Theo ông, chúng ta cần phải làm những gì ngay trước mắt trong công việc cải cách hành chính để hội nhập WTO?Trước mắt, để giải quyết nhanh những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện thì cần có hoạt động kiểm tra, thanh tra liên ngành tốt hơn từ bên ngoài chứ không phải chỉ nghe báo cáo. Thứ nữa, chương trình cải cách hành chính (CCHC) sắp tới cũng phải xác định tiêu chí đánh giá và có các tổ chức bên ngoài đánh giá.
Ngoài thăm dò dư luận, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân thì phải có cơ quan chuyên trách chuyên nghiệp trong lĩnh vực này giúp chúng ta nhìn nhận. Trong điều kiện hội nhập, các cơ quan như thế đặc biệt quan trọng, nó giống như là kiểm toán độc lập. Nếu chúng ta chỉ dựa trên thông tin báo cáo sai rồi chúng ta hoạch định cơ chế, ra quyết sách thì đây là điều thực sự nguy hại.
-Các luật sư thường nói chúng ta có văn hoá thất hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính, giờ gia nhập WTO thì điều đó không còn bởi người ta làm việc theo luật, theo ông, chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này theo hướng nào, đặc biệt là con người, cách thức phục vụ?
Đó chính là công việc to lớn mà chúng ta phải làm bởi giai đoạn 2 phụ thuộc thuộc rất nhiều vào yếu tố con, cái cuối cùng anh thể thống, thể chế, quy định như vậy nhưng cái thể hiện vẫn là công chức, do vậy, sắp tới sẽ phải đầu tư rất lớn cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tuy nhiên, cách đào tạo, cập nhật, bồi dưỡng sắp tới không phải bồi dưỡng chung chung mà phải là những chuyên đề, những loại vấn đề trực tiếp giải quyết được cho công việc, phục vụ cho các quan hệ, cho lộ trình mà chúng ta đang đi.
Vào WTO có những việc đòi hỏi doanh nghiệp phải quyết định làm ăn hàng ngày, thị trường của người ta là hàng ngày, vậy thì chúng ta không thể bảo thị trường chờ để chúng ta giải quyết xong thủ tục đã. Dù muốn hay không thì thực tiễn đó đã là sức ép buộc chúng ta làm.
Nhưng thưa ông, WTO đã ngay trước mặt mình rồi mà bây giờ ta mới có lộ trình thì liệu có muộn?
Không phải mới lộ trình mà đã làm rồi, chỉ có điều bây giờ khi đã vào WTO thì chúng ta phải làm sao để tăng tốc hơn, thậm chí mời chuyên gia để làm ra cái gì đó hiệu quả, rút ngắn thời gian. Làm được như vậy thì có khi ở nước ngoài người ta nghiên cứu cả chục năm nhưng mình chỉ làm trong thời gian ngắn thôi.
Tôi cứ ví dụ như lĩnh vực viễn thông của Việt Nam đó là ta tiếp thu rất nhanh. Nước ngoài họ không thể tưởng tượng chúng ta chỉ có dăm năm mà tốc độ phát triển, đi tắt, đón đầu trong lĩnh vực viễn thông, tin học lại đi rất xa. Bây giờ mình ngồi tính thì hơi khó nhưng hãy hành động đi.
Chưa có chế tài trong cải cách hành chính
Theo ông, nếu có một sự đột phá trong cải cách hành chính thì Việt Nam cần những yếu tố gì?
Đó chính là đòi họ tính đồng bộ, một sự chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp, các cơ quan giúp tham mưu cái này cũng phải trực tiếp vào cuộc thường xuyên chứ không phải kiêm nhiệm, hiện nay phần lớn là kiêm nhiệm. Hai là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bây giờ hệ thống kiểm tra kiểm soát đẩy lên rất cao: Quốc hội cũng, hội đồng nhân dân, các cấp uỷ Đảng đều giám sát. Cái thứ ba là tổ chức thực hiện tốt một cửa. Một cửa chính là để giải quyết toàn bộ các công việc của dân một cách nhanh nhất thông qua đó mà anh nào không làm được thì lại phải bỏ khỏi vị trí đó.
Theo tôi được biết chúng ta chưa có chế tài thực sự mạnh mẽ trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến cải cách hành chính?
Nói đúng ra là chúng ta chưa có chế tài trong cải cách hành chính. Do vậy, giờ phải đưa ra hai mức đối với chế tài cho người đứng đầu thực hiện chậm trễ trong cải cách hành chính, đấy là yêu cầu của Thủ tướng, thứ hai, đây là nội dung của thi đua, thành tiêu chuẩn. Nếu ông được cấp huân chương, huy chương nhưng mà tình trạng cải cách hành chính bê trễ thì cũng không nên như thế. Cái này mới là giá trị đích thực của thi đua.
Theo mức như ông nói thì liệu có cách chức người đứng đầu?
Hiện nay chưa tính tới chuyện cách chức nhưng có thể tạm đình chỉ công tác, khiển trách hay nhắc nhở...
Các cấp uỷ phải thực sự vào cuộc
-Hiện nay chúng ta đã có mục tiêu cho cải cách hành chính như nào và bao giờ thì chúng ta đạt được 100% các cấp xã huyện?
Có rồi, mục tiêu đến cấp huyện là 2008, cấp xã là 2010
-Vậy bây giờ đã là 2006 thì liệu mục tiêu đó có đạt được?
Bây giờ phải quyết tâm thôi, sắp tới có thể đích thân thủ tướng làm việc này, trưởng ban chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn phải huy động cùng vào cuộc. Rồi phải nghiên cứu làm sao để các giao dịch trên đó phải đảm bảo được yêu cầu. Hoàn thiện nó thì chắc phải có thời gian đến 2020 nhưng đến 2010 phải có bước chuyển, dấu mốc quan trọng, điều hành của chính phủ phải qua mạng. khi đó ông Thủ tướng có thể làm việc trực tiếp với ông chủ tịch xã nào đó khi có chuyện.
-Theo ông làm thế nào để ngành nội vụ, nói như một số lãnh đạo sở nội vụ địa phương, là không phải đơn thương độc mã trên mặt trận cải cách hành chính?
Sắp tới trong chương trình làm việc của Hội nghị trung ương 4 có phần bàn về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách hành chính Nhà nước. Hội nghị sẽ ra một Nghị quyết riêng về đẩy mạnh cải cách hành chính. Ở đây có liên quan đến vấn đề rà soát lại một số chủ trương mà nhiều chủ trương liên quan đến cơ quan của Đảng và thứ hai là nó sẽ tăng cường sự vào cuộc của các cấp Uỷ.
Không có cách nào khác cả, các cấp uỷ phải vào cuộc và đây thực sự là cuộc đấu tranh. Chúng tôi nói rồi, cải cách hành chính là vấn đề có tính cách mạng mà nó chuyển đổi con người ta từ nhận thức cho đến hành động của cả một hệ thống Nhà nước, một hệ thống chính trị mà đây là một hệ thống phức tạp nhất trong tất cả hệ thống. Nếu nhìn theo góc độ như vậy thì tính phức tạp nó lớn lắm, nó ghê gớm lắm.
Trung ương 4 cũng sẽ giải quyết nhiều vấn đề (chúng tôi hy vọng thế). Ngoài ra, cũng còn tuỳ thuộc vào Trung ương muốn giải quyết vấn đề đó đến đâu, từ bức bách của cuộc sống, của hội nhập, vào cuộc chơi của thế giới rồi. Nó không chờ chúng ta, và chúng ta thông minh, khôn ngoan thì chuyển kịp được, chủ động được, mới dành được các cơ hội thắng lợi.
-Một câu hỏi cuối cùng liên quan đến địa phương, xin ông đánh giá về những công việc Hà Nội đã làm liên quan đến cải cách hành chính bởi Hà Nội đã coi cải cách hành chính là khâu đột phá từ lâu nay?
Theo tôi Hà Nội làm khá bài bản trong khi xây dựng chương trình, nhưng cái chính bây giờ là phải đi vào giải quyết từng khâu một. Ví dụ rà soát tất cả các thủ tục ở các sở ngành bởi bây giờ sở ngành vẫn đang là khâu mắc mớ của TP. Vì lẽ đó, trọng điểm của TP Hà Nội là phải tập trung vào trách nhiệm của các sở ngành để mà giúp cho việc thực hiện ở các huyện, các xã tốt hơn. Và nếu làm được điều đấy thì mới tạo ra sự thông thoáng được của cả hệ thống của TP.
Ngoài ra, Hà Nội phải thực sự có điểm nhấn, phải có những điểm nhấn, xây dựng các mẫu hình làm một cửa hiện đại như thế nào. Chứ thực ra bản thân Hà Nội là một trung tâm lớn như vậy nhưng cũng chưa làm được một cửa hiện đại. trong khi Hải Phòng, Đà Nẵng và thậm chí Cà Mau người ta còn làm được điều này.
Theo tôi, nếu HN bám sát được yêu cầu của Trung ương và chính là bám sát nhu cầu của cuộc sống thực tế cuộc sống thì mới có thể tập trung giải quyết được, và cần có sự quyết liệt, kiên quyết, đòi hỏi đồng bộ hơn của Hà Nội.