Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
26 | 07 | 2007
Với bờ biển dài tới 3.260 km, tức là cứ 100 km2 đất liền thì có một km bờ biển; có 112 cửa sông lạch; vùng biển rộng trên một triệu km2, lớn gấp ba lần diện tích đất liền; có gần một nửa số tỉnh/thành phố có biển. Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn về biển

Tuy có nhiều tiềm năng lớn như vậy, nhưng để khai thác tiềm năng này, đối với Việt Nam vẫn là một thách thức lớn.

Thứ nhất, kinh tế biển hiện mới đóng góp khoảng 12% GDP, chỉ bằng một nửa tỷ lệ dân số sống ở vùng biển so với cả nước (trong đó khai thác hải sản chiếm 2%, khai thác dầu khí chiếm 8,5%, chế biến hải sản khoảng 2%, vận tải biển và du lịch biển chiếm 1%, sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ khác liên quan trực tiếp đến biển chiếm khoảng 5%). Nguyên nhân, do việc khai thác còn mang tính chất nhỏ lẻ, các đảo đang được khai thác một cách tự phát.

Thứ hai, xét kinh tế biển theo nghĩa hẹp, tức là chủ yếu bao gồm đánh bắt, dầu khí và vận tải; nếu xét theo nghĩa rộng, kinh tế biển bao gồm khoáng sản biển khơi, đánh bắt và nuôi trồng, vận tải tàu biển, quốc phòng, du lịch và giải trí biển, các dịch vụ biển, nghiên cứu và giáo dục, chế tạo.

Tại Hội nghị TW IV và Chiến lược biển đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, với giá trị kinh tế biển chiếm khoảng 53-55% GDP, 55- 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trước hết cần thay đổi tư duy về biển, từ khai thác giá trị vật chất biển sang khai thác chức năng biển, …

Công tác điều tra cơ bản về biển cần được tiến hành khẩn trương để xác định được tiềm năng cả về giá trị vật chất, cả về chức năng biển; xác định các chỉ tiêu và phương pháp đo lường các chỉ tiêu về biển.

Một công việc quan trọng là cần có một chiến lược tổng hợp với các nội dung quan trọng, như tìm kiếm, bảo vệ, khai thác nguồn lợi biển và ven biển; ngành nghề; an ninh; bảo vệ và làm giàu môi trường biển; khoa học- công nghệ biển; xây dựng nguồn nhân lực; hợp tác khu vực và quốc tế; quản lý thống nhất biển quốc gia...

Một số nhiệm vụ và giải pháp cần được đặt ra đến năm 2010 trên các mặt:

+Phát triển mạnh vận tải biển để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá trên cơ sở tăng thêm tăng thêm được 192 tàu các loại, với tổng trọng tải 1,94 triệu DWT (trong đó tàu Container tăng 18 chiếc với 307,7 nghìn DWT, tàu dầu tăng 21 chiếc với 587,4 nghìn DWT...).

+Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, huấn luyện thuyền viên. Phát triển dịch vụ hàng hải và hỗ trợ, tập trung vào hiện đại cơ sở vật chất kỹ thuật cho khâu quản lý điều hành bảo đảm an toàn hàng hải và dịch vụ hàng hải. Phát triển thương mại biển, đảo và vùng ven biển có trọng điểm để sớm hình thành một số trung tâm thương mại mạnh tại một số khu vực biển. Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hải sản cao, ổn định và bền vững, cải thiện cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng mặt hàng chế tạo, sản phẩm chế biến.

+Tập trung phát triển du lịch đảo và du lịch ven biển, đến năm 2010 thu hút hoảng 4-5 triệu lượt khách quốc tế, 20- 30 triệu lượt khách trong nước đến du lịch biển. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ven biển, trước hết là dầu mỏ, khí đốt, than, quặng kim loại, chuẩn bị điều kiện khai thác khoáng sản ở biển sâu sau năm 2010. Tiếp tục phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản để đến năm 2010 đạt tổng sản lượng 4 triệu tấn.

+Đẩy mạnh sản xuất muối trên cơ sở thâm canh, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất các đồng muối hiện có, mở rộng diện tích những nơi thuận lợi nhất cho nghề muối, đưa diện tích lên 30- 35 nghìn ha vào năm 2010.

+Phát triển kết cấu hạ tầng biển trên cơ sở đầu tư nâng cấp các cụm cảng, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu. Nâng công suất cụm cảng phía Bắc lên 60 - 70 triệu tấn vào năm 2010, miền Trung 40 - 50 triệu tấn/năm, miền Nam 90 - 100 triệu tấn. Nâng cấp và chuẩn bị điều kiện xây mới một số sân bay ven biển.



Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường