, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại công nghiệp TP Cần Thơ, một nhà nghiên cứu và am hiểu về lúa gạo cho biết, chính Thái Lan cũng tìm hiểu và học hỏi cũng như thán phục bà con nông dân Việt Nam về sự linh hoạt và dạn dày, có thể đứng vững trước những tình huống bất lợi của thị trường. Nông dân Thái Lan gần như được nhà nước “lo đầy đủ”, xây dựng kho trữ lúa gạo, đến mùa thu hoạch, có thể gửi vào kho, chờ giá cao để bán, hoặc được nhà nước đảm bảo giá sàn không lo sợ lỗ. Vì thế nhiều khi nông dân trở nên không linh hoạt hay nhạy bén như nông dân trồng lúa Việt Nam.
Tạo điều kiện nông dân nâng cao thu nhập
Giáo sư tiến sĩ Peter Timmer, chuyên gia cao cấp Trung tâm Hội nhập toàn cầu Hoa Kỳ nhận định, chính nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong một thị trường đầy biến động như lúa gạo trên thế giới. Ngay cả lúc giá lúa gạo tăng cao bà con hưởng lợi rất ít và không thể trở nên giàu có nếu chỉ trồng lúa, bởi diện tích trồng lúa quá nhỏ nếu tính bình quân trên đầu người. Nhưng nếu giá lúa gạo giảm, bà con là người chịu nhiều thiệt thòi nhất, không khuyến khích họ sản xuất, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực.
Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang cung cấp một vài con số liệu không vui cho thấy đầu tư lại cho nông nghiệp chưa xứng tầm với vai trò của nó. Điều đáng buồn là đầu tư cho nông nghiệp hầu như mỗi năm đều giảm. 10 năm trước (năm 2000), tổng đầu tư xã hội cho nông nghiệp bằng 13,8% GDP, năm 2005 chỉ còn 7,5%, năm 2008 rớt xuống 6,45% và năm 2009 là 6,26%, trong khi GDP của ngành nông nghiệp là 20,91%. Điều này gây tác động không tốt cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNT (IPSARD) nhấn mạnh, khi nền kinh tế gặp khó khăn, nếu những ngành khác bị vỡ kế hoạch thì ngành nông nghiệp lại vượt qua một cách ngoạn mục, nhưng bà con lại bị “thương tích đầy mình”.
Hiện tổn thất sau thu hoạch đối với lúa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến 13,7%. Để giúp bà con nâng cao thu nhập chỉ tập trung vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, nếu phơi sấy và tồn trữ đúng cách có thể làm gia tăng giá trị thêm 200 triệu USD trong xuất khẩu, lượng tiền đủ để vùng lúa ĐBSCL trang bị thêm 3.000 hệ thống sấy lúa công nghiệp.
Chính vì vậy, cùng với việc hỗ trợ bà con cơ giới hóa sản xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải xây dựng kho dự trữ lúa gạo 2 năm 2009 và 2010 2 triệu tấn kho để đưa tổng lượng kho này lên 4 triệu tấn vào cuối năm 2010. Nhưng Tiến sĩ Võ Hùng Dũng đề xuất, có thể hỗ trợ bà con có điều kiện xây kho trữ lúa, không những làm giảm nhẹ gánh nặng cho các doanh nghiệp mà con giúp nâng cao thu nhập cho bà con một cách cụ thể. Trước đây bà con vùng ĐBSCL có tập quán trữ lúa vào bồ sau khi phơi sấy và bán khi được giá, nhưng thời gian qua, bà con lại có thói quen bán lúa tại ruộng, vô tình làm giảm đi phần lợi nhuận nếu như phơi sấy và trữ lại trong bồ, chờ giá cao để bán. Tất nhiên, không thể nông dân nào cũng có thể xây kho, trước hết có thể chọn ra những nông dân có điều kiện như diện tích và sản lượng lúa khá lớn làm thí điểm.