Ban Chấp hành Trung ương đã nghe báo cáo và thảo luận các đề án do Bộ Chính trị trình: về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; về phương hướng bầu cử và chuẩn bị nhân sự Quốc hội khóa XII; về điều chỉnh thời gian tổ chức Ðại hội Ðảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng và cơ quan nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương cũng nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ sau Ðại hội X đến nay; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ ba đến Hội nghị Trung ương lần thứ tư; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp năm 2006; Báo cáo công tác tài chính Ðảng năm 2006.
Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới tạo cho đất nước ta những cơ hội lớn, đồng thời có cả những thách thức lớn. Các cơ hội và thách thức có mối quan hệ, tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau. Cơ hội không tất yếu phát huy tác dụng mà phụ thuộc nhiều vào nội lực và khả năng tận dụng cơ hội của chúng ta. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp, nhưng tác động đến đâu còn tùy thuộc vào nỗ lực vượt qua của chúng ta. Nếu chúng ta nỗ lực thì có thể biến thách thức thành động lực phát triển. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu rất cao, không chủ quan, thỏa mãn, quyết tâm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Quan điểm chỉ đạo của Ðảng về hội nhập kinh tế quốc tế là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập vì lợi ích đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hội nhập kinh tế quốc tế là công việc của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ðảng; phát huy tối đa nội lực, coi trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; gắn tốc độ tăng trưởng với chất lượng và hiệu quả, tăng trưởng kinh tế phải đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, nâng cao vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ðể hội nhập kinh tế quốc tế thành công, phải tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức trong toàn Ðảng, toàn dân, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế; hình thành nhanh và đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, phát huy tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của sản phẩm; bổ sung nguồn lực và chăm lo phát triển nông nghiệp, nông thôn; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò quản lý của Nhà nước, hoàn thiện các thiết chế dân chủ để bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ra Nghị quyết "Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới".
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và cho ý kiến về Ðề án Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta, biển có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển kinh tế biển; kinh tế biển đã có bước chuyển biến đáng kể và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tính đồng bộ của các chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô, nhận thức về vai trò, vị trí của biển, sự quan tâm phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, cả Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.
Ðể thực hiện thắng lợi Chiến lược biển, cần nâng cao nhận thức của toàn Ðảng, toàn dân về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng cơ sở luật pháp và lực lượng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển; đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học-công nghệ biển; triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển; tiếp tục xây dựng đồng bộ khung khổ pháp lý về biển và hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả đối với mọi vấn đề liên quan đến biển; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển; phát triển nguồn nhân lực và phát triển một số tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực kinh tế biển. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020".
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, quyết định một số vấn đề về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng và cơ quan nhà nước. Từ nhiều năm qua, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các ban đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã có nhiều đổi mới, đem lại kết quả tích cực nhưng nhìn chung bộ máy vẫn còn cồng kềnh, còn có mặt chưa hợp lý, chất lượng của một bộ phận đội ngũ cán bộ chưa cao, hiệu quả hoạt động trên một số lĩnh vực còn hạn chế.
Việc đổi mới, kiện toàn tổ chức các cơ quan đảng và cơ quan nhà nước phải phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị của nước ta do một đảng duy nhất lãnh đạo; với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; khắc phục tình trạng quan liêu, trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; làm cho bộ máy tinh gọn, đồng bộ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng mọi mặt đội ngũ cán bộ, công chức. Theo hướng này, các ban của Trung ương Ðảng sẽ được tổ chức lại thành sáu cơ quan; đảng bộ các cơ quan Trung ương tổ chức thành hai đảng bộ khối; lập ban cán sự đảng, đảng đoàn ở các cơ quan nhà nước và các đoàn thể theo đúng quy định của Ðiều lệ Ðảng, chủ yếu ở các cơ quan hành pháp, tư pháp và đoàn thể; các ban đảng, đảng ủy khối, ban cán sự đảng, đảng đoàn ở địa phương cơ bản giữ ổn định về tổ chức bộ máy như hiện nay. Các ủy ban và các cơ quan giúp việc của Quốc hội được kiện toàn, hoạt động chuyên sâu, thường xuyên và hiệu quả hơn. Tổ chức bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương theo tinh thần giảm bớt đầu mối, vận hành thông suốt, bảo đảm tính khoa học, hiệu lực và hiệu quả. Phương án cụ thể về tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XII sẽ được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 sắp tới. Kiện toàn tổ chức bộ máy viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp theo hướng đồng bộ, liên tục, hiệu quả. Kiện toàn tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chú trọng ở hai cấp Trung ương và cơ sở, khắc phục tình trạng hành chính hóa; đổi mới phương thức hoạt động, bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở.
Hội nghị thống nhất chủ trương chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần hiện có thuộc các cơ quan đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2007.
Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X xác định: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy tốt hơn vai trò của đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội; tổ chức lại một số Ủy ban của Quốc hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trên tinh thần đó, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định phương hướng chuẩn bị nhân sự và lãnh đạo bầu cử Quốc hội khóa XII phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm các yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu, lựa chọn và bầu được những đại biểu Quốc hội trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, có năng lực và điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội.
Do điều kiện lịch sử, việc tổ chức Ðại hội Ðảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ ngày thành lập nước đến nay có sự chênh lệch khá lớn về thời gian, do đó cần được điều chỉnh cho hợp lý hơn về thời điểm. Ban Chấp hành Trung ương xác định việc điều chỉnh cần dựa trên nguyên tắc: các sự kiện này tổ chức trong cùng một năm, là năm đầu của mỗi kế hoạch 5 năm; bảo đảm sự đồng bộ, hợp lý của hệ thống chính trị; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Ðảng trong các cơ quan nhà nước ở các cấp; tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức; phù hợp với điều kiện và tình hình sản xuất của đại đa số nhân dân cả nước.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4; Báo cáo kết quả công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Báo cáo công tác tài chính Ðảng năm 2006.
Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân phát huy những ưu điểm, thành tích đã đạt được trong thời gian qua, tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba, triển khai có kết quả các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007; tạo tiền đề cho bước phát triển mạnh mẽ, bền vững của đất nước những năm tiếp theo.