Ông Đỗ Ngọc Khải, Tổng Giám đốc Công ty Dầu thực vật-Hương liệu-Mỹ phẩm Việt Nam (Vocarimex): Cơ hội đưa thương hiệu ra nước ngoài
Nhìn ở góc độ lạc quan, Việt Nam gia nhập WTO sẽ giúp cho ngành dầu thực vật trong nước có điều kiện đưa thương hiệu ra thị trường quốc tế tốt hơn. Những năm vừa qua, ngành dầu thực vật trong nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam, liên doanh và có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng đến 90% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thực tế việc triển khai các biện pháp trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực (AFTA) đã giúp ngành dầu thực vật trong nước có điều kiện cọ sát với thực tế cạnh tranh, tạo dựng bản lĩnh để bước tiếp vào giai đoạn hội nhập toàn diện với các nền kinh tế lớn trên thế giới khi Việt Nam gia nhập WTO.
Mặc dù vậy, chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập, ngành dầu thực vật cũng đã có những bước chuẩn bị đang kể trong mấy năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung đầu tư mở rộng công suất và đầu tư mới với trình độ thiết bị và công nghệ hiện đại.
Bước vào sân chơi mới, ngay trong năm 2007 tới đây sẽ có thêm một số nhà máy mới đầu tư đi vào hoạt động, năng lực của ngành dầu sẽ tăng thêm 1.300 tấn/ngày, đưa công suất lên gấp đôi so với hiện nay.
Đồng thời, một số cơ sở phát triển ngành cũng được đưa vào hoạt động như cảng chuyên dùng, hình thành các vùng nguyên liệu trong nước cung ứng cho sản xuất tinh luyện các sản phẩm dầu ăn cao cấp. Với những yếu tố này, ngành dầu thực vật Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Việc gia nhập WTO sẽ giúp cho thương hiệu dầu thực vật trong nước có điều kiện vươn ra thị trường quốc tế tốt hơn.
Ông NGUYỄN ĐỨC THUẤN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam: Đây là cơ hội phát triển nhanh cho ngành da giày
Việt Nam chính thức là thành viên WTO là một cơ hội lớn để phát triển ngành da giày Việt Nam. Với một thị trường rộng lớn, điều kiện cạnh tranh như nhau, đặc biệt là tại thị trường Bắc Mỹ thì sản phẩm da giày của Việt Nam và Trung Quốc có mức thuế như nhau sẽ giúp da giày Việt Nam có điều kiện tăng nhanh sản lượng xuất khẩu.
Chúng tôi dự đoán điều này vì trong thời gian qua sản lượng giày dép xuất khẩu vào đây, đặc biệt là đối với mặt hàng giày thể thao mũ da, tăng khá nhanh. Nhiều khách hàng đánh giá cao đơn hàng từ Việt Nam do chất lượng lao động tốt, chủ yếu là lao động trẻ, có tay nghề, cần mẫn và chịu khó làm để phụ giúp gia đình.
Khi Việt Nam gia nhập WTO các ngành hàng xuất khẩu sẽ đứng trước áp lực kiện bán phá giá. Tuy nhiên chúng tôi lại cho rằng ngành da giày sẽ được bảo vệ tốt hơn so với thời gian trước đây, nhờ các nước có muốn kiện cũng phải tuân thủ theo qui định của WTO. Do vậy, không chỉ tăng trưởng của ngành vào thị trường bắc Mỹ tăng 20%-30% trong năm nay và trong năm tới sẽ vẫn giữ được nhịp độ này.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức rằng vào WTO là một thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để tồn tại, Hiệp hội Da Giày Việt Nam dự kiến sẽ hình thành có hội ngành hàng nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển sản phẩm theo một hướng khác, mang tính riêng biệt, nhằm thâm nhập thị trường này. Đó là việc phát triển các sản phẩm siêu cao cấp, sản phẩm có thiết kế độc đáo mà thị trường cần, không chỉ với thị trường quốc tế mà cả với thị trường tiêu dùng trong nước.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk): Ngành sữa sẽ gặp nhiều thách thức
Chúng tôi đang chờ đợi việc chính thức công bố các cam kết giữa Việt Nam với một số quốc gia là cường quốc sản xuất sữa để biết mình sẽ phải đối mặt với thách thức như thế nào. Việc gia nhập WTO sẽ đưa ngành chế biến sữa vào cuộc cạnh tranh mới quyết liệt hơn. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều nước trong cộng đồng tổ chức WTO đang sản xuất sữa với giá thành cực rẻ. Đây là những nước được thiên nhiên ưu đãi phù hợp với qui mô chăn nuôi bò sữa công nghiệp, chi phí rất thấp.
Họ có những cánh đồng cỏ mênh mông, không phải đầu tư nhiều, việc chăn thả không tốn nhiều công sức và thu hoạch cũng như bảo quản theo hướng công nghiệp. Như vậy, không chỉ chi phí sản xuất thấp, năng suất cao, mà chất lượng sản phẩm của họ đảm bảo tuyệt hảo, nếu không có lộ trình giảm thuế nhập khẩu thỏa đáng thì sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh.
Tuy nhiên, Vinamilk đang cố gắng phát triển các nhóm sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước để giữ vững thị phần, đặc biệt là thế mạnh từ các sản phẩm "tươi" như sữa chua, kem... Vinamilk sẽ thực hiện hàng loạt chương trình chăm sóc khách hàng với mong muốn để người Việt Nam tự hào khi sử dụng sản phẩm Việt Nam. Bên cạnh đó, Vinamilk tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển đàn bò sữa để chủ động nguyên liệu, trong đó hỗ trợ để hình thành các vùng nuôi bò tập trung cho năng suất cao để giảm chi phí sản xuất cho nông dân, vắt sữa và bảo quản theo hướng công nghiệp để có thể chế biến được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.