Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công nghiệp hoá và kinh tế biển nhìn từ hạt muối
16 | 09 | 2011
Cuối cùng, sau nhiều tháng trì hoãn để kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ muối, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thống nhất để bộ Công thương cấp nốt hạn ngạch nhập 50.000 tấn muối làm nguyên liệu sản xuất hoá chất trong tổng hạn ngạch 102.000 tấn của năm 2011.

Thông tin không rõ ràng

Trước đó, theo than phiền của các doanh nghiệp hoá chất, họ đã không mua được muối nguyên liệu đạt chất lượng, dù đã gửi công văn đề nghị được mua khắp nơi, nhưng doanh nghiệp sản xuất muối không trả lời, hoặc trả lời không có khả năng cung cấp. Có nơi còn đứng trước nguy cơ thu hẹp, hoặc ngừng sản xuất.

Công văn mới đây mà bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gửi bộ Công thương, làm tiền đề cho sự “thống nhất” nói trên, lại chứa nhiều thông tin không rõ ràng. Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, “các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp trong nước có thể sản xuất muối đạt chất lượng theo yêu cầu của ngành hoá chất”; “các doanh nghiệp muối công nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng của các doanh nghiệp sản xuất hoá chất” với lý do “hiện nay đã vào cuối vụ sản xuất muối 2011” và “đã có kế hoạch sản xuất muối phục vụ các ngành khác”.

Với hơn 3.000km bờ biển và một nền sản xuất muối lâu đời, Việt Nam không là nước xuất khẩu, mà phải nhập khẩu muối. Cũng thật nghịch lý, trong khi lượng muối tồn kho tính đến tháng 6 năm nay tới 235.000 tấn, mặt hàng này lại đang bị nhiều khách hàng lớn trong nước chê là không đạt chất lượng, không đủ số lượng. Không đạt, không đủ thì cũng phải cho nhập thôi (và chấp nhận hệ quả nhập siêu, đời sống diêm dân và doanh nghiệp sản xuất muối trong nước ít nhiều bị ảnh hưởng). Ngay cả khi lý do mà doanh nghiệp nhập khẩu muốn nhập chỉ vì giá rẻ thì cũng khó cản bước đi của họ, nếu không dùng đến biện pháp can thiệp hành chính vốn chẳng đặng đừng. Căn bản, lời giải vẫn phải là năng lực cạnh tranh của hạt muối.

Muối nội bị chê vì hai khuyết điểm: lẫn nhiều tạp chất và không đủ độ khô (trong khi đến nay vẫn chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng của muối ngoại khi nhập vào). Thực tế đó có thể là do điều kiện khí hậu thất thường và cách làm thủ công. Nhưng đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, lại có cả một chiến lược phát triển kinh tế biển, sao không bắt đầu từ bậc thang thấp – nâng cấp hạt muối, trước khi đeo đuổi những thứ cao xa, nhiều khi vượt quá khả năng của mình.

Không thể trình diễn hình ảnh một đất nước công nghiệp, quảng bá mặt tiền của một quốc gia biển bằng hình ảnh nhếch nhác của hạt muối và người làm ra nó.

Để cho hạt muối được mặn mà

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang tiến hành ở các địa phương, nhưng không thể chuyển dịch với việc đồng muối bị bỏ hoang, diêm dân phải bỏ xứ lên thành phố làm thuê. Việc chuyển dịch phải trên cơ sở nâng cấp nền kinh tế, sắp xếp công ăn chuyện làm, mà việc giúp họ từ nông dân (diêm dân) trở thành công nhân (nhà máy sản xuất muối công nghiệp) có thể là một ví dụ. Nâng cấp hạt muối không phải chỉ để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hoá chất hay sản phẩm y tế. Người tiêu dùng trong nước cũng có quyền được ăn muối sạch.

Diêm dân phải sống được với hạt muối làm ra từ mồ hôi nước mắt của mình. Rất nhiều việc cần làm với hạt muối, từ việc sắp xếp lại quy hoạch, tập trung thay vì manh mún; năng suất đầu tư, thay đổi công nghệ, quy trình, xây thêm kho bãi; khảo sát thị trường, tổ chức lại sản xuất để cân đối cung cầu, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của chúng… Có việc cần vai trò chính của Nhà nước, có cái thuộc doanh nghiệp, diêm dân.

Trong quá trình này, Nhà nước cần phải hoá giải những nghịch lý do mình tạo ra. Trong khi bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ Công thương đang kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất muối công nghiệp, nói như một giám đốc doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp: “Lãnh đạo một vài địa phương còn xem nhẹ việc đầu tư, phát triển đồng muối bởi họ cho rằng, đồng muối đem lại cho ngân sách địa phương không cao hơn so với các ngành nghề khác”.

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, thay vì năm nào cũng kêu không đủ nguyên liệu để sản xuất, hãy đầu tư trở lại cho diêm dân, doanh nghiệp, hay tự mình tổ chức sản xuất muối chất lượng cao nhiều hơn nữa để phục vụ mình. Một trong những lý do mà bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp hoá chất nhập khẩu muối nguyên liệu trong năm nay là các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp trong nước “đã có kế hoạch sản xuất muối phục vụ các ngành khác”. Không biết “ngành khác” ở đây là ngành nào, nhưng thứ tự phục vụ ưu tiên, có lẽ nên ưu tiên cho ngành đang phải nhập khẩu.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường