Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vấn đề tham nhũng từ góc nhìn của một lão thành cách mạng
11 | 07 | 2007
Từ sự kiện tham nhũng tại PMU 18, mới đây đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đã có bài phân tích về vấn đề tham nhũng và về vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới trên báo Nhân Dân. Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bài viết này.
Vụ tiêu cực xảy ra tại PMU18 thuộc Bộ Giao thông vận tải vừa là một vụ án tham nhũng tệ hại nhất, vừa là "nỗi sỉ nhục quốc gia", ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ðảng, Nhà nước ta ở trong và ngoài nước.

Từ vụ này đã đặt cho Ðảng, Quốc hội, Nhà nước ta rất nhiều vấn đề then chốt, từ đường lối, chính sách, đến tổ chức, quản lý, bồi dưỡng, khen thưởng và kỷ luật cán bộ.

Nhân dân không những chờ đợi chúng ta xử lý vụ này bằng luật pháp trước mắt, mà còn đòi hỏi chúng ta phải làm sao có đường lối, chính sách, biện pháp để giải quyết được nạn quan liêu, tham nhũng một cách cơ bản và triệt để. Họ không chấp nhận việc chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại mãi "không ít cán bộ đảng viên, viên chức nhà nước quan liêu, tham nhũng" và "quan liêu, tham nhũng chưa được đẩy lùi".

Ðây vừa là thời cơ vừa là thách thức của Ðảng và Nhà nước ta. Thời cơ là chúng ta nhân vụ này tìm ra những nguyên nhân cốt lõi của quan liêu, tham nhũng ngày càng có tính chất nghiêm trọng và phổ biến, từ đó đề ra đường lối, chủ trương, biện pháp cơ bản nhất, tích cực nhất để đẩy lùi, đi đến triệt tiêu nạn quan liêu, tham nhũng.

Bản lĩnh của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ ta phải được chứng minh hùng hồn trên thực tế, đáp ứng tốt nhất những mong đợi thiết tha của đảng viên và nhân dân; biến xấu thành tốt. Nhất thiết Ðảng, Quốc hội và Chính phủ phải trao đổi, bàn bạc thật kỹ về vấn đề này, không thể đề cập một cách hời hợt được.

Nhân dân chưa được thông tin một cách đầy đủ về vốn vay ODA, vốn vay mượn và tài trợ của nước ngoài, cũng như việc chi tiêu, trả nợ và số nợ tồn đọng của các tài khoản này.

Tôi đề nghị công khai hơn nữa vấn đề này, để QH tăng cường giám sát, khắc phục tình trạng quản lý kém hiệu quả hiện nay của các bộ, ngành liên quan.

Ðể triệt tiêu tham nhũng, Ðảng, Nhà nước cần có những biện pháp cụ thể gì?

Trước khi xảy ra vụ tiêu cực ở PMU18, đã có bao vụ tham nhũng ở một số bộ, một số địa phương đã cảnh báo chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn không cảnh giác đầy đủ, không có những đối sách cơ bản, quyết liệt nên đã dẫn đến vụ PMU18 ngay trước thềm Ðại hội X và trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI.

Chúng ta không những phải đánh giá đúng những thay đổi to lớn của đất nước trong 20 năm đổi mới mà còn phải nhất thiết nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật về những suy thoái đạo đức trong xã hội và nạn quan liêu, tham nhũng, phân hóa giàu nghèo trong Ðảng, phát huy cao độ phê bình và tự phê bình để khuếch trương tốt nhất những thắng lợi đã đạt được, khắc phục bằng được những khó khăn, trở ngại, những thiếu sót làm cho thắng lợi của chúng ta toàn diện, vững bền hơn, tạo ra một bước ngoặt chiến lược mới.

Không làm như thế quốc gia sẽ lâm nguy.

Những nguyên nhân cơ bản gì đã làm cho sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội, gia tăng tội phạm đến như bây giờ?

Những nguyên nhân gì đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên của Ðảng, công chức, viên chức của Nhà nước ta quan liêu, tham nhũng, phân hóa giàu nghèo như bây giờ?

Trong lịch sử, chưa bao giờ nhân dân ta lại có một đời sống vật chất cao như hiện nay, mặc dầu vẫn còn nhiều người, nhiều vùng nghèo đói và nước ta cũng vẫn còn là nước nghèo trên thế giới, nhưng tội phạm hình sự, ma túy, mại dâm lại phát triển nhiều như bây giờ.

Chưa bao giờ Ðảng ta có số lượng đảng viên đông như bây giờ, được học tập văn hóa, bồi dưỡng chính trị một cách có hệ thống, bằng cấp nhiều như bây giờ, cán bộ đảng viên ta được rèn luyện trong khói lửa chiến tranh, chịu đựng gian khổ cực kỳ anh hùng, lại được tư tưởng sáng ngời của Bác Hồ dẫn dắt, thế nhưng cũng chưa bao giờ trong Ðảng lại có nhiều hiện tượng quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, phân hóa giàu nghèo như bây giờ.

Nếu chỉ dựa vào chỉ thị, luật pháp như chúng ta đã làm, mặc dầu rất cần thiết nhưng rõ ràng là chưa đủ để ngăn chặn, triệt tiêu được những hiện tượng tiêu cực đó.

Chúng ta phải tìm ra cho được những nguyên nhân cơ bản nhất để giải quyết tận gốc những vấn đề này, đi đôi với những biện pháp nghiêm ngặt trước mắt. Chỉ có thế chúng ta mới khắc phục, đẩy lùi, triệt tiêu được tiêu cực, làm cho xã hội ta lành mạnh, Ðảng ta trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, nhất trí, phát huy thắng lợi một cách toàn diện, vững bền và vĩ đại hơn.

Năm nguyên nhân cơ bản tác động cực kỳ nghiêm trọng đến hiện trạng xã hội và Ðảng ta

Thứ nhất: Chúng ta đã sai lầm về giáo dục, không thực sự coi trọng giáo dục làm người như Bác Hồ đã chỉ dạy.

Thứ hai: Sau sự sụp đổ của mô hình chế độ XHCN duy ý chí, quan liêu, tập trung, bao cấp, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với CNXH đã diễn ra rất nghiêm trọng trong một bộ phận nhân dân và Ðảng ta. Trong không ít người, lý tưởng bị lung lay, thậm chí có những cán bộ (kể cả một số cán bộ lão thành) cũng cho rằng chủ nghĩa Mác, CNXH đã lỗi thời, trong khi đó chúng ta chưa tập trung đúng mức cho công cuộc xây dựng XHCN, thậm chí không dám công khai, quyết liệt bảo vệ và đề cao CNXH.

Thứ ba: Bệnh quan liêu, quyền bính đang ngự trị trong nhiều cơ quan của Ðảng và Nhà nước, coi thường nhân dân, coi thường phong trào quần chúng, hoàn toàn trái ngược với tư tưởng của Bác Hồ. Bác Hồ đã dạy chúng ta:

"Ai cũng phải làm dân vận. Làm dân vận là phải chân đi, tai nghe, mắt thấy, miệng nói, tay làm".

Thử hỏi cán bộ của chúng ta hiện nay có bao nhiêu người đã làm đúng như thế?

Lê-nin đã nghiêm khắc cảnh báo chúng ta với một câu nói nổi tiếng:

"Nguy cơ lớn nhất của Ðảng cầm quyền là bệnh quan liêu. Nếu có gì dẫn đến đổ vỡ chính là tại cái đó".

Hồi mới thành lập, Ðảng đã đưa ra khẩu hiệu "Vô sản hóa", đưa các cán bộ, đảng viên trí thức vào lao động ở các hầm mỏ, xí nghiệp, bến cảng... để rèn luyện tình cảm, tác phong, tư tưởng cách mạng cho cán bộ. Ðến kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chúng ta lại có khẩu hiệu ba cùng: "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân".

Ðến nay đồng lương tuy còn thấp nhưng thật sự đời sống của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đều cao hơn đời sống người dân bình thường nhưng chúng ta lại chẳng có khẩu hiệu gì, chưa có phong trào gì để rèn luyện trong thực tế phẩm chất cán bộ, đảng viên.

Không sâu sát, lăn lộn với quần chúng, không gần gũi với đồng bào nghèo khổ, đối thoại với người giàu nhiều hơn là đối thoại với quần chúng lao động nghèo, mặc dầu đối thoại với doanh nhân, tư sản là rất cần thiết và cũng chưa đủ sâu sát, thế nhưng buông lơi sự gần gũi, đối thoại với nhân dân lao động thì không thể rèn luyện được cán bộ.

Chỉ có trui rèn trong phong trào cách mạng của quần chúng thì cán bộ mới có tâm, đức, có tài năng. Cán bộ tốt chỉ có thể là từ phong trào cách mạng của quần chúng mà ra.

Thứ tư: Khi đổi mới chúng ta thấy rất rõ lợi ích của cơ chế thị trường và phát triển tư bản, nhưng lại quá coi nhẹ, mất cảnh giác với mặt trái của cơ chế thị trường và chủ nghĩa tư bản, không lường trước được một cách đầy đủ mặt tiêu cực của cơ chế này. Chúng ta cũng đã từng nói: "Mở cửa sẽ đón được luồng gió mát lành nhưng ruồi muỗi, khói bụi cũng bay vào theo". Chúng ta hết sức vui mừng với những thắng lợi nhanh chóng gần như vũ bão của vế trước câu nói, nhưng vế sau của câu nói đó thì gần như nói qua rồi bỏ.

Thực hiện cơ chế thị trường, phát triển tư bản tư nhân là cực kỳ cần thiết cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất cho bước quá độ đi lên CNXH. Nhưng nếu không thấy mặt tiêu cực nguy hiểm của cơ chế thị trường và chủ nghĩa tư bản thì thật là chủ quan, mơ hồ, phủ nhận thực tế, phủ nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác về tính chất "vô tình vô nghĩa" của đồng tiền trong xã hội tư bản. Ðây cũng chính là xa rời, phủ nhận chủ nghĩa Mác.

Mặt trái tiêu cực của cơ chế thị trường và chủ nghĩa tư bản là coi đồng tiền và lợi nhuận trên hết. Chủ nghĩa thực dụng, tư tưởng hưởng lợi ngày càng phá hoại đạo đức xã hội và phẩm chất cán bộ, đảng viên. Thậm chí có người còn tôn sùng đồng tiền đến mức ca tụng:

"Ðồng tiền là Tiên, là Phật

Là sức bật tuổi trẻ

Là sức khỏe tuổi già..."

Hậu quả này, có người đã phải thốt lên một cách hết sức châm biếm và cũng hết sức bi quan:

"Nhân phẩm ngày nay xuống giá rồi

Chỉ còn thực phẩm giá cao thôi

Lương tâm còn rẻ hơn lương thực

Chân lý, chân giò cũng thế thôi..."

Thứ năm: Ðồng lương của cán bộ, công nhân, viên chức quá thấp.

Mấy giải pháp cơ bản để giải quyết 5 nguyên nhân cốt lõi nêu trên

Một là: Phải lấy giáo dục làm người là chính, theo tư tưởng Bác Hồ. Phải coi trọng giáo dục nhân cách làm người, con người Việt Nam chân chính với truyền thống văn hóa, đạo đức tư tưởng Việt Nam và tinh hoa của văn hóa, triết học phương Ðông kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ðây đích thực là tư tưởng của Bác Hồ. Bác đã từng nói:

"Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.

Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy".

Phải có quy chế thực hiện cụ thể "Tiên học lễ, hậu học văn" cho các cháu từ mẫu giáo đến tiểu học. Các cháu phải được học về luân lý. Công dân giáo dục không thể thay thế được giáo dục luân lý.

Nhà văn hóa và giáo dục lớn của nước ta Lê Quý Ðôn đã để lại cho chúng ta một câu bất hủ:

"Trẻ không kính già,

Trò không trọng thầy,

Quan kiêu, tướng thoái,

Tham nhũng tràn lan,

Sĩ, phu ngoảnh mặt,

Xã tắc lâm nguy".

Phải hết sức coi trọng giáo dục lịch sử.

Bác Hồ đã dạy:

"Dân ta phải học sử ta".

Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã phát biểu:

"Học làm người thì phải học sử"

Thế mà vừa qua, khi thi hết cấp 3 rất nhiều cháu thi môn sử chỉ đạt từ 0 đến 3 điểm. Như vậy, làm sao không mất gốc được. Trước nguy cơ lớn lao như thế, một số vị có trách nhiệm trong Ðảng, Nhà nước cũng như trong ngành tư tưởng, văn hóa, giáo dục, không có một phản ứng bức xúc nào về vấn đề này. Ðó là điều rất không đúng.

Theo tôi, hệ số của môn sử phải bằng hệ số của môn toán. Thi hết cấp 3 và thi vào đại học phải coi môn sử là môn bắt buộc. Chúng ta nhất thiết phải khôi phục môn học Hán Nôm, hệ số của môn Hán Nôm chí ít cũng phải bằng hệ số của môn Anh văn.

Tại sao như thế?

Trong hơn 1000 năm bắc thuộc, dân tộc ta đã tiếp thu chữ Hán, nhưng sau đó ông cha ta đã cải tiến thành chữ Nôm, làm chữ viết chính thức của ta vào khoảng thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII, sau công nguyên.

Sự sáng tạo thông minh này là một bước phát triển vượt bậc về văn hóa, giúp dân tộc ta tiếp thu và phổ biến rộng rãi được kiến thức mới về nhiều mặt, nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của dân tộc ta.

Trước đó, chúng ta đã có chữ viết nhưng còn rất thô sơ, nghèo nàn, ngày càng bị mai một.

Dân tộc ta đã sử dụng chữ Hán Nôm suốt khoảng 1500 năm cho đến khi bị đế quốc Pháp đô hộ nước ta vào giữa thế kỷ 19. Ðồng thời, đế quốc Pháp thay thế chữ Hán Nôm bằng chữ "Quốc ngữ" nguồn gốc la-tinh, bắt học sinh học tiếng Pháp là chủ yếu ngay từ lớp 1.

Ngang ngược đến trắng trợn, chúng dạy cho học sinh ta nhận tổ tiên mình là người Gaullois. Gaullois là tổ tiên của người Pháp.

Một lần nữa dân tộc ta phải đối mặt với nguy cơ đồng hóa.

Tuy nhiên, cho tới nay, từ gốc Hán vẫn chiếm 60, 70% trong ngôn ngữ của chúng ta.

Những kiệt tác văn chương của dân tộc ta đều mang đậm nét văn hóa Hán Nôm, như:

- Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư" của Lý Thường Kiệt.

- Hịch tướng sĩ của Hưng Ðạo đại vương.

- Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

- Truyện Kiều của Nguyễn Du.

- Tập thơ trong tù "Ngục trung nhật ký" của Bác Hồ.

Tư tưởng, văn phong, thơ văn, phong cách của Hồ Chủ tịch đều đậm đà mầu sắc văn hóa Hán Nôm, văn hóa dân tộc. Chỉ tiếc rằng không ít người trong chúng ta, nhất là tầng lớp thanh niên, hiểu rất ít về văn hóa Hán Nôm. Ðó là do những thế hệ lãnh đạo sau Bác Hồ như chúng tôi đã không quan tâm đầy đủ đến việc giữ gìn và phát huy nền văn hóa, truyền thống cao đẹp đầy tính nhân văn như thế. Văn hóa dân tộc bị phai nhạt, bị xâm thực bởi văn hóa ngoại lai, thực dụng, bị Tây hóa... Chính vì vậy mà văn hóa, đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng.

Hán Nôm là chữ viết của dân tộc ta trong suốt khoảng 15 thế kỷ. Hơn nữa nhiều câu, chữ Hán Nôm chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về đạo lý. Theo tôi, đáng lý Hán Nôm còn phải được coi trọng hơn Anh văn.

Học Anh văn là rất cần thiết để hội nhập toàn cầu, tiếp cận với nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, cũng phải thấy Anh văn hiện nay là thế lực văn hóa cực thịnh đang có chiều hướng lấn át các nền văn hóa khác. Nhiều nước lớn trên thế giới như Pháp, Trung Quốc... cũng đang phải cảnh giác trong việc bảo tồn nền văn hóa của mình trước sự bành trướng của Anh văn.

Nước Việt Nam ta nhỏ hơn lại càng phải giữ gìn, tôn trọng nền văn hóa của mình.

Càng học ngoại ngữ giỏi bao nhiêu thì lại càng phải bảo trọng và phát huy ngôn ngữ của chúng ta bấy nhiêu.

Trước đây dân tộc ta đã từng bị phong kiến phương bắc đô hộ hàng ngàn năm. Chúng đã dùng mọi mưu mô và sức mạnh văn hóa của chúng để đồng hóa dân tộc ta. Ông cha ta đã đấu tranh rất kiên cường, cực kỳ trí tuệ để dân tộc ta trường tồn đến ngày nay.

Bị thống trị về chính trị thì dân tộc vẫn tồn tại được, bị đồng hóa về văn hóa thì dân tộc sẽ tiêu vong.

Bài học xương máu vô cùng quý giá này không cho phép chúng ta coi nhẹ sự xâm thực về văn hóa.

Không coi trọng sử học, không coi trọng Hán Nôm thì làm sao mà không mất gốc được?

Sai lầm này là cực kỳ nguy hiểm.

Học tư tưởng của Bác Hồ nhất thiết phải học văn hóa, tư tưởng Việt Nam và tinh hoa của văn hóa triết học phương Ðông, của Tam giáo (Lão, Nho, Phật). Tư tưởng của Bác Hồ là kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tinh hoa văn hóa đạo đức tư tưởng Việt Nam và tinh hoa văn hóa triết học phương Ðông. Tư tưởng của Bác Hồ là một bước phát triển mới của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin đạt đến đỉnh cao nhân văn.

Chính nhờ vậy mà chúng ta đã ngăn chặn, hạn chế được tối đa những khuynh hướng quá thô bạo trong khi vận dụng một cách sai lầm chủ nghĩa Mác - Lê-nin như ở một số nước khác. Tư tưởng Hồ Chí Minh không những chinh phục được dân tộc Việt Nam mà còn chinh phục được cả thế giới. Bác đã được thế giới công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Chính vì những lý lẽ trên, trong trường Ðảng và trong các trường của hệ thống giáo dục nước ta, học tư tưởng Hồ Chí Minh là phải kết hợp học những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tinh hoa văn hóa, đạo đức Việt Nam, tinh hoa văn hóa, triết học thế giới, đặc biệt là tinh hoa văn hóa, triết học phương Ðông. Ðó là những bộ phận cấu thành của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là: Chúng ta nhất thiết phải theo đường lối đúng đắn của Ðảng là giương cao ngọn cờ: Ðộc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Phải đi vững chắc trên cả hai chân. Nếu chỉ coi trọng phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường mà không coi trọng xây dựng CNXH thì là sai đường lối, mất phương hướng, mất lý tưởng. Như thế thì làm sao khắc phục được khủng hoảng niềm tin đối với CNXH dẫn đến tình trạng ly tâm trong Ðảng. Mất niềm tin đối với CNXH, không có lý tưởng cao đẹp thì sẽ dẫn đến tiêu cực trong xã hội cũng như trong Ðảng, dẫn đến sự phân hóa trong nội bộ Ðảng. Hiện nay, không thiếu gì cán bộ, đảng viên cho rằng, CNTB hơn hẳn CNXH. Có người thì cho CNXH là lỗi thời, "hết đát", ca tụng thuyết "mèo trắng, mèo đen".

Thuyết "mèo trắng, mèo đen" cũng có lý lẽ của nó, nhưng vì thế mà bác bỏ CNXH thì quả là sai lầm nghiêm trọng.

Ðặng Tiểu Bình không chỉ xướng xuất luận thuyết "mèo trắng, mèo đen" mà còn nêu ra 10 điều cảnh báo mà chúng ta rất cần tham khảo. Có những cán bộ, đảng viên hiện nay rất mộ đạo, đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, nhưng lại không màng gì đến học thuyết Mác - Lê-nin và CNXH...

Ðạo Phật cũng có những giáo lý rất tuyệt vời. Phật dạy người ta:

"Quên mình, vì người

Từ bi, bác ái,

Cứu nhân, độ thế,

Phổ độ chúng sinh"

Mác, CNXH chủ trương giải phóng nhân loại khỏi đói nghèo, áp bức, bất công, xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, bác ái.

Phản bác học thuyết Mác, không thiết tha với CNXH thì không thể có tâm Phật được.

Mặt khác, cũng phải công bằng mà nói, cán bộ, đảng viên cộng sản nào không tôn trọng chủ trương tự do tín ngưỡng của Ðảng, kỳ thị những tôn giáo, tín ngưỡng dạy người ta làm lành, lánh dữ, từ bi, bác ái, cứu nhân, độ thế, những tổ chức quần chúng đơn thuần làm công tác tương trợ lẫn nhau, xã hội, từ thiện, không có ý đồ chính trị nào cả, thì cũng không thể có tâm cộng sản được, lại càng không thể thừa kế tư tưởng cao đẹp của Bác Hồ.

Về việc một vài nơi đã hạn chế hoạt động của Hội hướng đạo. Hội hướng đạo là một tổ chức quần chúng tốt, hợp pháp, được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép hoạt động.

Bác Hồ là người hướng đạo sinh đầu tiên của Việt Nam ở Anh từ năm 1915. Bác cũng là Chủ tịch danh dự Hội hướng đạo Việt Nam sau khi nước nhà được độc lập năm 1945.

Vì vậy, theo tôi, nên để cho Hội hướng đạo hoạt động, phát huy truyền thống chân chính của Hội, không làm gì vi phạm pháp luật, chủ yếu hướng vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện, thế là vừa thể hiện cái tâm của người cộng sản, vừa thể hiện sự kính trọng Bác Hồ.

Ðảng độc quyền lãnh đạo chứ không phải độc quyền cách mạng. Cách mạng là của quần chúng và là từ cơ sở mà lên.

Nếu anh độc quyền cách mạng không vận động quần chúng tham gia làm cách mạng, thì sẽ có người khác lôi kéo quần chúng về phía người ta, gây ra tình hình phức tạp.

Phải tích cực tập trung giải quyết khủng hoảng niềm tin đối với CNXH, bằng những lý lẽ, lập luận đầy sức thuyết phục, bằng việc toàn tâm toàn ý xây dựng CNXH, bằng những việc làm hiệu quả, ích nước lợi dân; không thể tự ép mình, ép người phải tin vào CNXH.

Suốt quá trình lịch sử của dân tộc ta là quá trình bị xâm lược và chống xâm lược. Chính vì vậy mà nhân dân ta có truyền thống đại đoàn kết cực kỳ cao đẹp.

Bác Hồ đã vô cùng sáng suốt nêu lên khẩu hiệu:

"Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công".

Trong nội bộ nhân dân ta, không có cơ sở cho sự phát triển mâu thuẫn đối kháng địch, ta, chủ yếu chỉ có mâu thuẫn nội bộ nhân dân.

Ứng xử với nhau trong vấn đề giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân của cả hai phía theo kiểu giải quyết mâu thuẫn đối kháng địch, ta, là vô cùng sai lầm, thậm chí lại còn mắc mưu kẻ thù.

Giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là phải bình tĩnh, đối thoại, lắng nghe nhau, phân rõ phải, trái, đấu tranh thuyết phục, thậm chí phải nhân nhượng, chờ đợi nhau, tìm ra những biện pháp trung gian, nhân vật trung gian, để từng bước giải quyết vấn đề. Chính quyền phải hết sức hạn chế những biện pháp hành chánh, cảnh sát; đó là những biện pháp không thích hợp trong đấu tranh nội bộ nhân dân. Những biện pháp này chỉ có thể nhất thời áp dụng trong tình thế vạn bất đắc dĩ.

Hiện nay cuộc khủng hoảng niềm tin đối với CNXH ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Ðảng và nhân dân ta là cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm.

Trong kháng chiến, nhân dân ta tự giác chấp nhận hy sinh cực kỳ anh hùng trong một thời gian lâu dài. Họ thiết tha hy vọng sau chiến thắng được sống hòa bình, ấm no, tự do, dân chủ. Sai lầm của mô hình XHCN duy ý chí, quan liêu, tập trung, bao cấp đã làm cho họ mất hy vọng, dồn họ đến một cuộc sống cùng cực; tự do, dân chủ bị xâm phạm nghiêm trọng.

Ngay sau giải phóng Miền Nam 3 ngày, Khơ-me đỏ đã chiếm đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc và tiến hành cuộc chiến tranh biên giới ngay từ đó. Chúng đã chiếm nhiều vùng biên giới của ta ở An Giang, Tây Ninh, giết hại hàng trăm ngàn đồng bào ta.

Sau nhiều lần chúng ta đề nghị giải quyết hòa bình cuộc xung đột, Khơ-me đỏ đều thẳng thừng bác bỏ. Không còn cách nào khác, năm 1979 chúng ta buộc phải phản công quyết liệt, đập tan chế độ Khơ-me đỏ, đồng thời tận lực góp phần cùng nhân dân Cam-pu-chia xây dựng chính quyền, quân đội cách mạng Cam-pu-chia đủ sức giữ chính quyền và đối đầu thắng lợi với Khơ-me đỏ, cứu nhân dân Cam-pu-chia khỏi nạn diệt chủng. Chỉ có đạt được mục tiêu đó thì chúng ta mới có thể rút chân khỏi cuộc chiến tranh nghiệt ngã này. Một cuộc chiến tranh hoàn toàn chính nghĩa, lâu dài, gian khổ như thế nhưng lại là một cuộc chiến tranh ít được tuyên truyền, giải thích nhất. Thậm chí còn có một số nước đã tiếp tay cho Khơ-me đỏ và đồng minh của chúng chống lại chúng ta. Ðến nay họ mới chịu lên án và dự định đưa ra xét xử Khơ-me đỏ.

Làm sao nhân dân trong nước và thế giới hiểu hết được những uẩn khúc không nói ra được của Ðảng, Nhà nước ta. Làm sao họ thấy hết được chính nghĩa, sự hy sinh cao cả cũng như sự quyết đoán đúng đắn của nhân dân, của Ðảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến tranh chính nghĩa này.

Những nhận thức sai lầm, những tư tưởng lệch lạc đối với CNXH, những ngộ nhận về các cuộc kháng chiến của dân tộc ta, đặc biệt là cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, có lý do khách quan của nó. Chúng ta không chỉ phản bác lại, mà còn phải có sự thông cảm nhất định với những người có những lệch lạc này.

Sau giải phóng, chính sai lầm của chúng ta đã đưa nhân dân đến cảnh đói khổ không đáng có. Cũng chính là Khơ-me đỏ đã xâm phạm biên giới của Tổ quốc ta. Nhân dân ta lại phải tiếp tục đổ máu thêm nữa.

Nếu không nói rõ ràng, thật khách quan về diễn biến chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam mà cứ im hơi, lặng tiếng, e ngại, đơn thuần "khép lại quá khứ", thì chúng ta không thể nào giải tỏa được ngộ nhận sai lầm, cũng như phản bác lại luận điệu ác ý cho chúng ta là kẻ hiếu chiến.

"Khép lại quá khứ" có nghĩa là xóa bỏ hận thù, cùng nhau chung sống hòa bình, hợp tác và phát triển.

Lịch sử là khách quan, không thể và không nên che giấu.

Nỗi ám ảnh về một chế độ XHCN nghiệt ngã, nghèo đói, chiến tranh, trong tâm trí nhân dân là rất sâu đậm, nhất là nhân dân miền nam với quá nhiều éo le, uẩn khúc của họ.

Nhân dân không thể phân biệt rõ ràng đâu là CNXH đích thực, khoa học, biện chứng và đâu là CNXH duy ý chí, quan liêu. Hơn nữa, còn có lý do là cho đến nay chúng ta chưa xây dựng được mô hình XHCN đích thực, ưu việt hơn hẳn CNTB, có sức thuyết phục cao.

Phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, phê bình, tự phê bình một cách nghiêm túc, chân thành, sòng phẳng, cả về thắng lợi to lớn, cũng như khuyết điểm chủ quan nghiêm trọng, rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu, xây dựng cho bằng được chế độ XHCN ưu việt hơn hẳn CNTB. Ðó là: Tập trung sức của toàn Ðảng, toàn dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh tổng hợp của Nhà nước, phát động phong trào sôi nổi xóa đói, giảm nghèo của quần chúng, đồng thời tăng cường mạnh mẽ các chính sách xã hội, giáo dục, y tế, thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch làm cho ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, được chăm sóc sức khỏe, từng bước vững chắc làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân, các dân tộc và các địa phương, thực hiện thành công chủ trương: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chỉ có như thế chúng ta mới vượt qua được thách thức nguy hiểm, giữ vững được lý tưởng, mới giải tỏa được một cách thuyết phục những ngộ nhận, những khuynh hướng sai lầm trong Ðảng và trong nhân dân, mới phản bác được bằng lý lẽ vững chắc những luận điệu xuyên tạc ác ý của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác và CNXH.

Sau sự sụp đổ của mô hình XHCN duy ý chí, quan liêu, tập trung, bao cấp, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với CNXH diễn ra rất nghiêm trọng ở một bộ phận trong nhân dân và trong Ðảng ta. Tình trạng khủng hoảng về tư tưởng, khuynh hướng xét lại thể hiện trên nhiều mặt, thậm chí có người còn cho ta là hiếu chiến làm cho đất nước nghèo khổ.

Với tâm lý thất bại chủ nghĩa đối với CNXH, nhiều người mất tự tin, giảm sút ý chí chiến đấu, nhận thức tình hình không còn sáng suốt và nhạy bén nữa.

Hiện nay hàng tỷ người trên thế giới đang sống trong nghèo đói, bệnh tật, bị áp bức bất công. Cuộc đấu tranh chống đói nghèo đang diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt.

Cuộc họp thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, cuộc hội nghị của hàng trăm lãnh tụ quốc gia ở Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch), cuộc họp bàn về lương thực ở Ma-ni-la (Phi-li-pin), cuộc họp của Phụ nữ quốc tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đều bàn về chống đói nghèo. Ðặc biệt cuộc hòa nhạc của các nghệ sĩ âm nhạc đủ loại, nổi tiếng của thế giới, tập hợp hàng triệu thính giả ở Ai-len để đòi chống đói nghèo, xóa nợ cho các nước nghèo ở châu Phi.

Thậm chí những nhà tư bản giàu nhất nhì thế giới như Bin Ghết (Bill Gates), Oa-ren Buy-phê (Warren Buyfet) đã tuyên bố bỏ ra một phần khá lớn tài sản đồ sộ của mình, tập trung tâm trí cho công tác xã hội, từ thiện.

Ở Việt Nam không phải không có hiện tượng này. Có đồng bào giàu có, trước khi chết đã để lại di chúc hiến dâng toàn bộ tài sản, tiền bạc phúng điếu cho công tác từ thiện, hiến dâng thân xác cho nghiên cứu khoa học.

Trên đây là hiện tượng chuyển biến đến bất ngờ của lương tâm nhân loại.

Niềm tin vào con người, vào cái thiện nhất định thắng cái ác ngày càng được củng cố vững chắc.

Cu-ba, mặc dù là nước nhỏ bé, chỉ cách Mỹ có 80 cây số, bất chấp sự chống đối ác liệt của chính quyền Mỹ, vẫn phát huy thắng lợi tính ưu việt của CNXH và tinh thần quốc tế vô sản.

Ở Cu-ba đời sống nhân dân rất hài hòa, hạnh phúc. Mọi công dân đều được chăm sóc sức khỏe miễn phí như nhau, không phân biệt đẳng cấp. Giáo dục từ mẫu giáo mầm non cho đến đại học đều miễn phí.

Hằng năm Cu-ba đào tạo hàng vạn bác sĩ, kỹ sư giúp các nước nghèo ở châu Mỹ la-tinh và châu Phi.

Ảnh hưởng của Cu-ba và Fidel Castro rất lớn.

Mới đây cuộc họp của các nước không liên kết gồm trên 100 quốc gia, đại bộ phận đại biểu là nguyên thủ quốc gia, đã bầu Fidel làm Chủ tịch Phong trào Không liên kết lần thứ 2 mặc dù Fidel đang lâm trọng bệnh.

Một loạt nước Mỹ la-tinh như Venezuela, Boliviaa, Chi-lê, Brazin, Mexico... đang nghiêng về cánh tả. Ảnh hưởng của Cu-ba đối với khu vực này rất là tích cực.

Tất cả tình hình trên đây chứng minh xu thế đòi công bằng xã hội, thực hiện xã hội xã hội chủ nghĩa là không thể đảo ngược được.

Những tổ chức như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... cũng đang tuột khỏi tầm khống chế độc quyền của các siêu cường tư bản và đang trở thành diễn đàn đấu tranh cho quyền lợi của các nước đang phát triển, nghèo đói và bị đối xử bất công.

Trên thế giới không chỉ có diễn biến hòa bình phản cách mạng. Diễn biến hòa bình cách mạng đang phát triển mạnh mẽ, tập hợp lực lượng rất đa dạng, rộng lớn và đang ngày càng trở thành xu thế chủ yếu của thời đại.

Sự phân tích tình hình thế giới, tình hình tương quan lực lượng trên phạm vi toàn cầu không được quan tâm đúng mức như trước nữa. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Ðảng về những vấn đề này còn mơ hồ. Cuộc đấu tranh quyết liệt để khẳng định chính nghĩa và sự tất thắng của CNXH bị sa sút nghiêm trọng, tự làm suy yếu vị thế XHCN của mình trên trường quốc tế.

Nghị quyết Ðại hội VI của Ðảng đã xác định chính sách đối ngoại của chúng ta là hợp tác với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị khác nhau, vừa hợp tác, vừa đấu tranh cho hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chính sách đối ngoại như thế là hoàn toàn phù hợp.

Sai lầm nghiêm trọng hiện nay là quan tâm một chiều đến đổi mới kinh tế và phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường mà không quan tâm đúng mức xây dựng CNXH, thậm chí có người đề cao phát triển kinh tế theo thuyết kinh tế chủ nghĩa, hạ thấp vai trò lãnh đạo chính trị toàn diện của Ðảng.

Chúng ta xóa đói, giảm nghèo, thực hiện một số chính sách xã hội đã đạt được kết quả tốt, được nhân dân tín nhiệm và thế giới ca ngợi, nhưng chưa đủ liều lượng để làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các địa phương và các dân tộc. Trái lại, khoảng cách giàu nghèo ngày càng dãn ra. Ðịnh hướng XHCN mờ nhạt, không rõ nét. Xã hội phát triển không toàn diện, thiếu vững chắc.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội về hộ nông dân nghèo ở nước ta hiện nay như sau:

- Tây Bắc Việt Nam: 62%

- Tây Nguyên: 52%

- Ðông Bắc: 36%

- Tây Nam Bộ: 30%

- Toàn quốc hiện nay có 14,6 triệu hộ nông dân, trong đó có 4,2 triệu hộ nghèo.

- Số hộ nông dân không có ruộng đất để canh tác là trên 400 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 6% hộ nông dân.

Thu nhập của nông dân Việt Nam bình quân chỉ có 256 đô-la/năm, tức là 0,70 đô-la/người/ngày. Mức thu nhập như thế còn kém cả tiêu chí nghèo của các nước đang phát triển là 1 đô-la/ngày.

Nông dân chiếm 73% dân số, mà chỉ chiếm có 40% tổng thu nhập quốc dân. 27% dân số thuộc các thành phần khác lại chiếm tới 60% tổng thu nhập quốc dân. Nếu so sánh tầng lớp giàu nhất trong 27% này với tầng lớp nghèo nhất trong nông dân, thì khoảng cách giàu nghèo còn cách biệt hơn rất nhiều.

Ðời sống công nhân lao động cũng không hơn gì nông dân bao nhiêu.

Bác Hồ đã từng nói: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Ông Trần Văn Thình một Việt kiều yêu nước, một chuyên viên kinh tế cao cấp của Cộng đồng châu Âu ở Liên hợp quốc cũng đã phát biểu trên truyền hình của chúng ta: "Nếu phát triển kinh tế của Việt Nam nhanh như bây giờ, sắp tới lại gia nhập WTO, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa thì xã hội Việt Nam sẽ mất ổn định".

Tình hình Trung Quốc cũng không khác ta là mấy nhưng mới đây Quốc hội Trung Quốc đã kịp thời quyết định chi ra gần 55 tỷ USD để cải thiện một bước đời sống ở nông thôn, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị, đảm bảo sự phát triển ổn định của Trung Quốc theo đúng lời cảnh báo thứ 4 và thứ 5 của Ðặng Tiểu Bình:

Lời cảnh báo thứ 4: "Cuối thế kỷ thứ 20 là thời điểm phải nỗ lực thực hiện giải quyết vấn đề phân hóa lưỡng cực. Ði theo con đường XHCN là từng bước thực hiện cộng đồng giàu có".

Lời cảnh báo thứ 5: "Trung Quốc với 80% dân số là nông dân. Do đó xã hội Trung Quốc có ổn định hay không, kinh tế Trung Quốc có phát triển hay không trước hết phải xem liệu nông thôn có phát triển hay không, cuộc sống người nông dân liệu đã được cải thiện chưa.

Các đô thị dù có phồn hoa đến mấy mà không có nông thôn làm hậu phương vững chắc thì đó cũng là thất bại của Trung Quốc".

Không kiên trì xây dựng CNXH thì không có lực lượng đối trọng đủ mạnh để hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường và của sự phát triển tư bản.

Không quan tâm đúng mức xây dựng phát triển xã hội XHCN thì chúng ta chỉ còn là một nước tư bản mới phát triển. Ðảng ta không thể tránh được tư sản hóa và những mặt trái tiêu cực của nó, cũng như chúng ta khó tránh được nguy cơ lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản nước ngoài trong tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và quá trình toàn cầu hóa.

Tình trạng thực tế đang diễn ra như thế.

Ba là: Nhất thiết phải tăng thu nhập cho công nhân, viên chức. Thu nhập không đủ sống, văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, lý tưởng dao động, xa rời quần chúng thì làm sao có thể chống được quan liêu, tham nhũng.

Tăng lương cho cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC) thì lại sợ không đủ ngân sách sẽ đi đến lạm phát, giá cả leo thang thì cũng không giải quyết được gì.

Ðể có ngân sách tăng lương thì chúng ta nhất thiết phải triệt để tiết kiệm. Tình trạng lãng phí trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước là rất lớn. Trụ sở của nhiều cơ quan Ðảng và Nhà nước xây dựng quá mức cần thiết so với hiện nay; xe cộ quá mức sang trọng, tiêu xài lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng và tràn lan.

Hồi Bác Hồ còn sinh thời, Bác đã gọi đồng chí Nguyễn Văn Trân, lúc đó là Bí thư Hà Nội, hỏi về quy hoạch của thành phố. Ðồng chí Trân trình bày với Bác về quy hoạch xây dựng thành phố trong đó có việc xây dựng cơ quan Ðảng và Nhà nước khá quy mô. Bác hỏi: "Từ trước đến nay các chú làm việc ở đâu, có nhất thiết phải xây dựng trụ sở mới hay không? Nước ta còn nghèo mà chú đặt vấn đề như thế có đúng không?"

Chính đồng chí Nguyễn Văn Trân đã kể lại câu chuyện này như thế.

Nhà sàn của Bác là một tiêu biểu mẫu mực của sự giản dị và tiết kiệm. Nhà sàn của Bác còn đó nhưng tệ nạn lãng phí, tham ô lại thật phũ phàng.

Ðây là những hình ảnh trái ngược đến đau lòng và cần phải bị phê phán nghiêm khắc.

Tiết kiệm nhất thiết phải là một quốc sách và phải là một trong những tiêu chuẩn chính để đánh giá các đảng ủy, các chi bộ, các cơ quan Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể... có trong sạch, vững mạnh hay không? Phải phát động phong trào thi đua tiết kiệm, nhân điển hình tiên tiến, nhất là trong cơ quan Ðảng và Nhà nước. Phải có khen thưởng đúng mức điển hình tiên tiến và phải nghiêm khắc phê phán, kỷ luật những thiếu sót trong vấn đề này.

Từ nay đến năm 2010, theo tôi, nhất thiết phải giảm biên chế các cơ quan Ðảng, Nhà nước 1/4 và có chính sách thật tốt với những CBCNVC được đưa ra khỏi biên chế.

Làm như thế, chúng ta nhất định có ngân sách để tăng lương cho CBCNVC. Hạn chế tối đa tình trạng tăng giá theo tăng lương.

Có đạo đức, có lý tưởng, có thu nhập đủ sống, tôn trọng nghiêm ngặt đường lối quần chúng thì chắc chắn nạn quan liêu, tham nhũng, tình trạng phân hóa ở một bộ phận trong Ðảng và những tiêu cực trong xã hội sẽ được giải quyết cơ bản.

Dân tộc ta, Ðảng ta nhất định sẽ làm như thế, nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang.

MAI CHÍ THỌ

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị



(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường